Sống khổ ở phố cổ: Căn nhà 30 năm trên nóc… nhà vệ sinh tập thể

(Dân trí) - Hơn 30 năm cả gia đình ông Hải với 4 nhân khẩu phải sinh sống tạm bợ trong căn nhà rộng vỏn vẹn 12m2, nằm chênh vênh trên nóc tầng 2 nhà vệ sinh tập thể… Cuộc sống của ông được ví là “tận cùng của nỗi khổ phố cổ Hà Nội”.

Sống khổ ở phố cổ: Căn nhà 30 năm trên nóc… nhà vệ sinh tập thể

Mùi xú uế ám cả vào thức ăn, quần áo!

Nằm sâu trong ngõ 107 Hàng Bạc (Hà Nội), căn nhà của ông Nguyễn Phùng Hải có lẽ được xếp vào diện “khổ nhất phố cổ”. Gọi là nhà nhưng đây thực chất là căn xép nhỏ, được ông Hải chắp ghép tạm bằng những miếng tôn cũ và cơi nới ngay trên nóc… nhà vệ sinh tập thể. Dù có diện tích vỏn vẹn 12m2 thế nhưng hơn 30 năm qua, đây chính là nơi tá túc, sinh hoạt của vợ chồng ông và hai người con, một trai, một gái.

Căn nhà của ông Hải nằm sâu trong ngõ 107 và được xây dựng ngay trên nóc nhà vệ sinh tập thể
Căn nhà của ông Hải nằm sâu trong ngõ 107 và được xây dựng ngay trên nóc nhà vệ sinh tập thể
Cả ngõ 107 Hàng Bạc có khoảng 6 hộ dân nhưng có duy nhất nhà vệ sinh chung này
Cả ngõ 107 Hàng Bạc có khoảng 6 hộ dân nhưng có duy nhất nhà vệ sinh chung này

Để vào được nhà phải leo lên một cầu thang bắc chéo ngay gần nhà vệ sinh. Trước đây, Hà Nội vẫn còn kiểu hố xí hai ngăn để thùng nên cả nhà ông Hải lúc nào cũng bốc mùi hôi thối quanh năm. Nhớ lại thời đó, ông Hải cám cảnh kể, đến bữa ăn, nhiều khi bưng bát cơm lên lại phải hạ xuống bởi không thể nuốt nổi. Mùi thối ám cả vào quần áo, đồ dùng cá nhân. Trời mưa còn đỡ những hôm trời nồm, nắng gắt cả nhà như một cái hầm, bức bối, ngột ngạt không thở được. Bất tiện nhất là những hôm có khách, đi qua khu vệ sinh chung để vào nhà mà cảnh tượng phân, nước tiểu lênh láng trên sàn khiến cả chủ và khách đều không giấu nổi cảm giác cám cảnh, ái ngại.

“Cả ngõ có khoảng 6 hộ dân nhưng chỉ có duy nhất 1 nhà vệ sinh chung này. Cũng may, cách đây 10 năm, mọi người góp tiền sửa sang chuyển thành nhà vệ sinh tự hoại nên không gian sống cũng thoáng đãng hơn nhiều”, ông Hải nói.

Trước đây, ở Hà Nội vẫn còn hố xí hai ngăn có thùng đựng phía sau nên căn nhà ông Hải luôn bốc mùi xú uế rất khó chịu
Trước đây, ở Hà Nội vẫn còn hố xí hai ngăn có thùng đựng phía sau nên căn nhà ông Hải luôn bốc mùi xú uế rất khó chịu
Ông phải dùng bạt che kín các lỗ thông gió để tránh mùi cho căn nhà
Ông phải dùng bạt che kín các lỗ thông gió để tránh mùi cho căn nhà

Ông Hải cho biết, mình quê gốc Hà Nội, cả gia đình có 8 anh em. Trước đây, cả ngõ 107 chỉ có mình gia đình ông sinh sống. Về sau, khi các anh chị em lập gia đình, bố mẹ ông Hải cắt nhỏ đất, chia cho các thành viên. Thời điểm đó, ông Hải đang là cán bộ vật giá công tác ở Thái Nguyên. “Tôi đi làm theo sự phân công của nhà nước cũng không xác định về Hà Nội. Mãi đến năm 1966, sức khỏe kém tôi mới xin chuyển về gần nhà. Tuy nhiên, lúc này các anh chị đều đã ổn định. Không còn chỗ ở, tôi mới nghĩ ra cách cơi nới căn nhà nhỏ trên tầng 2 của nhà vệ sinh tập thể”, ông Hải kể.

Tận cùng của nỗi khổ phố cổ Hà Nội

Cũng vì bi quan,tự ti với hoàn cảnh của mình mà mãi đến năm 46 tuổi ông Hải mới lập gia đình. Bà Nguyễn Thị Sâm, vợ ông cho đến tận bây giờ vẫn không quên được cảm giác lần đầu “ra mắt”. Bà kể: “Tôi chán, sốc bởi không nghĩ ở Hà Nội lại có một căn nhà tồi tàn đến mức đó. Phải nói là khổ đến tận cùng của khổ. Căn nhà còn nhìn thấy thông thống cả trời, rác thải, chuột bọ khắp nơi. Vừa vào nhà vừa phải bịt mũi vì thối quá không chịu được. Về sau, tôi phải bỏ mất một tuần trời, dọn dẹp và cùng ông ấy kiên cố lại thêm”.

Trong căn nhà rộng khoảng 12m2 này là nơi ở của 2 thế hệ với 4 nhân khẩu cùng sinh sống
Trong căn nhà rộng khoảng 12m2 này là nơi ở của 2 thế hệ với 4 nhân khẩu cùng sinh sống
Căn nhà có duy nhất chiếc cửa sổ đón ánh nắng vào nhà
Căn nhà có duy nhất chiếc cửa sổ đón ánh nắng vào nhà

Bà Sâm cho biết, không chỉ phải chịu đựng mùi thối, căn nhà không khác gì cái “lò bát quái”. Những hôm trời nóng ngồi trong nhà mồ hôi tứa ra như tắm. “Tôi chỉ ước có một cái quạt để bật cho thoáng nhà, đỡ mùi xú uế nhưng hồi đó chồng tôi nghỉ giữa chừng vì sức khỏe kém, tôi đi chợ buôn bán lặt vặt bữa được, bữa cái. Tiền không đủ ăn lấy gì mua quạt dùng”, bà Sâm bảo.

Mãi sau này, khi sinh hai người con, diện tích chật chội quá, ông Hải mới cải tạo thêm nhà kho cũ ngay sát nhà vệ sinh tầng 1 làm căn bếp nấu ăn. Hàng ngày, ông đi bơm vá xe đạp, bà Sâm – vợ ông thì đi bán bún ở chợ. Cuộc sống chắp vá, cũng gọi là tạm đủ qua ngày.

Cách đây 10 các hộ dân góp tiền sửa chữa chuyển sang nhà vệ sinh tự hoại nên không gian thoáng đãng hơn nhiều
Cách đây 10 các hộ dân góp tiền sửa chữa chuyển sang nhà vệ sinh tự hoại nên không gian thoáng đãng hơn nhiều
Sống khổ ở phố cổ: Căn nhà 30 năm trên nóc… nhà vệ sinh tập thể - 8

Mấy năm gần đây, do sức khỏe kém nên cả gia đình chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của hai người con.

Trong căn nhà siêu vẹo rộng vỏn vẹn 12m2 của gia đình ông Hải gần như không có gì đáng giá. Những bức tường mỏng tang, loang lổ được chắp vá thêm cả những miếng bạt để ngăn việc thấm dột.

Sống khổ ở phố cổ: Căn nhà 30 năm trên nóc… nhà vệ sinh tập thể - 9
Để lên được nhà ông Hải phải làm tạm một chiếc cầu thang đặt ngay sát cửa nhà vệ sinh
Để lên được nhà ông Hải phải làm tạm một chiếc cầu thang đặt ngay sát cửa nhà vệ sinh

Dù luôn giữ tinh thần lạc quan song khi nhắc về tương lai của hai người con, giọng ông Hải trầm buồn hẳn xuống. Người đàn ông này cho biết, con trai ông năm nay đã gần 30 tuổi, con gái cũng trên 20 tuổi. Ông bảo: “Cũng vì hoàn cảnh nghèo của gia đình mà mãi gần đây, con trai mới dám yêu và dẫn bạn gái về ra mắt. Con bé rất ngoan và không nề hà điều gì, nó nói chấp nhận tất cả. Tôi hy vọng, sau này hai đứa cố gắng làm việc vun vén để có tiền mua nhà riêng”. Về phần mình, người đàn ông này cho biết đang làm đơn xin các cấp chính quyền tạo điều kiện xem xét giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của gia đình. “Tôi chỉ mong ước được ngủ một giấc ngon mà không phải lo nghĩ về thời tiết, nắng mưa hay phải ám ảnh bởi mùi hôi thối lúc nào cũng thường trực trong nhà. Thế nhưng không biết đến bao giờ, mong mỏi này mới thành hiện thực”, ông Hải trầm ngâm.

Hà Trang

Ảnh, Video: Toàn Vũ