Vợ được bồi thường hơn 100 triệu đồng cho 7 năm làm việc nhà

Hồng Anh

(Dân trí) - Vụ việc đang gây tranh cãi lớn trên các mạng xã hội. Đa phần phụ nữ đều cho rằng số tiền mà chị Vương nhận được là quá ít ỏi so với lượng công việc phải làm suốt 7 năm qua.

Anh Đàm và vợ là chị Vương (Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc) kết hôn năm 2015. Vì con trai sinh non, chị Vương đành phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc. Công việc của người chồng lại bận rộn, ít thời gian quan tâm vợ con nên tình cảm của cả hai dần nguội lạnh. Một năm trước họ ly thân, chị Vương sống cùng con trai và làm việc bán thời gian.

Dù cố níu kéo nhưng đến đầu năm 2022, biết không thể tái hợp nên anh Đàm chủ động nộp đơn ly hôn ra tòa. Cả hai đều đồng ý chia tay, nhưng trước đó chưa có thỏa thuận về việc phân chia tài sản và quyền nuôi con. Bởi vậy giữa họ xảy ra tranh chấp. 

Trong quá trình ly hôn, chị Vương đòi chồng cũ phải bồi thường cho công việc nội trợ và nuôi dạy con trai mà cô luôn đảm nhận một mình.

"Người phụ nữ này nói rằng, sau khi cả hai kết hôn và sinh con, chưa bao giờ chồng cô đụng tay đụng chân vào nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc con cái và mua sắm...  Vì vậy, cô ấy yêu cầu được bồi thường", thư ký họ Trương tại tòa án địa phương chia sẻ.

Vợ được bồi thường hơn 100 triệu đồng cho 7 năm làm việc nhà - 1

Suốt 7 năm chị Vương ở nhà nội trợ, chăm con nhỏ. (Ảnh minh họa: Jiemian)

Tuy vậy, người chồng phản đối yêu cầu của vợ. Người đàn ông này nói rằng, anh không chấp nhận nổi việc đòi bồi thường của vợ. "Cô ấy ở nhà làm vài việc lặt vặt. Tiền ăn, tiền uống, tiền thuốc men lúc ốm đau... đều do tôi chi trả. Muốn bồi thường cô ấy tự đi bồi thường cho chính mình", người chồng cũ khẳng định.

Cuối cùng sau khi cân nhắc, Tòa án thành phố Tô Châu phán quyết anh Đàm phải trả một lần khoản tiền bồi thường 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) cho chị Vương vì chị là người chăm sóc gia đình toàn thời gian trong 7 năm hôn nhân. Ngoài ra, người chồng còn phải trả tiền cấp dưỡng để chăm sóc cậu con trai 7 tuổi đang sống cùng mẹ.

Vụ việc đang gây tranh cãi lớn trên các mạng xã hội Trung Quốc. "Ly hôn đòi tiền bồi thường do làm nội trợ toàn thời gian" trở thành từ khóa nóng nhất, liên tục dẫn đầu trong số lượt tìm kiếm trên mạng xã hội lớn nhất nước này (Weibo).

Đa phần phụ nữ đều cho rằng, số tiền mà chị Vương nhận được là quá ít ỏi so với lượng công việc phải làm suốt 7 năm qua. "Giá trị của bà nội trợ quá rẻ mạt? Với số tiền đó có đủ thuê bảo mẫu trong vài tháng không, chứ chưa nói đến vài năm", một người dùng Weibo nhận xét.

Một người khác thì bình luận: "Các bà nội trợ không phải là bảo mẫu miễn phí. Ai cũng biết làm vợ khó hơn nhiều so với làm bảo mẫu. Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều phụ nữ sợ hãi việc kết hôn và sinh con".

Một phụ nữ làm nội trợ thẳng thắn bày tỏ: "Tôi là một bà nội trợ trong 7 năm, tôi cảm thấy cô đơn, bị cô lập và thất vọng khi không có mạng xã hội, vì vậy, tôi sẽ không bao giờ khuyến khích con gái mình làm điều tương tự".

 Tuy nhiên, với người dùng mạng là nam giới, họ lại tỏ ý phản đối phán quyết của tòa án.

 "Người chồng một mình đi làm, mỗi xu kiếm được cũng thuộc về tài sản chung, người vợ được hưởng một nửa số đó, điều này không thể hiện giá trị của việc làm việc nhà hay sao", một người phản biện. 

Trong khi người khác lại nêu ý kiến: "Mọi người hay so sánh người vợ làm việc nhà toàn thời gian với người giữ trẻ. Thử hỏi có người giữ trẻ nào được phân chia một nửa tổng thu nhập của ông chủ không? Nếu trên nguyên tắc công bằng, người chồng cũng có thể yêu cầu bồi thường 7 năm làm việc vất vả của mình".

Năm 2021, Bộ luật dân sự của Trung Quốc quy định vợ hay chồng đảm đương nhiều việc nhà, nuôi con, chăm sóc người già... có quyền yêu cầu đối phương phải bồi thường sau khi ly hôn.

Đầu năm nay, một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết một phụ nữ phải bồi thường khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng) cho chồng cũ đã một mình nuôi con 4 năm. Năm 2020, một tòa án khác ở Bắc Kinh cũng đã buộc một người chồng phải trả 50.000 tệ (khoảng 175 triệu đồng) cho vợ cũ - người đã làm nội trợ chăm sóc gia đình trong suốt 5 năm.