An Giang:

Xã biên giới phát triển… nhờ xây dựng Nông thôn mới

(Dân trí) - Trong những năm chiến tranh biên giới, xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hòa bình lập lại, người dân, chính quyền chung tay làm kinh tế để thoát nghèo nhưng chưa chuyển biến nhiều. Mãi đến thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế xã Vĩnh Gia từng bước phát triển, giao thương thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao rõ nét.

Điểm sáng vùng biên…

Huyện Tri Tôn là huyện biên giới, dân tộc, miền núi, diện tích tự nhiên trên 60.023 hecta, dân số 134.713 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 34%. Huyện có đường biên giới chung với Campuchia chiều dài 15,5 km, toàn huyện có 13 xã, 2 thị trấn, có 9 xã, thị trấn có đông đồng bào Khmer sinh sống, có 2 xã biên giới, 4 xã đặc biệt khó khăn.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, UBND huyện đã phát động phong trào thi đua trong cả hệ thống chính trị và nhân dân với chủ đề “Tri Tôn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020”.

Xã biên giới Vĩnh Gia thật sự đổi mới từ khi xã được chọn xây dựng xã Nông thôn mới
Xã biên giới Vĩnh Gia thật sự đổi mới từ khi xã được chọn xây dựng xã Nông thôn mới

Xã Vĩnh Gia là một trong hai xã biên giới đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Xã có diện tích trên 3.700ha/1.586 hộ nằm gần trọn trên tuyến đường N1, bước qua kênh Vĩnh Tế là đến nước bạn Campuchia. Kinh tế chủ lực của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp, một ít hộ mua bán nhỏ theo đường cửa khẩu phụ Vĩnh Gia đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Mở đầu câu chuyện về sự đổi mới của xã Vĩnh Gia, ông Phan Văn Sương – Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, cho biết: “Trong chiến tranh biên giới, xã Vĩnh Gia là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị địch càng phá... Do đó, kết thúc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân qua nhiều giai đoạn quyết tâm phát triển kinh tế để giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến khoảng 2011, xã Vĩnh Gia được chọn là xã điểm xây dựng NTM, từ đó, kinh tế và đời sống cua người dân phát triển rõ nét”.

Từ khi xây dựng xã nông thôn mới, hàng năm tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng cao và mấy năm qua xã Vĩnh Gia không còn tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn
Từ khi xây dựng xã nông thôn mới, hàng năm tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng cao và mấy năm qua xã Vĩnh Gia không còn tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn

Thực tế tại địa phương, Vĩnh Gia khoác lên mình một diện mạo mới, bộ mặt nông thôn khang trang với những dãy nhà tường kiên cố san sát mọc lên trên tuyến quốc lộ N1; hệ thống trường lớp đạt chuẩn, giao thông nông thôn thông suốt, giúp bà con thuận lợi mua bán… Cách đây vài năm, chợ Vĩnh Gia từng bị bỏ hoang vì không có người đến mua bán, nhưng nay, bà con kéo đến mua bán tấp nập, ồn ào suốt cả ngày.

Từ khi bắt tay xây dựng NTM, kinh tế Vĩnh Gia phát triển, từ mức thu nhập 18 triệu đồng/người vào năm 2010, đến nay thu nhập của người dân xã Vĩnh Gia tăng hơn gấp đôi. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm qua từng năm, tình trạng mất an ninh trật tự xã hội cũng giảm dần, nạn cờ bạc, chở thuốc lá lậu giảm hẳn…

Bà Lâm Thị Bích Vân - ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, vui vẻ, cho biết: “Ban đầu người dân chẳng hiểu NTM là gì, nhưng từ khi xã đạt được xã NTM, bộ mặt của xã thay đổi, đời sống của người dân chúng tôi được nâng lên đáng kể. Như gia đình tôi, nhờ Hội phụ nữ xã giới thiệu đến ngân hàng chính sách vay vốn về bán tạp hóa, từ bước ngoặc này, kinh tế gia đình tôi ổn định, có tiền nuôi thêm 1.000 con vịt và 02 con bò. Hiện này ngoài việc trả nợ xong, gia đình tôi còn có tiền gửi tiết kiệm”.

Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang đặt trên địa bàn huyện Tri Tôn là điều kiện để các thanh niên dân tộc học nghề, phát triển kinh tế gia đình
Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang đặt trên địa bàn huyện Tri Tôn là điều kiện để các thanh niên dân tộc học nghề, phát triển kinh tế gia đình

Ông Phạm Hoàng Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia, cho biết, trong những năm 2014-2017, lãnh đạo huyện quan tâm, chỉ đạo cụ thể trong nhiệm vụ xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, UBND có kế hoạch, phân công cụ thể từng ban, ngành, tổ chức trong xã phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Từ đó, bà con hưởng ứng rất cao, trong xã có trên 200 hộ tự nguyện hiến đất làm đường; hàng nghìn lượt người dân tham gia đóng góp ngày công, vệ sinh cảnh quan môi trường…

Hiện nay, xã Vĩnh Gia là một trong những xã được chọn để duy trì và nâng chất NTM. Qua kiểm tra, đánh giá, Vĩnh Gia tiếp tục đạt 19/19 chỉ tiêu và 49/49 tiêu chí. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Gia có một số tiêu chí đạt không bền vững, như: tiêu chí về môi trường, tai nạn giao thông, tỷ lệ tham gia bảo hiểm… Hiện lãnh đạo xã đã có kế hoạch từng bước giữ vững các chỉ tiêu, tiêu chí này.

Đoàn kết dân tộc xây dựng NTM

Huyện Tri Tôn có 15 xã, thị trấn nhưng trong đó có đến 9 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Do vậy, từ nhiều năm qua, Huyện ủy, UBND huyện cùng Ban Chỉ đạo NTM của huyện đặc biệt chú tâm đến các xã dân tộc.

Như xã Lương Phi, dù điểm xuất phát không cao, nhưng Ban chỉ đạo NTM huyện Tri Tôn chọn làm xã điểm và đặt ra kế hoạch đạt các chỉ tiêu NTM trong năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phi, cho biết: “Hiện nay xã đạt 14/19 tiêu chí và 42/49 chỉ tiêu. Hiện Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đang tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu còn lại như kế hoạch đặt ra là xã đạt chuẩn NTM vào năm 2019”.

Đây là tuyến đường nông thôn ấp Sà Lôn, xã Lương Phi do Hòa thượng Chau Sơn Hy – chùa Sko Lôn, từ tiếng nói của Hòa thượng Chau Sơn Hy, bà con dân tộc Khmer đóng góp đất và hàng trăm ngày công làm đường nông thôn…
Đây là tuyến đường nông thôn ấp Sà Lôn, xã Lương Phi do Hòa thượng Chau Sơn Hy – chùa Sko Lôn, từ tiếng nói của Hòa thượng Chau Sơn Hy, bà con dân tộc Khmer đóng góp đất và hàng trăm ngày công làm đường nông thôn…

Theo ông Tân, xã Lương Phi cũng là xã thuần nông nhưng có đông đồng bào dân tộc sinh sống (chiếm đến 30% dân số) nên việc xây dựng NTM, phát triển kinh tế cho người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của cấp trên, chương trình NTM, xã Lương Phí từng bước phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó rõ nét nhất là giao thông nông thôn, hệ thống trường, trạm, thu nhập người dân… được nâng cao đáng kể.

Đáng chú ý nhất là công tác đoàn kết dân tộc được lãnh đạo xã, Ban chỉ đạo NTM đặc biệt quan tâm bằng việc gắn kết với các sư sãi ở chùa. Qua đó, phối hợp với nhà chùa tuyên truyền vận động người dân khmer cùng xây dựng NTM. Nổi bật nhất trong công tác này là Hòa thượng Chau Sơn Hy – chùa Sko Lôn, từ tiếng nói của Hòa thượng Chau Sơn Hy, bà con dân tộc Khmer đóng góp đất và hàng trăm ngày công làm đường nôn thôn…

Để xây dựng xã Nông thôn mới, nhiều năm qua lãnh đạo xã Lương phi tăng cường công tác gắn kết dân tộc qua các sư sãi, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chung tay xây dựng nông thôn mới
Để xây dựng xã Nông thôn mới, nhiều năm qua lãnh đạo xã Lương phi tăng cường công tác gắn kết dân tộc qua các sư sãi, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Bà Neang Sa Rôn – Trưởng ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, cho biết: “Lâu nay tôi thấy Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều đến bà con dân tộc Khmer sống trên đất nước Việt Nam. Cụ thể là tại địa phương chúng tôi, từ khi xã xây dựng NTM, bà con dân tộc được quan tâm nhiều hơn, bà con được tiếp cận nguồn vốn, được dạy nghề… Bà con đã bỏ bớt các tập tục lạc hậu, biết làm ăn, nhất là việc chăn nuôi bò đã có chuồng trại, kinh tế người dân khá lên rất nhiều”.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tri Tôn, do đặc thù là huyện dân tộc, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng giá cả nông sản không ổn định nên thu nhập bình quân của huyện còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để thúc đẩy sản xuất, việc thực hiện quy trình về xây dựng cơ bản khó và chậm, nhất là tiêu chí số 5 về trường học.

Nhờ tuyên truyền vận động, hiện nay nhiều hộ dân tộc Khmer biết làm kinh tế, nuôi bò tách khỏi nhà ở...
Nhờ tuyên truyền vận động, hiện nay nhiều hộ dân tộc Khmer biết làm kinh tế, nuôi bò tách khỏi nhà ở...

Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, hình thành các hợp tác xã gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, kinh tế xã hội của huyện Tri Tôn không ngừng phát triển, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Lĩnh vực văn hóa xã hội được nâng cao. Duy trì tốt mối quan hệ với quận Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia. Củng cố và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Riêng Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện và 13 xã phát động hội viên và nhân dân thực hiện các mô hình dân vận khéo, phong trào 5 không 3 sạch gắn với tiêu chí môi trường, phong trào nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng NTM gắn với tiêu chí ứng dụng khoa học công nghệ. Đây là một trong những nhân tố góp phần đạt mục tiêu xây dựng NTM, đặc biệt là đối với xã biên giới và dân tộc.

Từ năm 2016 đến nay tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM của huyện trên 588 tỷ đồng (vốn trung ương, địa phương và DN, người dân đóng góp). Đặc biệt nhân dân huyện Tri Tôn đã đóng góp 12.138 ngày công lao động và hiến 7.848 m2 đất làm đường giao thông. Tính đến tháng 9/2018, bình quân các xã trong huyện đạt 11 tiêu chí gần 37 chỉ tiêu nông thôn mới.

Nguyễn Hành