TP Uông Bí: Cộng quản - Mô hình hiệu quả bảo vệ tài nguyên

Có diện tích ranh giới mỏ lên tới 90km2, trải dài từ khu Tràng Khê (TX Đông Triều) về đến xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ), vì vậy để quản lý tốt tài nguyên, Công ty Than Uông Bí đã có rất nhiều giải pháp mạnh mẽ cho hoạt động này. Trong đó phải kể đến sự thành công trong công tác phối hợp giữa đơn vị với các địa phương và những công ty than có hoạt động sản xuất giáp ranh (hay còn gọi là mô hình cộng quản).

Công ty Than Uông Bí là đơn vị có diện tích ranh giới mỏ lớn nhất, nằm trên địa bàn quản lý hành chính của 3 địa phương (Đông Triều, Uông Bí và Hoành Bồ) với 10 xã, phường. Đây đều là những địa bàn phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý trong khai thác than trái phép. Bởi lẽ, trong 90km2 diện tích ranh giới mỏ, phần diện tích của Công ty được cấp phép khai thác vẫn còn nhiều khu vực chưa được thuê đất (xã Tân Dân); phần ranh giới được giao quản lý tài nguyên còn nhiều diện tích chưa được cấp phép khai thác. Trong đó, có những phần diện tích nằm chồng lấn với diện tích nhà, vườn, rừng của người dân và các dự án thuộc quản lý, khai thác của nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau...

TP Uông Bí: Cộng quản - Mô hình hiệu quả bảo vệ tài nguyên - 1

Lực lượng bảo vệ Công ty Than Uông Bí phối hợp với cán bộ phường Phương Đông kiểm tra khu vực Hủng Lợn (phường Phương Đông).

Trước những đặc thù đó, Công ty đã bố trí lực lượng bảo vệ đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ với 170 người. Trong đó, lực lượng tuần tra canh gác là 159 người, chia thành 28 tổ ranh giới mỏ, phụ trách ở các địa bàn trọng yếu như: Trạm chốt, kho bãi chứa than, kho vật liệu nổ, kho vật tư... Lực lượng bảo vệ này sẽ bố trí 3 ca khép kín, tuần tra theo địa bàn được phân công quản lý. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ hạn hẹp, không được phép kiểm tra khu vực nhà dân, phương tiện của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên tuyến đường vận chuyển có phục vụ dân sinh..., do đó ngay từ năm 2006, Công ty Than Uông Bí đã chủ động các phương án bảo vệ, ký cam kết phối hợp với các địa phương, Công ty PT Vietmindo, Công ty Than 397 (Tổng Công ty Đông Bắc) thực hiện mô hình cộng quản, hàng tháng, hàng tuần, lực lượng bảo vệ đều tổ chức tuần tra, giao ban báo cáo tình hình an ninh trật tự. Trong trường hợp phát hiện khai trường, ranh giới mỏ bị xâm phạm vượt quá khả năng sẽ thông báo với chính quyền địa phương để tổ chức ngăn chặn kịp thời các vụ có dấu hiệu khai thác than trái phép. Chỉ tính riêng 10 tháng năm nay, Công ty đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 190 đợt kiểm tra, xử lý hàng chục vụ có dấu hiệu vi phạm dù là nhỏ nhất. Đơn cử như ngày 3-11 vừa qua, lực lượng bảo vệ phát hiện tại đoạn suối sát tuyến đường vận chuyển của Công ty ở khu vực phường Vàng Danh và nằm trong địa phận ranh giới mỏ của Công ty PT Vietmindo có 1 máy xúc đang san lấp và mở đường trong lòng suối, lực lượng bảo vệ của Công ty đã lập tức báo cho phường Vàng Danh và Công ty PT Vietmindo tổ chức kiểm tra. Phát hiện có đoàn kiểm tra, các đối tượng đã lập tức điều khiển máy xúc bỏ chạy. Chính từ việc tăng cường công tác tuần tra và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, đơn vị bạn nên nhiều năm nay, các diện tích ranh giới mỏ của Công ty không xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trái phép.

Dẫn chúng tôi đi vào khu vực một cửa lò khai thác than trái phép đã bị đánh sập ở khu vực Hủng Lợn (phường Phương Đông, TP Uông Bí), ông Lê Tất Thành, Phó Phòng Bảo vệ quân sự Công ty, cho biết: Khu vực này nằm xen kẽ với nhiều nhà dân và rừng thông nên nhiều đối tượng đã giả làm công nhân khai thác nhựa thông để tổ chức đào lò vào ban đêm. Tuy nhiên, anh em ở đây tuần nào cũng đi tuần tra, canh gác, thuộc từng gốc thông nên khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi đã lập tức báo với phường Phương Đông. Vì vậy, các cửa lò nhanh chóng bị đánh sập và nhiều năm nay không có dấu hiệu tái khai thác cũng như phát sinh cửa lò mới. Phải khẳng định rằng, mô hình cộng quản giữa Công ty với các địa phương và đơn vị bạn đã giúp chúng tôi san sẻ được rất nhiều gánh nặng trong công tác quản lý tài nguyên. Đây cũng chính là một trong những giải pháp cốt lõi giúp Công ty Than Uông Bí duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.

Theo Hoàng Nga

Báo Quảng Ninh