Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh

(Dân trí) - Mồng tơi, rau dền và rau đay chính là ba loại rau chuyên dùng để nấu các món canh vừa thông dụng vừa đặc trưng cho nền ẩm thực việt nam. Trong kỳ này của “Rau sạch vườn nhà” các bạn sẽ được tìm hiểu cách để có thể tự trồng và chăm sóc ba loại rau này ngay trong khuôn viên nhà phố của mình để có những bát canh “handmade” 100%.

Rau dền, rau đay và mồng tơi đều là các loại rau dễ trồng. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng thùng xốp, chậu cây, khay nhựa hoặc nếu có một diện tích kha khá ở ban công hay hiên nhà thì ta có thể sử dụng gỗ hoặc gạch quây lại làm bồn đất để trồng rau.

Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh - 1

Với ba loại rau này bạn nên sử dụng đất phù sa, đất thịt hoặc tốt nhất là loại giá thể đã được hướng dẫn trong kỳ trước để làm đất trồng. Tham khảo cách làm loại giá thể Handmade này tại đây.

Mùa vụ

Mùa vụ là một trong những yếu tố đầu tiên mà ta cần quan tâm khi muốn trồng bất cứ loại rau nào. Qua trao đổi với kỹ sư Phạm Ngọc Hùng- Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam, chúng tôi được biết: cả rau dền, rau đay và mồng tơi đều là những loại cây có mức nhiệt tối ưu nằm trong khoảng 25-35 độ C. Vì vậy ở miền Bắc đây là rau trồng vụ hè còn với các gia đình sống ở miền Nam hoàn toàn có thể trồng được quanh năm. Cụ thể:

Rau mồng tơi: Với điều kiện thời tiết miền Bắc, bạn có thể gieo hạt từ khoảng giữa tháng hai cho đến hết tháng 9 dương lịch.

Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh - 2

Rau đay: Mùa vụ gần giống như mồng tơi nhưng ở miền Bắc kết thúc sớm hơn vào khoảng giữa tháng 8. Đặc biệt vào tháng 11 diễn ra hiện tượng ngày ngắn đêm dài sẽ khiến cây nhanh ra hoa và chóng già. Vì vậy cần thu hoạch sớm trong thời điểm này.

Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh - 3

Rau dền: Thời gian gieo hạt ở miền Bắc bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc trong tháng 10. Điều kiện khí hậu miền Nam có thể trồng loại rau này quanh năm.

Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh - 4

Kỹ thuật gieo trồng

Kỹ sư Hùng chi sẻ: “Quá trình gieo cần chú ý đến nhiều yếu tố đặc biệt là phương pháp xử lý hạt trước khi gieo và mật độ gieo trồng vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nảy mầm và năng suất thu hoạch sau này”.

Mỗi loại rau lại có một kỹ thuật gieo trồng riêng:

“Quá trình gieo cần chú ý đến nhiều yếu tố, đặc biệt là phương pháp xử lý hạt trước khi gieo và mật độ gieo trồng vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nảy mầm và năng suất thu hoạch sau này”.

Kỹ sư Phạm Ngọc Hùng- Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

Mồng tơi: Có hai loại là mồng tơi cao sản và mồng tơi leo. Trong điều kiện nhà phố, khuyến khích bạn nên sử dụng loại mồng tơi cao sản vì nó mang lại năng suất cao và không cần làm giàn leo. Với loại rau này, bạn nên ủ hạt trước khi gieo. Phương pháp ủ là ngâm hạt vào nước ấm được pha theo tỷ lệ ba sôi hai lạnh.Sau 24 giờ cho các hạt đã ngâm vào trong cát hoặc xơ dừa ủ khoảng 5 ngày. Tiếp tục nhặt các hạt đã nảy mầm gieo vào đất với mật độ cây cách cây 10-15 cm, hàng cách hàng 20 cm. Chú ý gieo sâu khoảng 1 cm và lấy đất phủ lên để hạt không bị khô. Sau khi gieo trồng khoảng 40 ngày là bạn đã có thể thu hoạch lứa rau đầu tiên và thu hoạch liên tục 4-7 lứa. Mỗi lứa cách nhau 7-10 ngày.

Rau đay: hạt rau đay không nên ủ mà rải đều tay trực tiếp lên đất sao cho mỗi hạt cách nhau khoảng 5 cm. Sau khoảng 30-45 ngày sẽ cho thu đợt đầu tiên. Chú ý lúc thu hoạch bạn nên vặt các ngọn non có độ dài dưới 10 cm để cây tái sinh nhanh hơn. Với cách làm này, khoảng 7-10 ngày sau sẽ cho thu đợt tiếp theo và thu hoạch liên tục 5-7 lứa.

Rau dền: Khi mua hạt giống về là có thể gieo ngay vào đất với mật độ dày. Rau dền có vòng đời ngắn nên sau 25-30 ngày là đã cho thu hoạch và chỉ thu hoạch được một lứa duy nhất.

Chế độ tưới nước

Theo những thông tin mà anh Hùng cung cấp thì các loại rau ăn lá thường rất háo nước nên bạn cần tưới đẫm mỗi ngày hai lần vào buổi sáng sớm và chiều tối khi đã tắt nắng. Cũng cần lưu ý thêm là nên sử dụng doa tưới để tránh làm hỏng cây hoặc trôi hạt.

Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh - 5

Cách bón phân

Tương tự như cách bón phân cho các loại rau cải ở kỳ trước . Rau dền, mồng tơi và rau đay hoàn toàn có thể sử dụng phụ phẩm hàng ngày như bã trà, bã cà phê, vỏ trứng, vỏ trái cây để làm phân bón. Bạn cũng có thể dùng thêm phân NPK 16-16-8 nếu muốn nhưng cần chú ý đến liều lượng đã ghi trên bao bì.

Rau sạch vườn nhà: Bí quyết trồng các loại rau nấu canh - 6

Minh Nhật