Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Tăng cường kiểm soát thuốc lá lậu

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổng hội Y sĩ Hoa kỳ năm 2010, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc và 100 chất trong số đó gây ra ung thư, các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá thậm chí là tử vong.

Trước gánh nặng y tế toàn cầu này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện đang nỗ lực cùng chính phủ các nước thực hiện các chính sách và hoạt động kêu gọi và hướng dẫn cai bỏ hoàn toàn thuốc lá. Tuy nhiên, những người hút thuốc lá hiện đang không chỉ chịu tác động bởi sự đa dạng của thị trường thuốc lá trong nước mà còn bị lôi cuốn bởi các tổ chức, cá nhân buôn lậu.      

Chống thuốc lá lậu, cuộc chiến không hồi kết trên toàn cầu

Việt Nam là quốc gia có biên giới giáp với nhiều nước, do vậy việc kiểm soát buôn lậu thuốc lá gây ra nhiều khó khăn. Tổ chức WHO cũng đã đề xuất các biện pháp để giúp Việt Nam kiểm soát buôn lậu thuốc lá điếu trong đó gồm kêu gọi Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư nhằm loại bỏ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá, củng cố kiểm soát buôn lậu tại các cửa khẩu và các điểm bán lẻ thuốc lá. Dù vậy, đến nay việc kiểm soát buôn lậu vẫn chưa đạt kết quả khả quan. Theo báo cáo mỗi năm ngân sách nhà nước thất thoát 8,500 tỷ trong đó bao gồm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (hay còn gọi là thuốc lá làm nóng).

Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Tăng cường kiểm soát thuốc lá lậu - 1
Hoạt động mua bán thuốc lá thế hệ mới nhập lậu ngày càng "lộng hành".

Hiện việc buôn lậu thuốc lá đã trở thành "nghề nghiệp" của không ít cá nhân buôn lậu, trong đó thuốc lá thế hệ mới đã trở thành nguồn lợi nhuận hấp dẫn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng nhấn mạnh rằng chính phủ các nước trên thế giới cần thực thi các biện pháp mạnh để kiềm chế buôn lậu thuốc lá, vì nó đang làm trầm trọng thêm nạn dịch thuốc lá toàn cầu cùng với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và kinh tế xã hội do sử dụng thuốc lá gây ra.

Ngành y tế cũng vào cuộc

Hiện có thể thấy công cuộc phòng chống buôn lậu thuốc lá không thể là trách nhiệm đơn lẻ của cơ quan hay bộ ngành chức năng. Bởi việc phòng chống buôn lậu, theo các chuyên gia ngoài ngăn chặn, chế tài xử phạt đối với các tổ chức, các nhân có hành vi buôn lậu, còn cần thay đổi ý thức của người hút thuốc lá để chính họ là người chủ động không tiếp cận các sản phẩm buôn lậu. Theo đó, đã có một số đề xuất các sản phẩm các sản phẩm thuốc lá có "gu" tương tự như thuốc lá nhập lậu. Dưới góc nhìn về mặt sức khỏe, các chuyên gia cho rằng khi thuốc lá nhập lậu chưa được đẩy lùi, người dân vẫn còn thói quen hút thuốc thì việc dùng những loại sản phẩm mới để thay thế thuốc lá nhập lậu được kiểm soát chất lượng của các cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu rủi ro cho người dùng.

Dưới góc độ Y tế công cộng, theo ThS.DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam: "Ngành y tế tuyệt đối không khuyến khích việc sử dụng thuốc lá, nhưng cần nhìn nhận rõ thực trạng cai bỏ thuốc lá hiện nay trong bối cảnh buôn lậu đang gia tăng thì cần phải có chính sách phù hợp. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng cần bao gồm việc hỗ trợ và tư vấn cả những người không chấp nhận hoặc chưa cai thuốc lá thành công, và nhóm này chiếm tỉ lệ cao. Những người đã nghiện nhưng chưa có khả năng cai được thuốc hoặc sẽ tiếp tục hút thuốc, vì vậy cần hướng họ tới những sản phẩm thay thế ít gây hại tới sức khỏe cộng đồng chung để giảm bớt tác hại phần nào. Các sản phẩm nhập lậu giá rẻ nhờ tránh được thuế và nhiều chi phí khác sẽ có giá thành thấp và khuyến khích người sử dụng nhiều hơn, vì vậy, cần tìm nhiều cách để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, khi chưa thể loại bỏ hoàn toàn thói quen có hại này. Điều này có nghĩa là Nhà nước cần có thêm chính sách kiểm soát phù hợp với ngành công nghiệp thuốc lá nội địa và xem xét sử dụng có kiểm soát những sản phẩm thay thế trong lúc chưa triệt tiêu được hành vi hút thuốc."

Theo thống kê của WHO, thị trường toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử có nicotin và thuốc lá điện tử không có nicotin năm 2015 ước tính đạt gần 10 tỷ USD. Theo dữ liệu từ kỳ báo cáo vào năm 2018 của Công ước Khung FCTC của WHO, có 102 trong số 181 Bên tham gia báo cáo rằng các sản phẩm ENDS hiện diện trên thị trường của các nước này nhưng chỉ 63 quốc gia trong số đó đã có khung quản lý các sản phẩm này. Vì vậy WHO nhấn mạnh, việc cho phép các sản phẩm trên thâm nhập vào thị trường của các quốc gia mà không quản lý có thể đe dọa việc thực hiện các chiến lược kiểm soát thuốc lá, cũng như có thể làm suy yếu nỗ lực của Công ước Khung trong việc chống bình thường hóa hành vi sử dụng thuốc lá.

"Thuốc lá thế hệ mới bày bán trôi nổi từ nguồn hàng xách tay hay nhập lậu vừa khiến thất thu tiền thuế, mà chất lượng, sự an toàn không kiểm soát được. Cần bảo vệ sức khỏe của người sử dụng bằng cách kiểm soát được việc sử dụng những sản phẩm hợp pháp. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tham gia để tham mưu ngăn chặn ngay từ đầu những ảnh hưởng có hại của thuốc lá, cũng như định hướng trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tất cả các ngành các cấp cần triển khai những chính sách tuyên truyền giáo dục sức khỏe, và sớm đưa vào Luật, nghiêm cấm việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới dưới mọi hình thức đối với trẻ em dưới 18 tuổi," ThS.DS Nguyễn Hữu Tú đánh giá.