An Giang:

“Xẻ thịt nhà thiếu nhi để…sống

(Dân trí) - Dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng và mới sử dụng hơn một năm nay nhưng Nhà thiếu nhi (NTN) huyện Tri Tôn hoạt động bát nháo, thậm chí phải “xẻ thịt” nhiều đoạn để duy trì “sự sống”.

Hoành tráng nhưng… bát nháo

Công trình NTN huyện Tri Tôn, An Giang được xem là công trình cấp huyện lớn nhất của tỉnh do tỉnh đoàn làm chủ đầu tư và bàn giao cho huyện đoàn Tri Tôn trực tiếp quản lý từ khi hoàn thành vào cuối tháng 9/2013 đến nay.

 

Nhà thiếu nhi Huyện Tri Tôn được xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng hoạt động bát nháo
Nhà thiếu nhi Huyện Tri Tôn được xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng hoạt động bát nháo

Công trình có kinh phí trên 22 tỷ đồng, với diện tích là 15.280 m2, có 3 hạng mục chính gồm: Khối nhà chính 1 trệt, 2 lầu, san lấp mặt bằng với diện tích 11.793m2 và cổng hàng rào, nhà bảo vệ. Trong đó, các công trình phục vụ thiếu nhi tập trung ở tầng trệt, gồm: Khu vực triển lãm, phòng ngoại ngữ, phòng đào tạo, phòng học lý thuyết, phòng học năng khiếu, tin học, khán phòng, sân khấu, nhà vệ sinh…

Theo nhiều người dân thường lui tới NTN cho biết, dù nơi này hoạt động hơn một năm nay nhưng xung quanh khuôn viên NTN đâu đâu cũng gặp rác. Điều đặc biệt tuyến đường nằm trong khuôn viên NTN – nơi thường dành cho trẻ em vào sinh hoạt, vui chơi giải trí vào chiều và tối đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà rất lớn. Có nơi nắm ống cống bị bễ lộ cả những thanh sắt nhọn hoắt chĩa lên mặt đường gây nguy hiểm cho các em mỗi khi vào đây vui chơi, giải trí hoặc tập chạy xe đạp vào các buổi tối.

 

Bên trong NTN nhiều nơi bị sụp, lún ống cống lộ ra sắt nhọn hoắt chĩa lên rất nguy hiểm
Bên trong NTN nhiều nơi bị sụp, lún ống cống lộ ra sắt nhọn hoắt chĩa lên rất nguy hiểm

Ở NTN có một số đồ vui chơi cho trẻ như tàu lượn, xích đu là “nhờ” ngay từ đầu Ban giám đốc NTN đã “khoán lại” cho người khác làm và thu tiền 8 triệu đồng/tháng. Ở phía trước mặt NTN lại để dành cho các cơ quan ban ngành huyện tổ chức văn nghệ hay thậm chí là đoàn siêu thị vào bán hàng khiến nơi này dường như không phải dành cho trẻ em.

Đang tất bật dựng sân khấu cho kịp giờ, anh Quách Văn Na, cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Tri Tôn cho biết, “Bữa nay tôi dựng sân khấu cho một đơn vị tổ chức tri ân khách hàng. Khuôn viên ở đây rộng lắm nên thường cho mướn làm điểm tổ chức văn nghệ hay bán hàng để bà con thuận tiện bà con lui tới hơn những nơi khác nhiều!”

Khoảng 10 giờ trưa, chúng tôi ghé thăm quán café và sân bóng đá mini Hoàng Hải do NTN Tri Tôn cho mướn mặt bằng thì thấy hàng chục em học sinh cấp 2 đang chơi bóng trong sân. Mãi hơn nữa tiếng sau các em mới bước ra lửng thửng, còn người thì đầy mồ hôi. Ông bảy Nhịn – chủ quán café vội vả chạy lại nói. “Mấy đứa gom tiền lại đi. Nảy giờ các em chơi hết một giờ rồi là 100.000đ đó!”.

“Xẻ thịt nhà thiếu nhi để…sống - 3

Ông Bảy Nhịn thu tiền từ các em học sinh

Nghe nói xong, các em này cặm cụi móc từng tờ tiền lẻ trong túi ra, đứa vét sạch túi có được 10.000đ để góp, có bạn cũng không có tiền nên mượn bạn khác. Mãi đến 10 phút sau các em mới gom đủ tiền đưa cho ông Nhịn. Vừa lấy tiền từ đám nhỏ xong, ông Nhịn quay sang nói: “Từ ngày đầu tư xây dựng sân bóng đá và quán café này đã hơn ba tháng nay mà chi phí đã trên 1,5 tỷ đồng rồi. Hai sân này không đủ để phục vụ nữa. Chắc sắp tới sẽ đầu tư thêm võng và bàn ghế bán tiếp tục nữa!”

 “Xẻ thịt” để…sống

Theo anh Lê Văn Son, Phó Bí thư huyện đoàn – kiêm Giám đốc NTN huyện Tri Tôn cho rằng do NTN mới thành lập từ tháng 10-2014 đến nay nên thiếu người quản lý. “Hiện tại chỉ có một bảo vệ, một lao công, một tạp vụ, cùng với tôi và cán bộ tài chính nên không xử lý xuể hết vấn đề môi trường và hoạt động tốt được.

 

Sân bóng đá mini và café Hoàng Hải được xây dựng trên đất NTN. Nhiều em đến chơi phải trả tiền từ 100.000đ – 160.000đ/giờ.
Sân bóng đá mini và café Hoàng Hải được xây dựng trên đất NTN. Nhiều em đến chơi phải trả tiền từ 100.000đ – 160.000đ/giờ.

“Việc cho thuê này là để…tạo điều kiện cho anh em làm ăn thôi. Việc hư hỏng tôi đã báo cáo về huyện rồi nhưng đến nay vẫn chưa có tiền sửa lại được. Bản thân NTN “sống” được là nhờ tiền cho thuê đó để trả tiền điện, nước và lương bổng cho anh em. Hiện nay đã tự thu tư chi rồi nhưng sống…khó quá!” – anh Son nói.

Cũng theo anh Son, do NTN không có kinh phí hoạt động mà diện tích rộng nên ngay từ đầu năm 2015 Huyện đoàn đã chủ động đề xuất với UBND huyện Tri Tôn cho thuê mặt bằng để “liên kết” xây dựng 2 sân bóng đá và quán cafe với diện tích 4.100m2 cho ông Nguyễn Phi Hải, ở thị trấn Tri Tôn mướn trong thời hạn 10 năm. Năm đầu tiên 2016 được tính với giá 60 triệu đồng, bước sang năm thứ hai thì mỗi năm sẽ tăng thêm 10%.

Anh Son cũng cho biết thêm, việc liên kết mở sân bóng đá trong thời gian 10 năm thì NTN sẽ được sân có sẳn và trong thời gian này cũng được lợi từ tiền cho thuê đó để “nuôi sống” NTN hoạt động hiệu quả hơn. “Nếu NTN có đủ người thì chúng tôi lấy tiền cho thuê đó chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn. Hiện nay toàn bộ sự sống của NTN gần như lệ thuộc vào tiền cho thuê các trò chơi, sân bóng đá và quán café có được!” – anh Son nói.

Trao đổi với Dân Trí ngày 26 /12, ông Men Pholly, Bí thư huyện ủy Tri Tôn cho rằng, do NTN mới thành lập nên thiếu rất nhiều về kinh phí và nhân sự nên nhiều vấn đề chưa giải quyết tốt. “Đây là mô hình mới đầu tiên cấp huyện của tỉnh, kinh phí nó chưa dồi dào. Khi nào làm ăn có hiệu quả sẽ họp đồng thêm để quản lý tốt hơn. Đúng là Huyện có chủ trương xã hội hóa cho tư nhân thuê mặt bằng đất của NTN để tư nhân thuê và khai thác xây dựng sân bóng đá. Mình chỉ lấy tiền thuê mặt bằng, hết thời gian thuê họ sẽ trả lại sân bãi” – Bí thư Pholly nói.

Minh Thư