Tại sao trường học ở Nhật Bản thường không có lao công?

(Dân trí) - Ở Nhật Bản, học sinh sẽ không phải trải qua những kỳ thi cho đến khi chúng được 10 tuổi. Trước thời điểm này, người Nhật quan niệm rằng việc dạy trẻ cách sống là quan trọng hơn.

Trẻ sẽ được dạy những bài học như chăm sóc động vật, tôn trọng mọi người hay những hiểu biết về thiên nhiên. Trẻ cũng được học về những giá trị của tự chủ, trách nhiệm và sự công bằng.

Tại sao trường học ở Nhật không cần thuê lao công?

Như một phần của giáo dục, những đứa trẻ được dạy để giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Nếu mọi người đều quan tâm và biết giữ gìn không gian chung thì ai cũng sẽ được sống trong một bầu không khí dễ chịu.

Tại sao trường học ở Nhật Bản thường không có lao công? - 1

Người Nhật tin rằng những bài học thế này sẽ dạy cho trẻ tính tôn trọng mọi thứ và tinh thần trách nhiệm. Chúng sẽ hiểu rằng việc giữ gìn vệ sinh chung là trách nhiệm của mọi người. Vì vậy mà trẻ không chỉ làm việc độc lập mà chúng luôn chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Ở Nhật, học sinh ăn trưa ở trường và chúng luôn có ý thức về việc phải bỏ rác vào thùng và dọn bàn sau khi ăn xong. Những chiếc vỏ hộp sữa sẽ được gom thành rác tái chế. Việc trẻ ăn trưa cùng với giáo viên ngay tại phòng học cũng góp phần tạo ra mối quan hệ gần gũi hơn giữa giáo viên và học sinh.

Trẻ sẽ thay phiên nhau chịu trách nhiệm phục vụ bữa trưa cho cô giáo mà không cần bất cứ nhân viên nào. Sau bữa trưa, mọi thứ được dọn dẹp gọn gàng và sạch sẽ đến mức bạn sẽ không thể tin rằng mọi người đã vừa dùng bữa ở đây!

Tại sao trường học ở Nhật Bản thường không có lao công? - 2

Không chỉ vậy, nhiều trường học còn cho trẻ được tự trồng thực phẩm cho bữa ăn và trẻ được dạy nấu những món ăn đơn giản và tốt cho sức khỏe. Điều này không chỉ có lợi về mặt dinh dưỡng mà cũng chính là giáo dục. Phương pháp này giúp cho học sinh nâng cao được sự tự giác, tính trách nhiệm và khích lệ sự phát triển tính làm việc nhóm một cách mạnh mẽ giữa các em.

Lợi ích lâu dài là gì?

Như đã đề cập ở trên, việc dạy học sinh có trách nhiệm về việc tự giữ gìn vệ sinh là một cách hay để tạo điều kiện cho một nền văn hóa mà môi trường là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu. Công việc tuy đơn giản này cũng góp phần làm các em tôn trọng lẫn nhau hơn. Chúng được dạy để cùng gìn giữ một bầu không gian chung trong lành và cùng nhau làm việc nhóm để đạt được kết quả tốt hơn. Lúc làm vệ sinh cũng là một cơ hội cho trẻ để nói chuyện cùng bạn bè và trở nên thân thiết hơn, đồng thời cũng làm cho trẻ cảm thấy không bị nhàm chán.

Tại sao trường học ở Nhật Bản thường không có lao công? - 3

Trên thực tế, đó không chỉ đơn thuần là hoạt động dọn vệ sinh mà còn mang lại nhiều ý nghĩa đằng sau nó. Một số việc đơn giản khác như để trẻ sơn tường trong phòng học hay bảo các em không được giẫm lên cỏ cũng có những ý nghĩa tương tự. Sự thực là chúng đã học được cách để làm việc nhóm sao cho có thể hiệu quả hơn trong việc chăm sóc môi trường.

Khi lớn lên, các em vẫn sẽ tiếp tục tôn trọng và quan tâm đến môi trường xung quanh như chúng đã từng được dạy và sẽ không bao giờ bỏ đi thói quen tốt ấy. Người Nhật coi việc dọn vệ sinh như là một công việc đơn giản để dạy trẻ những bài học ý nghĩa và định hình cho chúng một thói quen tốt về sau.

Michael Auslin – một giáo viên người Anh ở Nhật đã nói rằng: “Trường học không chỉ là nơi để cho chúng ta học những điều lý thuyết từ sách vở mà còn là nơi để học cách làm thế nào trở thành một thành viên có ích của xã hội và có thể tự chịu trách nhiệm về bản thân mình”.

Học sinh nên được giáo dục về cả cách sống và những kỹ năng cần thiết khác bên cạnh những kiến thức gói gọn trong sách giáo khoa. Vì vậy việc dạy cho trẻ những công việc đơn giản như dọn vệ sinh ngay từ bậc tiểu học là cần thiết.

Tại sao trường học ở Nhật Bản thường không có lao công? - 4

Trẻ em cần được giáo dục, không chỉ đơn giản là để phát triển trí thông minh của trẻ, mà còn để chúng trở thành người có ích. Một người biết quan tâm đến người khác và cả thiên nhiên. Lúc ở trường chính là khoảng thời gian tuyệt vời để giáo dục phong cách sống cho trẻ.

Trường học là nơi chúng có thể học được những kỹ năng mới, định hình những thói quen và có thêm nhiều kinh nghiệm để giúp ích cho cuộc sống của trẻ sau này.

Những bậc phụ huynh Việt có thể học được gì từ câu chuyện này?

Minh Nhật

Ảnh: Lifehack