Xót xa những đứa trẻ bị “kết án tử”

(Dân trí) - Những đứa trẻ vô tội phải mang trong mình căn bệnh thể kỷ lây nhiễm từ mẹ. Những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi vì cả bố lẫn mẹ đều bị “con ma ết” đưa đi. Chúng là những phận đời đắng đót, ngơ ngác trong cơn lốc “ết” hoành hành ở Quế Phong (Nghệ An).

 

Trẻ em Quế Phong với trò chơi ưa thích của mình.
Trẻ em Quế Phong với trò chơi ưa thích của mình.

Bãi đất trống, dốc đứng ở đầu bản Tạng (xã Tiền Phong, Quế Phong) là chỗ đám trẻ đang chơi trò cầu trượt. Chúng cứ trèo lên trên dốc rồi cứ thế trượt xuống mặc cho người ngợm lấm lem đất đỏ. Tiếng cười của chúng như xua tan cái ảm đạm, nghèo đói ở bản nghèo này.

“Nhà con ở đâu?”, tôi hỏi.

“Ở đằng tê (đằng kia – PV).

“Bố con đi đâu?”

“Chết rồi”. Thằng bé Lữ Anh T. đáp cụt ngủn.

Câu trả lời cũng lặp lại khi tôi hỏi bé Lữ Thị N., Hà Văn T.

Bà Hà Thị Q. bật khóc khi nghĩ đến tương lai của cháu nội Lương Văn K.
Bà Hà Thị Q. bật khóc khi nghĩ đến tương lai của cháu nội Lương Văn K.

Lữ Thị N. dẫn tôi về nhà. Nhà (phải gọi là túp lều mới đúng) của mẹ con N. ở cuối bản, được chắn bằng mấy tấm phên rách nát. Từ khi bố mất, chị em N. ở với mẹ trong căn nhà này. Biết là nhà sắp sập nhưng chị Trương Thị D. – mẹ N. cũng không có tiền để sửa bởi sau cái chết của chồng, chị phải gồng mình nuôi các con trong khi bản thân mình cũng đang mang căn bệnh HIV.

“Mình lây bệnh từ chồng. Chồng bị chết năm ngoái rồi. Mình cũng không biết “ết” là cái chi, chỉ nghe bác sỹ nói là nguy hiểm thôi. Nguy hiểm như thế nào mình cũng không biết nhưng hàng tháng mình vẫn lên Trung tâm y tế huyện lấy thuốc đó. Bác sỹ bảo phải uống thuốc thường xuyên mới sống lâu được”, chị D. nói.

Chỉ biết HIV là nguy hiểm nhưng nguy hiểm như thế nào thì chính chị D. cũng không biết. Bởi vậy chị D. cũng không có ý thức đưa con đi kiểm tra. Chị em N. cứ hồn nhiên sống như những đứa trẻ khác trong bản. Có lẽ chúng còn quá nhỏ để biết sợ hãi trước căn bệnh thể kỷ này.

8 tuổi, bé Lương Văn K. đang mang trong mình căn bệnh thế kỉ lây nhiễm từ mẹ, mẹ của K. nhiễm HIV từ chồng.
8 tuổi, bé Lương Văn K. đang mang trong mình căn bệnh thế kỉ lây nhiễm từ mẹ, mẹ của K. nhiễm HIV từ chồng.

Lữ Thị N., Lữ Anh T. – những đứa trẻ có bố chết vì “ết”, mẹ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng cũng không biết mình có bệnh không. Chúng vẫn hồn nhiên nô đùa với bạn. Tôi chợt rùng mình khi nghĩ, chẳng may chúng mang trong mình căn bệnh ấy, trượt trên sườn đồi xuống nhỡ bị thương, chảy máu thì chuyện gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ còn lại?

Tôi ám ảnh cả nụ cười của Lữ Thị H. (SN 1994, bản Kim Khê, Châu Kim, Quế Phong) khi trả lời câu hỏi “vì sao không đưa con đến Trung tâm y tế kiểm tra”. Cả H. và chồng đều nhiễm căn bệnh chết người này nhưng thấy con vẫn khỏe mạnh nên cũng không vội đưa con đi kiểm tra. Không phải vì H. sợ mà có lẽ, cô chưa nhận thức đủ về căn bệnh thế kỷ này?

Tối mịt, bé Lương Văn K. (8 tuổi, bản Ná Chạng, Tiền Phong, Quế Phong) mới lùa bò về chuồng. Bước lên nhà, thấy người lạ, thằng bé lễ phép vòng tay lại chào. Nếu chị Hà Thị Hoa – nhân viên y tế bản Ná Chạng không nói trước tôi không dám nghĩ thằng bé có khuôn mặt bầu bĩnh, thông minh kia đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Sự tàn phá của cơn bão ết chẳng thể làm giảm đi sự hồn nhiên của những đứa trẻ miền núi Quế Phong. Có lẽ, chính chúng là âm thanh trong trẻo vang lên giữa núi rừng, xua đi cái mịt mù, thê lương ở những nơi cơn bão này quét qua.
Sự tàn phá của cơn "bão ết" chẳng thể làm giảm đi sự hồn nhiên của những đứa trẻ miền núi Quế Phong. Có lẽ, chính chúng là âm thanh trong trẻo vang lên giữa núi rừng, xua đi cái mịt mù, thê lương ở những nơi cơn bão này quét qua.

Bố K. nhiễm HIV rồi lây cho vợ. Mẹ K. không biết mình bị “ết” cho đến khi chồng trăng trối trước lúc chết. K. bị lây nhiễm HIV từ trong bụng mẹ. “Hồi trước nó ốm yếu gày gò lắm. Giờ được uống thuốc đều đặn nên có da con thịt rồi. Nó ngoan lắm, học cũng giỏi nữa. Các thầy cô giáo thương nó lắm, cho sách vở, bút giấy nữa đó”, bà nội K. nói về đứa cháu của mình.

K. mang trong mình căn bệnh thế kỉ nhưng Trung tâm y tế huyện lại không có thuốc ARV dành cho trẻ em nên hàng tháng ông bà nội em phải bắt xe gần 300km xuống Tp Vinh để lấy thuốc cho cháu. “Vợ chồng tôi già rồi, có lúc không đi được thì các bác, các thím K. phải đi thay. Giá như ở huyện có cái thuốc này tốt quá”, bà Hà Thị Q. ước ao.

Mang trong mình căn bệnh thế kỉ, việc thuốc men hạn chế cho phải đi lại quãng đường quá xa nhưng Lương Văn K. vẫn cố gắng trong học tập.
Mang trong mình căn bệnh thế kỉ, việc thuốc men hạn chế cho phải đi lại quãng đường quá xa nhưng Lương Văn K. vẫn cố gắng trong học tập.

Số phận của Lương Văn K. đã được định đoạt nhưng những đứa trẻ như Lữ Anh T., Lữ Thị N., hay con trai của Lữ Thị H. thì sao? Phải chăng sự thiếu hiểu biết của mẹ chúng khiến chúng đang phải đối mặt với bản án từ hình mang tên HIV đang lơ lửng trên đầu? Rồi khi chị D., chị H. và bao nhiêu người cha, người mẹ ở Quế Phong bị “con ma ết” bắt đi thì tương lai nào đang chờ đợi những đứa trẻ tội nghiệp ấy?

                                                                                               Hoàng Lam