Sau ly hôn: Giành quyền nuôi con, những "đòn" khó đỡ

Yêu nhau thắm thiết, cưới nhau linh đình nhưng đến lúc tình hết nhà tan, nhiều cặp vợ chồng quay sang hận thù nhau, tuyệt tình chia tài sản, giành giật con cái. Nhưng tổn thương nhiều nhất vẫn là những đứa con.

Sau ly hôn: Giành quyền nuôi con, những "đòn" khó đỡ - 1

Cha mẹ tranh giành, đứa con sẽ chịu tổn thương

Lấy tiền đè người

Chị Nguyễn Thị Hoa (Tuyên Quang) xuống Hà Nội làm công nhân từ lúc 18 tuổi. Chị gặp "một nửa" của mình cũng là người ở tỉnh khác về, làm nghề tự do. Hai vợ chồng nghèo sống trong “túp lều tranh” 12m2 đi thuê nhưng cuộc sống luôn hạnh phúc, vui vẻ. Chẳng bao lâu chị sinh cậu con trai kháu khỉnh, năm nay đã lên 4 tuổi. Thấy vợ con vất vả, anh Đại - chồng chị đã theo bạn bè buôn bán ở biên giới. Nhanh nhẹn, khỏe mạnh nên anh dẫn mối làm ăn, kiếm được tiền mang về nhà. Anh chị cũng mua nhà, mua xe, tuy cuộc sống chưa thật giàu có nhưng so với ngày trước đã thật sự “lên voi”.

Chưa sung sướng được bao lâu thì chị Hoa nhận được điện thoại của một phụ nữ lạ. Chị ta cho biết mình là bà chủ cũng kiêm bạn gái của chồng chị. Chị Hoa chưa dám tin thì nhận được lời tuyệt tình đòi ly hôn của chồng. Nhưng điều chị đau đớn hơn cả là người chồng lại đòi nuôi con sau ly hôn. “Lúc đó tôi mới biết cả ngôi nhà mới xây, chiếc xe mới mua đều đứng tên mẹ anh ta. Nếu ly hôn tôi sẽ tay trắng ra khỏi nhà. Anh ta cũng ra tòa lấy lý do thu nhập của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng, không đủ điều kiện nuôi con. Vậy nên tòa đã xử cho anh ta nuôi” - chị Hoa đau đớn.

Điều chị Hoa lo lắng nhất là chuyện làm ăn của chồng cũ không minh bạch, anh cũng giao du với nhiều người không đứng đắn. Chị rất sợ điều đó ảnh hưởng đến con của mình. Nhiều lần con chị đã học bố nói tục hoặc hoạnh họe bạn bè như dân anh chị. Tuy nhiên, chị lại không có cách nào chứng minh với tòa về điều đó. Chị đành đứt ruột xé lòng để con ở lại.

Còn chị Trần Bích Thu (Đống Đa) không cầm được nước mắt khi phải nhìn con trai 5 tuổi qua “lỗ chó”. Chị cho biết, chị có lỗi với chồng cũ khi “cảm nắng” với một đồng nghiệp. Khi biết chuyện, người chồng đã âm thầm theo dõi, thuê người chụp được cảnh âu yếm của vợ với người tình trong nhà nghỉ, sau đó đem ra dọa dẫm vợ.

Chính vì những bức ảnh lõa lồ đó mà chị Thu không chỉ đặt bút ký vào đơn ly hôn mà còn phải cam kết từ bỏ quyền nuôi con, từ bỏ quyền phân chia tài sản. “Anh ta tuyên bố sẽ làm tôi mất hết tiền của, con cái mới có thể hả dạ. Anh ta không cho tôi đến thăm con. Con tôi không có người chăm sóc, mùa hè nghỉ học cháu bị bố nhốt ở nhà một mình. Tôi xót xa lén đến thăm con thì tường cao, cửa kín, chỉ có thể nhìn con qua “lỗ chó”. Tôi đưa kẹo, bánh cho cháu qua “lỗ chó” nhìn cháu ăn rồi cười một cách hồn nhiên mà rớt nước mắt. Làm sao lại độc ác như thế” - chị Thu quặn thắt.

Đừng “giữ” con cơ học

Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam đã quy định rõ quyền nuôi con của bố mẹ sau ly hôn. Nếu như hai vợ chồng không thỏa thuận được, quyền nuôi con sẽ do tòa phân xử. Thường thì Tòa án sẽ ưu tiên cho người mẹ nếu con dưới 3 tuổi. Còn con 9 tuổi trở lên thì sẽ hỏi ý kiến của con xem cháu muốn sống với ai.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Hà Nội) cho biết, quyết định để con cho bố (mẹ) nuôi dựa trên các quyền lợi của con như điều kiện học tập, sinh hoạt, ăn ở… Những người có công việc ổn định, thu nhập cao hơn thì sẽ có lợi thế hơn. “Nam giới thường có thu nhập cao hơn phụ nữ. Người mẹ thường bận rộn nuôi con, chăm sóc gia đình nên công việc cũng bấp bênh hơn người chồng, thậm chí còn làm nội trợ. Do đó, hầu hết nếu có sự tranh chấp nuôi con với chồng cũ thì nhiều phụ nữ phải chịu thiệt thòi”. Luật sư Thái cho biết, khi tòa phân xử cũng sẽ cho phép bên không nuôi dưỡng được quyền thăm nom con cái đồng thời có trách nhiệm đóng góp về kinh tế.

Tuy nhiên, không ít người do thù hận chồng (vợ) cũ nên tìm cách ngăn cản người bố (mẹ) đến thăm con. Cũng có người tuy nhiều tiền nhưng không có khả năng chăm sóc, dạy dỗ con, chỉ “giữ” con về mặt cơ học nhưng lại không muốn để vợ (chồng) cũ nuôi dưỡng. Đứa trẻ không chỉ vắng bố (mẹ) mà cũng bị mẹ (bố) bỏ rơi.

“Bất kể trường hợp nào xảy ra ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con thì người thiệt thòi nhất vẫn chính là đứa trẻ. Chúng sẽ không được hưởng tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ, thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng. Không những thế, chúng phải sống trong bầu không khí thù hận của cha mẹ, người nọ nói xấu người kia. Điều này sẽ dần dần gặm nhấm tình cảm của trẻ, “bôi đen” suy nghĩ của trẻ” - luật sư Thái cho biết.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc - Hà Nội) cho biết, khi bố mẹ ly hôn, trẻ em là người chịu tổn thương nhiều nhất. Chúng không được phép lựa chọn mà chỉ có thể tuân theo bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng (bố hoặc mẹ). Do đó, sau ly hôn, bố mẹ nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho cảm xúc của con. Đứa trẻ không chỉ cần vật chất mà còn phải được chăm sóc, dạy dỗ, quan tâm hàng ngày. Vì thế, nếu người bố hoặc mẹ thấy mình không có điều kiện quan tâm đến con thì đừng vì sĩ diện, vì thù hận hoặc thỏa mãn chiến thắng cá nhân mà giành giật quyền nuôi con hoặc ngăn cấm bố (mẹ) đứa trẻ đến thăm con.

“Sự lôi kéo giành giật tình cảm của con bằng cách đòi quyền nuôi con, nói xấu lẫn nhau khiến trẻ mất đi tình cảm và niềm tin vào cha mẹ. Lúc đó, trẻ sẽ thấy thất vọng về cuộc đời, dễ buông xuôi, a dua, bị bạn bè xấu lôi kéo vào các hành động phạm pháp” - chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy. 

Theo Anh Thư

ANTĐ