Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Đêm đầu tiên của hai đứa trẻ ở gia đình mới

(Dân trí) - Đêm đầu tiên trở về gia đình mới của mình, hai cháu bé trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã có một giấc ngủ ngon, không quấy khóc…

Vụ nuôi nhầm con ở Ba Vì: Người mẹ bật khóc trong buổi lễ trao nhận con

Nước mắt người mẹ trao nhầm con

Hai đứa trẻ trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã được trở về gia đình thật của mình. Đêm đầu tiên được ôm người con ruột thịt của mình, chị Vũ Thị Hương không thể ngủ nổi, nước mắt liên tục rơi. Chị Hương kể, bé Phùng Thanh H. tuy lạ nhà nhưng không quấy khóc, con ngủ ngoan. H. ít tuổi nhưng tự lập và hiểu chuyện.

Ngày 19/7 hai gia đình trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã tổ chức gặp mặt và trao trả con
Ngày 19/7 hai gia đình trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã tổ chức gặp mặt và trao trả con

Sau khi buổi lễ trao trả con kết thúc, dù buồn khi phải xa bố Sơn, mẹ Hiền nhưng con không khóc, lặng lẽ thu dọn đồ chơi, quần áo theo mẹ Hương về gia đình mới của mình. Cậu bé cũng làm quen với mọi người rất nhanh, chịu gọi em Khánh (người con thứ 2 của chị Hương - PV) là em trai và tự chơi một mình. Để con khỏi tủi thân, buổi chiều chị Hương đưa H. đi cắt tóc và nấu những món con yêu thích.

“H. ăn được hơn một bát, ăn xong con chơi với mấy người em trong họ rồi tự lên giường đi ngủ. Tôi biết con nhớ bố Sơn, mẹ Hiền nhưng có lẽ sợ làm mọi người suy nghĩ nên con cũng không nhắc đến hay đòi hỏi”, chị Hương nói.

Trong buổi lễ trao trả con chị Hương liên tục bật khóc
Trong buổi lễ trao trả con chị Hương liên tục bật khóc

Theo chị Hương, bé H. có vẻ thích nghi nhanh hơn M. Bởi M. vốn là đứa trẻ nhút nhát, tình cảm. Lúc chia tay chị Hương để về với bố Sơn, mẹ Hiền, M. vẫn khóc ngằn ngặt, gọi: “Mẹ Hương ơi, mẹ cứu con! Mẹ đừng bỏ con”. Lời con trẻ khiến trái tim chị Hương như vỡ vụn, đau xé ruột. “Chia tay M. là nỗi đau khổ lớn nhất trong cuộc đời tôi lúc này. Từ trước đến nay M. chỉ sống với tôi, làm gì cũng phải có mẹ, cháu tình cảm lắm nên tôi rất lo, sợ con không kịp thích nghi với gia đình mới”, chị Hương bật khóc.

Người phụ nữ này cho biết, trước buổi lễ trao trả con chị vẫn nghĩ đây đơn giản là cuộc gặp ba bên nên không có sự chuẩn bị. Hiện tại, giấy khai sinh, quần áo của M. chị vẫn đang giữ. “Tôi cứ nghĩ sẽ cho các cháu thêm một thời gian để thích nghi, làm quen với gia đình mới chứ không nghĩ mọi chuyện lại nhanh đến vậy. Điều tôi lo nhất là tâm lý cháu M. vẫn chưa ổn định, bản thân tôi cũng chưa sẵn sàng để xa con”, chị Hương nói.

“Sẽ đổi tên con để mong quên đi chuyện buồn quá khứ”

Trong khi đó, anh Phùng Giang Sơn cũng tâm sự, đêm qua lo bé M. lạ nhà cả hai vợ chồng anh thay nhau thức trông con. Rất may, M. chơi ngoan, không quấy khóc và có một giấc ngủ ngon trọn vẹn.

Theo anh Sơn, ngày hôm qua lúc chia tay mẹ Hương, ban đầu M. khóc, đòi về bằng được. Anh Sơn phải ôm con giải thích: “Từ giờ đây là nhà của con, bố mẹ là bố mẹ của con, con ngoan không đòi về để mẹ Hương đi làm, cuối tuần mẹ Hương sẽ về thăm con” thì M. mới chịu nín khóc.

Để con khỏi tủi thân, anh Sơn nhờ những đứa trẻ trong xóm đến chơi cùng con. Sau khi ăn xong, cả gia đình đi siêu thị mua đồ chơi rồi về xem phim. M. đã bắt đầu hòa nhập với gia đình mới, con cũng đã gọi bố Sơn, mẹ Hiền và đồng ý để chị Hiền tắm và bón cơm cho ăn. “Con đã cười vui dù đôi lúc nhớ ra mẹ Hương cũng hỏi và thắc mắc. Nhưng tôi nghĩ bước khởi đầu như thế cũng là tốt rồi, thời gian sẽ khiến cho con làm quen và chấp nhận gia đình mới của mình”, anh Sơn tâm sự.

Trong buổi lễ trao trả con do Bệnh viện Đa khoa Ba Vì tổ chức, hai gia đình đã ký biên bản đồng ý trao, nhận con
Trong buổi lễ trao trả con do Bệnh viện Đa khoa Ba Vì tổ chức, hai gia đình đã ký biên bản đồng ý trao, nhận con

Chia sẻ về ý kiến việc trao trả đường đột ảnh hưởng đến tâm lý hai đứa bé, anh Sơn thừa nhận việc để các con hòa nhập cuộc sống mới không dễ dàng. Những ngày qua, anh cũng phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý và có nhiều cuộc nói chuyện với gia đình anh Vũ Đình Khiên - người cha có con trao nhầm trong Bình Phước để tìm ra phương án tốt nhất cho các cháu. Việc “trao con ai về nhà nấy” theo anh Sơn dù có đau, buồn nhưng thời gian sẽ khiến mọi thứ nguôi ngoai.

“Thực sự, từ lúc biết sự thật, cả gia đình tôi đảo lộn hết cả, rất mệt mỏi, không thể làm gì. Tôi mong đón cháu về sơm để ổn định cuộc sống. Buồn nhưng sẽ quên nhanh, còn hơn cứ dùng dằng kéo dài mãi sẽ khiến tất cả đều mệt mỏi”, anh Sơn khẳng định.

Theo anh Sơn, trước khi M. bước vào năm học mới, sẽ tổ chức đi du lịch để con gần gũi bố mẹ và sớm vượt qua cú “sốc” vừa qua. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện các thủ tục trao nhận con, anh dự tính sẽ đổi tên bé Đoàn Nhật M. là “Phùng Đăng Khoa”. “Tôi muốn đổi tên con để cả gia đình quên đi những chuyện mệt mỏi vừa qua. Thêm vào đó, dù sao là con ruột của mình tôi cũng muốn tự đặt tên cho con”, anh Sơn chia sẻ.

Hai đứa trẻ trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã được trở về gia đình thật của mình
Hai đứa trẻ trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì đã được trở về gia đình thật của mình

Người đàn ông này cũng cho biết, ban đầu hai gia đình thống nhất để hai bé Phùng Thanh H. và Đoàn Nhật M. cùng nhập học một trường ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì). Chị Hương sẽ sắp xếp công việc về gần nhà để tiện chăm sóc các cháu. Tuy nhiên, mới đây, theo nguyện vọng của chị Hương là sẽ đón bé H. xuống Hà Nội cùng mẹ cho tiện. “Gia đình tôi cũng có nguyện vọng nếu cháu H. học cùng M, sẽ chu cấp và lo tiền học cho cháu tuy nhiên chị H. không đồng ý nên chúng tôi cũng tôn trọng”, anh Sơn chia sẻ.

Trong ngày hôm qua, anh Đoàn Trung Dũng - chồng cũ của chị Hương cũng bắt chuyến xe muộn từ Đà Lạt ra Hà Nội. Anh Dũng cho biết, không biết đến thông tin buổi trao trả con nên không sắp xếp công việc để tham gia. “Trưa hôm qua, đọc báo biết tin, tôi rất sốc và bất ngờ nên vội bắt xe ra để gặp các con ngay. Thật sự tôi cảm thấy rất buồn vì trong khoảnh khắc quan trọng như thế lại không được có mặt”, anh Dũng nói.

Người đàn ông này cũng cho biết, dù hai vợ chồng không còn chung sống nhưng bản thân anh vẫn luôn dành sự quan tâm và mong muốn những gì tốt nhất cho các con. Sau khi biết sự thật cháu Đoàn Nhật M. không phải là con ruột của mình, tình cảm anh Dũng dành cho con vẫn không hề thay đổi thậm chí còn thương hơn trước đây.

Anh Dũng cũng nhiều lần khuyên chị Hương nên bố trí công việc sớm trao trả các cháu về gia đình thật của mình nhưng vì nặng tình nên chị Hương cứ nấn ná. “Tôi biết Hương buồn khi phải chia tay người con chăm chút, yêu thương bấy lâu nhưng M. là con cháu họ, muốn giữ cũng không được. Thôi thì đau một lần còn hơn là cứ kéo dài nỗi đau”, anh Dũng nói.

Về khoản tiền bồi thường, anh Dũng cho biết không có ý kiến gì mà điều anh quan tâm nhất hiện tại là tâm lý hai đứa trẻ. Người đàn ông này cũng cho biết, nguyện vọng sắp tới của anh là sẽ đón một trong 2 người con mà chị Hương đang nuôi để chăm sóc hoặc bố trí công việc để gần gũi các con hơn.

Hà Trang