Án chung thân cho vụ bố đẻ, mẹ kế bạo hành bé trai ở Hà Nội?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ bố đẻ, mẹ kế bạo hành bé trai 10 tuổi trong suốt 2 năm qua tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc. Theo luật pháp, các đối tượng trên phải chịu khung hình phạt nào? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Luật InvestPro về vấn đề này.

Xin bà cho biết, với hành vi ngược đãi, bạo hành chính con đẻ của mình, theo pháp luật các đối tượng trên phải chịu khung hình phạt nào?

Bạo hành trẻ em từ lâu đã trở thành một vấn nạn trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, gần đây nhiều vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục, hoặc tại các nơi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật đã bị đưa ra ánh sáng khiến dư luận sững sờ, bức xúc. Nhưng bạo hành trẻ em đã không dừng lại trước cánh cửa gia đình, nơi tưởng như phải là môi trường mát lành nhất dành cho các em.


Bé K. bị chính bố đẻ và mẹ kế hành hạ trong suốt 2 năm qua khiến em bị đa chấn thương (ảnh: LĐO).

Bé K. bị chính bố đẻ và mẹ kế hành hạ trong suốt 2 năm qua khiến em bị đa chấn thương (ảnh: LĐO).

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, dưới góc độ pháp luật hình sự, bố ruột và mẹ kế của bé trai 10 tuổi đã có dấu hiệu phạm 02 tội danh, đó là “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 104 và tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 1999.

Tuy nhiên, để xử lý đối tượng đã bạo hành bé trai 10 tuổi nêu trên theo tội danh “Cố ý gây thương tích” (có chế tài phạt tù từ 6 tháng đến chung thân tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi), mẹ đẻ cháu bé (người đại diện hợp pháp cho người bị hại là người chưa thành niên) phải có đơn yêu cầu xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nếu trong trường hợp mẹ đẻ cháu bé không yêu cầu xử lý và không đưa cháu bé đi giám định tỷ lệ thương tật thì các cơ quan tố tụng có thể chủ động xử lý đối tượng về tội danh “Ngược đãi hoặc hành hạ con” (có chế tài phạt tù từ 2 đến 5 năm tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi) như đã nêu trên.

Theo pháp luật trẻ em được bảo vệ như thế nào, thưa bà?

Qua những vụ việc được đưa tin, chúng ta có thể thấy rằng trẻ em dù ở bất cứ đâu, trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng là đối tượng dễ bị xâm hại, bạo hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), hiện có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012 có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi là nạn nhân của bạo lực tình dục, bóc lột sức lao động. Cùng với đó, khoảng 1,2 triệu em nhỏ trở thành “hàng hóa” buôn bán mỗi năm.

Nhận thức được trẻ em là mầm non, là tương lai của gia đình và xã hội, cộng đồng quốc tế đã thông qua Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em ngày 20/11/1989 (Việt Nam gia nhập ngay sau đó vào ngày 20/02/1990), là công cụ pháp lý ở cấp độ quốc tế để bảo vệ quyền của trẻ em. Ngay tại Phần Lời Mở đầu, Công ước ghi nhận “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ nên trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt”, “để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông”.

Công ước quy định “Các Quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột” (Khoản 1 Điều 19). Theo pháp luật quốc tế, trẻ em phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất và tinh thần bằng mọi biện pháp và mọi chủ thể từ pháp luật đến giáo dục, từ chính quyền, xã hội đến gia đình.

Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam cũng ghi nhận “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em ( Khoản 1 Điều 37), ngoài ra còn có hệ thống pháp luật riêng bảo vệ quyền trẻ em như Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân Gia đình 2014.

Mặc dù hệ thống pháp luật đã được xây dựng tương đối đầy đủ, nhưng tại Việt Nam vấn nạn bạo hành trên thực tế vẫn còn nhức nhối. Ở mức độ ít nghiêm trọng nhất, dễ dàng nhận thấy rằng tỉ lệ trẻ em từng bị cha mẹ đánh phạt là rất cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc “bình thường”.

Quay lại vụ việc trên, khi ly hôn, theo phán quyết của tòa án thì bố bé K được quyền nuôi dưỡng bé. Vậy sau vụ việc này thì mẹ bé K có quyền đề nghị tòa án thay đổi quyền nuôi con không?

Ngoài việc xử lý nghiêm minh các đối tượng trên, việc đảm bảo cháu bé được tiếp tục nuôi dưỡng trong một môi trường tốt hơn là vấn đề cần được lưu tâm đặc biệt. Theo các thông tin báo chí, khi ly hôn, người bố đã được Tòa án quyết định giao cháu bé nuôi dưỡng. Với tình trạng hiện nay người bố đang bị xử lý về hành vi bạo hành cháu bé, cơ quan tố tụng có thể tạm thời giao cháu cho mẹ đẻ nuôi dưỡng trong quá trình giải quyết vụ án. Sau khi có quyết định cuối cùng của các cơ quan tố tụng đối với các đối tượng nêu trên, người mẹ nên yêu cầu Tòa án nơi giải quyết việc ly hôn thay đổi quyền nuôi con theo quy định của Luật Hôn nhân Gia đình 2014 để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho cháu bé, bù đắp những tổn thương về thân thể, tinh thần cho cháu.

Theo bà, cần áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ trẻ khỏi bị ngược đãi, lạm dụng, xâm hại, bạo hành, bóc lột...?

Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp được công khai thực sự là cảnh báo “đỏ” về sự an toàn của những đứa trẻ và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành.

Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì tâm lý chung của người dân đều không muốn có sự "rắc rối" liên quan đến mình. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.

Trong khi đó, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng còn bị coi nhẹ, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo hành.

Ngoài ra cũng phải đánh giá tới việc quản lý của cơ quan chức năng liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại các trường học, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học tuy nhiên nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục đã chưa thực sự nắm bắt kịp thời hoặc thậm chí có dấu hiệu che giấu.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc bạo hành để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, thậm chí “có thể làm thay đổi cả cuộc đời một con người”. Nếu như sự đau đớn thể xác trôi qua rất nhanh, thì nỗi đau tinh thần đối với những đứa trẻ là nạn nhân của hành vi bạo lực thân thể tác động rất lâu dài. Những trẻ em từng là nạn nhân của hành vi bạo lực thân thể thường trở nên tự ti, cô lập với tất cả mọi người, đánh giá thấp hay tự chỉ trích bản thân, rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm…

Để có thể giảm thiểu và giải quyết vấn nạn này, thiết nghĩ, không cách nào khác ngoài việc tất cả chúng ta, từ cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường, và cả cộng đồng phải nhận thức rõ hơn nữa tầm quan trọng của trẻ em đối với tương lai, những hệ lụy to lớn đối với xã hội nếu trẻ em không được bảo vệ đúng đắn, và cùng chung sức hành động.

Xin cảm ơn bà đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn về vấn đề trên!

Thu Hà (thực hiện)