Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam

(Dân trí) - Nhờ tác động tích cực của truyền thông, nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp chiến dịch tuyên truyền, nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động của người dân đã được nâng cao.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam gần đây nhất cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/ năm.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 1

Nhiều hoạt động mít tinh, tuyên truyền được thực hiện triển khai, rộng khắp trên cả nước về PCTHTL

Sử dung thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và các bệnh phổi tắc nghẽn, mãn tính. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 2
Các trường học tổ chức các cuộc thi, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về PCTH TL

Thời gian qua, để nâng cao nhận thức về PCTHTL, bên cạnh việc đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y Tế) cũng đã nỗ lực cùng các Bộ, ban ngành, các tỉnh thành phố triển khai nhiều hoạt động, chiến dịch phòng chống tác hại của thuốc lá.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 3
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phát hành bộ tem bưu chính về “PCTH thuốc lá”.

Cụ thể, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khuyến khích đưa tiêu chí không hút thuốc vào hệ thống các tiêu chí công nhận gia đình văn hoá, thôn làng ấp bản văn hoá, xã đạt chuẩn văn hoá để áp dụng trong toàn quốc gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 4
Hội thi Tuyên truyền về Luật PCTHTL tại Ninh Bình

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phát hành bộ tem bưu chính về “PCTH thuốc lá”. Bộ tem thiết kế với hình ảnh đối lập giữa hai lá phổi của người khỏe mạnh không hút thuốc và những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá; cùng thông điệp “Không hút thuốc lá vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu”.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 5

Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức Hội thi tuyên truyền Luật PCTH thuốc lá ở 03 cấp từ cấp cơ sở, cấp khu vực và chung kết cấp ngành toàn quốc, thi trực tuyến trên website của Công đoàn Y tế Việt Nam, thi cấp khu vực tại 5 địa điểm trên toàn quốc (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng, Ninh Bình, Long An và Bệnh viện Chợ Rẫy - TP. HCM), 15 đội thi xuất sắc nhất được chọn tham dự chung kết toàn quốc.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 6
Các buổi hội thảo, tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về PCTHTL thường xuyên được tổ chức

Hội Y tế công cộng Việt Nam cũng vận động mạng lưới cộng tác viên y tế công cộng và người cao tuổi tuyên truyền PCTH thuốc lá đến từng cụm hộ gia đình. Hàng tháng, Hội đều có các ngày sinh hoạt định kỳ, tuyên truyền kiến thức, lồng ghép các chương trình, nội dung về PCTHTL vào sinh hoạt chi hội ở thôn.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 7
Biển cấm hút thuốc lá được các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện treo ở những nơi công cộng theo đúng quy định của pháp luật

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi, các tỉnh thành phố trên cả nước có nhiều sáng kiến, mô hình hay như lồng ghép kiến thức về PCTHTL qua các sự kiện văn hóa – kinh tế - chính trị trên địa bàn. Cụ thể, Quảng Ninh với chương trình “Xây dựng Hạ Long- Thành phố du lịch không khói thuốc”, hay Quảng Nam với “Những ngày văn hoá Nhật bản tại Quảng Nam” và Đà Nẵng có “Giao lưu văn hoá Hội An – Nhật Bản lần thứ 16-2018”, Lễ hội “Đền Hùng không khói thuốc” tại Phú Thọ...

Tại Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm cũng xây dựng thành công mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc” dựa trên cơ sở của Luật An toàn thực phẩm, Luật PCTH thuốc lá với 10 tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm và 8 tiêu chí về không khói thuốc lá.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 8
Đoàn kiểm tra liên ngành Quận Đống Đa tiến hành ra quân, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTHTL của các đơn vị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn

Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chiến dịch truyền thống, quỹ PCTH của thuốc lá cũng phối hợp với các Bộ, ban nghành đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về phòng chống tác hại của thuốc lá. Cho đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại 3.740 cơ sở trên toàn quốc.

Cả nước hiện có 1.560 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc; 10 nghìn trường học thực hiện cấm hút thuốc lá trong trường học; 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc; 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá. Đặc biệt, 17.470 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật và tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.

Triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam - 9
Cả nước hiện có 1.560 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc

Nhờ tác động tích cực của truyền thông, nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp chiến dịch tuyên truyền, nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động của người dân đã được nâng cao.

Kết quả đánh giá chiến dịch truyền thông về PCTH thuốc lá năm 2018 của Tổ chức Quốc tế Vital Strategies cho thấy, 70% số người hút thuốc cố gắng bỏ thuốc và hơn 60% người không hút thuốc cố gắng nhắc nhở và khuyên người hút thuốc bỏ thuốc. 96% người không hút thuốc cho biết họ không muốn người đang hút thuốc gần con mình; 90% người không hút thuốc yêu cầu người hút thuốc không đứng gần người khác.