Quảng Nam:

"Xóm lò rèn" nguy cơ thất truyền

(Dân trí) - “Xóm lò rèn” Phú Nhiêu (nay thuộc thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam) từng nổi danh khắp vùng tây Đại Lộc bởi chất lượng và tài năng tinh xảo của người thợ. Tuy nhiên, làng nghề nay đã dần mai mọt, làng nghề rèn Phú Nhiêu chỉ còn là địa danh.

Với lịch sử hàng trăm năm, từng nổi tiếng khắp vùng tây Đại Lộc, sản phẩm của lò rèn ở đây không những được bà con nông dân các làng vùng tây Đại Lộc, một số làng ở Duy Xuyên tín nhiệm mà còn được đồng bào Cơtu ở vùng núi Nam Giang biết tiếng.

Thợ rèn Trương Bảy
Thợ rèn Trương Bảy

Cả thôn Thạnh Phú có khoảng 395 hộ dân đều sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và nghề rèn truyền thống. Ngoài việc canh tác ruộng đồng thì nghề rèn cũng giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại sản phẩm tuy chất lượng không sánh bằng nhưng giá cả lại rẻ hơn nên nghề rèn bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Bảy (70 tuổi) - một trong những người dân ở đây - cho biết: “Trước đây có hơn 18 lò rèn hoạt động nhưng bây giờ chưa tròn 5 lò. Nghề này cho thu nhập thấp lại không ổn định nên ít ai theo nghề, những thợ còn làm hiện nay đều đã qua tuổi ngũ tuần”.

Theo ông, nguyên nhân do thời buổi kinh tế hiện đại người ta ít dùng các sản phẩm thủ công truyền thống, sự cạnh tranh với sản phẩm ở nhiều nơi đổ về, ở đây sản phẩm chủ yếu làm bằng thủ công, chất lượng đảm bảo hơn nhưng về giá thành thì không cạnh tranh nổi với những nơi làm bằng máy móc.

Sản phẩm từ nghề rèn hiện ít người sử dụng nên ông Ngô Văn Châu cũng ít việc
Sản phẩm từ nghề rèn hiện ít người sử dụng nên ông Ngô Văn Châu cũng ít việc

Trước đây đa số người dân địa phương đều làm nghề rèn dao, rựa, cuốc, xẻng, liềm… Tận dụng những mảnh vỡ từ bom, mìn thợ rèn đã sáng tạo nên nhiều loại nông cụ phục vụ sản xuất. Bằng tài năng của mình, những người thợ rèn nơi đây đã biến những vật vô tri thành có ích, tiếng lành đồn xa ngày càng nhiều người tìm đến đặt hàng. Ông Phan Đìn Thanh (làng Thạnh Phú, Đại Chánh) cho biết: “Trước đây nghề rèn có thể nuôi được một gia đình đông đúc, nhờ nó người ta có thể xây nhà, có của ăn, của để. Bây giờ kinh tế thị trường nghề rèn thủ công không “địch” nổi với những sản phẩm máy móc tân tiến”.

Việc ưa chuộng những mặt hàng nhanh, tiện lợi đã làm cho khách hàng dần quên đi những sản phẩm thủ công truyền thống. Hiện nay, nhiều sản phẩm làm bằng máy móc đa dạng về chủng loại, giá cả lại mềm hơn đã áp đảo các mặt hàng địa phương.

Ngày xưa, đi từ đầu xóm đến cuối xóm đâu đâu cũng vang lên tiếng đập, rèn, tiếng xì xèo của bếp lửa hồng. Nhưng hiện nay chúng chỉ còn trong ký ức của những người già, thỉnh thoảng vẫn có tiếng búa nện sắt vang lên nhưng cũng chỉ mấy lò chủ yếu là những thợ đã có tuổi; họ muốn giữ gìn một chút bản sắc quê hương cho con cháu sau này có cái gì đó mà nhìn vào tự hào.

Nhiều thợ trong “xóm lò rèn” còn nói vui với nhau mỗi khi nện những nhát búa to, búa nhỏ xuống nền sẽ vang lên tiếng “đắp, đổi” hoặc “cùng, cực” như nói lên tiếng lòng của những người thợ rèn trước sự mai mọt dần của một làng nghề truyền thống.

Là một người thợ có thâm niên hơn 30 năm ở làng nghề này, ông Ngô Văn Châu cho biết: “Nếu có khách đến đặt hàng khá khá thì trung bình mỗi người thợ rèn ở Thạnh Phú có thu nhập từ 100-150 ngàn/ngày. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải”.

Hiện nay, số lượng khách đến đặt hàng ngày một thưa thớt, người ta chuộng hàng chợ vì giá rẻ hơn là đồ thủ công chất lượng. Nghề này do cha ông truyền lại, phải yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nó mới có thể tồn tại lâu được. Tuy đã hết thời những nghề này cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người còn có ý định giữ gìn.

Ông Huỳnh Văn Lâm - Trưởng thôn Thạnh Phú cho biết: “Nhiều người thợ rèn lâu năm ở đây ai cũng có ý định giữ gìn nghề truyền thống, bởi với họ nghề này là do cha ông truyền lại, có ý nghĩa rất thiêng liêng”.

“Giới trẻ hiện nay chẳng ai mặn mà với nghề này bởi thu nhập thấp lại bấp bênh vì dăm bữa, nửa tháng mới có người đặt hàng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị, đưa ra phương hướng khôi phục làng nghề truyền thống cha ông nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Lâm cho biết.

N.Linh-C.Bính