Phóng sự:

Quê hương mỗi người chỉ một...

(Dân trí) - Cha chồng lặng lẽ ra đi đêm trước rằm Trung Thu nơi quê nhà như một lời nhắn nhủ muốn được ở lại mãi với quê nghèo, để quy tụ các thế hệ cháu con trở về đây để thấu hiểu thế nào là “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

 

Quê hương mỗi người chỉ một... - 1

Nếp nhà xưa

Xe bon bon trên đường cao tốc giữa không gian bàng bạc lúc sáng sớm, cửa sổ xe tôi cố tình đóng không kín lắm để phần nào cảm nhận được hương đồng gió nội quê chồng. Càng gần tới vùng chiêm trũng Liêm Túc, Thanh Liêm quê chồng càng thấy bờ bãi, ruộng vườn, nhà cửa, đường sá dường như thu nhỏ lại.

Phong cảnh rất điển hình của một vùng quê có lẽ là ở nơi trũng nhất đồng bằng Bắc bộ là đây, với những vạt lúa giống mới thấp cây, nhỏ nhánh đang trong giai đoạn chuyển dần từ màu xanh sang pha vàng cứ dập dềnh, nhấp nhô như sóng biển cùng gió sớm mải mê trong trò chơi đuổi bắt nhau tới tận những rặng núi đất tím mờ xa.

Quê hương mỗi người chỉ một... - 2

Thấy cô cháu dâu khen cảnh đẹp trên cánh đồng lúa gợi nhớ màu xanh cốm mới mùa thu, thím út nhà chồng tôi trầm giọng:

- Dịp giáp hạt này ngày xưa đói lắm, gần như cả làng nhà ai cũng đói quay đói quắt. Những nhà đông con (thủa ấy nhà ai chẳng con đàn cháu đống lít nhít trứng gà trứng vịt) thường mấy ngày liền chỉ có rau rến vơ vạt trong vườn nấu lõng bõng với con ốc, con cua gầy móc được ria bờ ao để cầm hơi.

- Giờ không lo đói nữa, nhưng trong làng vẫn còn nhiều nhà khổ đấy - chú tôi tiếp lời, cặp mắt đã đục màu thời gian vẫn đau đáu dõi về phía cây đa già lụ khụ đầu làng, thân cong queo xù xì đầy mấu to mấu nhỏ, nhưng cành lá xanh um vẫn nghiêng mình tỏa bóng mát vắt từ bên này đường sang bao trùm cả cái miếu nhỏ tường rêu, mái ngói đã xạm đen phía bên kia gần sát bờ sông.

Quê hương mỗi người chỉ một... - 3

Đường bê tông giờ đã thay thế đường đất lầy lội xưa, nhưng để ra đồng viếng mộ vẫn phải đi ủng bởi mùa mưa Ngâu dường như vẫn vấn vương thương nhớ vùng chiêm trũng này.

Quê chồng không có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống võ vật cổ truyền Liễu Đôi - lễ hội vật võ nổi tiếng nhất huyện Hà Nam.

Là lớp dâu con sinh ra và lớn lên ở thành phố, chúng tôi chỉ được biết qua báo chí và lời kể của cha mẹ, các bậc trưởng lão trong làng rằng xưa có một tướng quân đời Trần chọn Liễu Đôi làm nơi thao binh, luyện tướng. Chính vì thế nơi này còn lưu giữ những tên gọi: cánh đồng Mã Bái, cánh đồng Bụi Đất, đống Cờ Quạt. Điều đặc biệt là ở các lễ hội khác vật võ chỉ là trò vui thể thao thì trong lễ hội Liễu Ðôi này, vật võ lại là nội dung chính thu hút rất đông người tới tham dự.

Quê hương mỗi người chỉ một... - 4

Ao là những tấm gương sinh thái nhỏ gìn giữ môi trường làng quê

Quê hương mỗi người chỉ một... - 5

Những con ngõ nhỏ đơn sơ

Quê hương mỗi người chỉ một... - 6

Màu đỏ cam hoa mẫu đơn nổi bật bên tường rêu, cây xanh lúp xúp

Ngày nay, người ta biết đến làng Liễu Đôi (xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) như một địa chỉ văn hóa dân gian, đặc biệt là Lễ hội vật võ được tổ chức vào ngày 5 tháng giêng Âm lịch hằng năm. Phần lớn vùng Liễu Đôi xưa ngập sâu dưới mặt nước, chỉ nổi lên mấy cái “đống”, người dân phải đào đắp bao đời mới thành làng xóm. Những tên thôn, tên xóm hôm nay còn mang dấu ấn trước kia: Đống Sấu, Đống Thượng, Đống Cầu…

Quê hương mỗi người chỉ một... - 7

Thím tôi - một người thuộc thế hệ "chuẩn dâu ta" - khấn vái trước ban thờ tổ tiên trong ngày giỗ anh chồng

Quê hương mỗi người chỉ một... - 8

Chị dâu của tôi đội mâm đồ mã, trong khi thầy cúng vốn đã rất thân thiết như người nhà với toàn bộ dân làng làm phép phía bên trên...

Quê hương mỗi người chỉ một... - 9

Rồi thấy dùng 2 đồng xu gieo quẻ âm dương xin ý kiến người đã khuất

Mặc cho không khí trung thu ở thành phố tưng bừng náo nhiệt bao nhiêu, nơi đây vẫn giữ nét ung dung tự tại riêng của làng quê xem ra mới thoát nghèo chưa được bao lâu. Chỉ có mấy dãy sạp hàng mở hai bên đường cái đầy ắp bánh dẻo, bánh nướng mới thấy có chất trung thu. Nhưng có lẽ còn sớm nên chưa mấy người mua. Đồ chơi rực rỡ màu sắc trông khá bắt mắt cũng trong cảnh hàng chờ khách...

Chợ làng hình như chỉ họp vào ngày lẻ nên vắng ngơ vắng ngắt. Không nghe thấy tiếng trống ếch rộn rã, tiếng trẻ con í ới gọi nhau rủ tối tập trung ra đình phá cỗ, tiếng dao thớt rộn ràng...như thời chúng tôi còn nhỏ được cha mẹ cho về quê chơi Tết Trung Thu. Hỏi ra mới biết gần như cả làng đều đang ngóng chờ lớp trẻ, nhất là cánh đàn ông đi làm ăn nếu không quá xa tranh thủ chủ nhật được nghỉ tạt về ăn bữa cơm nhiều thịt cá hơn rau một chút cùng gia đình, thay vì tăng ca làm thêm kiếm đồng ra đồng vào đỡ vợ vào nuôi con, đỡ cha già mẹ héo...

Quê hương mỗi người chỉ một... - 10
Quê hương mỗi người chỉ một... - 11

Chùa làng thanh tịnh

Quê hương mỗi người chỉ một... - 12

Chị dâu của tôi quỳ sụp lầm rầm khấn vái trong gian thờ nhỏ đậm chất làng quê xưa

Quê Mẹ quê Cha

Nhớ năm xưa khi mấy chị em dâu chúng tôi được mẹ chồng đưa về giới thiệu với họ hàng bên nội, bà diện áo dài gấm, tay xách ví đầm, cổ đeo chuỗi ngọc trông rất mệnh phụ phu nhân nếu như (nói vô phép các cụ) chân không dận đôi ủng to đùng... bởi đường làng vẫn nguyên cảnh đất sét trơn trượt mỗi mùa mưa nước ngập tràn từ ao ấu nhà này sang ao nhà khác.

Đi có vài chục mét từ đầu làng về nhà bà bác họ mà mấy cô con “dâu... lai tây” thành phố chúng tôi loạng choạng suýt vồ ếch mấy lần, trong khi các thím, các mợ “chuẩn dâu ta” dù rời làng lên phố đã mấy mươi niên vẫn thoăn thoắt chân đi, miệng cười tươi rói. Mẹ chồng tôi tươi cười chào hỏi tất tật ông già, bà lão, thanh niên, con trẻ gặp trên đường. Bà liên tục mời các cụ miếng trầu cay, chia cho các cháu nhỏ đứa gói bánh, đứa phong kẹo, đứa quả quýt, quả hồng... Hẹn hò sẽ ghé thăm nhà này, nhà khác...

Quê hương mỗi người chỉ một... - 13

Các thế hệ trai đinh từ thành phố về làng chuẩn bị vào làm lễ

Quê hương mỗi người chỉ một... - 14

Lễ xong tranh thủ ra góc bên chái nhà chùa rợp bóng mát và dìu dịu hương hoa

Đường làng nhỏ với chi chít nhà cửa lúp xúp nép mình sau những rặng tre xào xạc, thích nhất là nhà nào cũng có một cái ao nhỏ xanh um cây ổi, cây sung lúc lỉu quả quanh thân, cây khế nghiêng mình soi gương, thả những nụ hoa tím ngát lấm tấm xuống mặt nước trong veo. Dưới ao hoặc dập dềnh từng đám bèo tây đậm đà sắc hoa tím, hoặc bèo hoa dâu ken đặc như tấm thảm hoa tươi rói màu lá non...

Góc này vịt bơi, cá nhảy, trâu bò dầm nước tắm mắt... Góc kia các bà các chị đám thì rửa rau, vo gạo, đám giặt chăn chiếu sau khi đập bôm bốp trên mặt nước cho hết bụi bẩn, liền vặn mình quay vun vút trên không cho ráo nước trước khi bỏ vào quang gánh quảy về phơi trên bờ rào hoặc dâm bụt đỏ chót, hoặc rào duối xanh um vấn vít dây tơ hồng vàng óng...

Giếng đất cổ làng xưa nay đã không còn cảnh tấp nập các thôn nữ tóc dài chấm eo thắt đáy lưng ong chiều chiều lũ lượt ra vừa quẩy nước vừa đùa giỡn với nhau khiến cánh trai làng không ai bảo ai cùng kiếm cớ... ra giếng hóng mát.

Chùa làng vẫn be bé, dung dị, rất gần gũi với thiên nhiên giữa cỏ cây hoa lá, ruộng lúa, ao rau muống... Chỉ khác chút ít là trước do các ông từ được làng cắt cử ra chăm lo kinh kệ, hương khói thì nay được các phật tử cúng dường và tham gia các hoạt động công ích cùng sư thấy trụ trì góp công, góp của đã xây dựng thêm được khu phụ phía sau khang trang.

Quê hương mỗi người chỉ một... - 15

Quê hương là chùm khế ngọt...

Hôm nay làng quê xưa đã đổi mới khá nhiều nhưng tứ thân phụ mẫu đều đã khuất núi... Trở lại chốn xưa trong tôi lại nhoi nhói nỗi xót thương Người...Tiếc nuối niềm hạnh phúc may mắn có thêm một người Mẹ như bước ra từ chính những vần thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh:

Phải đâu Mẹ của riêng anh

Mẹ là Mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn Mẹ suốt đời chưa xong...

Quê nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm thật dễ khiến cho lòng ta như có được ngọn lửa sưởi ấm áp mùa đông, được tắm mát trong những con gió thiên nhiên giữa mùa hè nắng cháy... làm sống dậy những xúc cảm yêu thương trong ta giữa dòng đời tất bật...

Nội Ngoại tuy hai mà một và muôn đời vẫn là “quê hương mỗi người chỉ một/như là chỉ một mẹ thôi...”

Bài và ảnh: Kiều Anh

Quê hương mỗi người chỉ một... - 16