Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bên cạnh Covid-19, lao cũng là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm song hành.

Theo số liệu từng được Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với hàng triệu bệnh nhân mới mỗi năm và cả triệu người tử vong trên toàn cầu.

Bên cạnh Covid-19, đây là căn bệnh truyền nhiễm được cho là nguy hiểm và đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách.

Lao và Covid-19 đều tấn công phổi

Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19 - 1

Những người mắc bệnh Covid-19 và bệnh lao đều bị virus tấn công phổi và có những triệu chứng tương tự nhau như: Ho, sốt và khó thở. Thời gian ủ bệnh từ khi tiếp xúc của bệnh lao dài hơn, và thường khởi phát chậm so với Covid-19.

Tuy nhiên, ngoài phổi, vi khuẩn lao có thể phát triển ở các vị trí khác trong cơ thể như thận, màng não… Các triệu chứng của bệnh lao phụ thuộc vào vị trí vi khuẩn lao đang phát triển trong cơ thể.

Sự lây truyền bệnh lao đáng sợ không kém Covid-19

Trên thực tế, sự lây truyền của bệnh lao còn nguy hiểm hơn Covid-19. Nguyên nhân do trực khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí và nó tồn tại trong môi trường sống với thời gian dài. Thậm chí, vi khuẩn lao còn có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống.

Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19 - 2

Vi khuẩn lao tồn tại dưới các hạt mịn có kích thước rất nhỏ dưới 5 micro mét lơ lửng trong không khí vài giờ do giọt bắn của người bệnh lao phổi ho, hắt hơi, la hét hoặc hát. Những người hít phải có thể bị nhiễm bệnh.

Trong khi đó Covid-19 lây truyền chủ yếu qua việc hít trực tiếp các giọt bắn đường hô hấp xuất phát từ người mắc Covid-19 và qua tiếp xúc. Đặc biệt là tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Các giọt bắn này có thể do ho, hắt hơi, thở ra và nó có thể rơi xuống bề mặt của các đồ vật, sàn nhà rồi khi tiếp xúc có thể bị nhiễm Covid-19 do chạm vào chúng và sau đó đưa lên chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Sự nguy hiểm của bệnh lao

Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19 - 3

Người bị nhiễm lao tiềm ẩn không có triệu chứng, không lây truyền vi trùng lao sang người khác.

Không phải tất cả mọi người nhiễm vi khuẩn lao đều phát bệnh. Vì vậy, có hai tình trạng liên quan đến lao: Nhiễm lao dạng tiềm ẩn và bệnh lao. Hầu hết những người bị nhiễm lao không bao giờ phát triển thành bệnh lao mà có thể ở dạng tiềm ẩn (nhiễm lao tiềm ẩn).

Những người bị nhiễm lao dạng tiềm ẩn không cảm thấy bệnh và không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào. Những người này không lây nhiễm và không thể truyền vi khuẩn lao cho những người khác. Tuy nhiên, một khi vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động trong cơ thể và sinh sản, người này sẽ chuyển từ nhiễm lao dạng tiềm ẩn sang mắc bệnh lao.

Để lao tiềm ẩn phát triển thành bệnh lao, nó có thể xảy ra từ hai đến ba tháng sau khi nhiễm trùng hoặc nhiều năm sau đó và trở thành nguồn lây truyền bệnh.

Tuy nhiên nguy cơ để trở thành bệnh lao phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là tình trạng miễn dịch của từng cá thể người nhiễm. Khi đã mắc bệnh lao thì cần tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị kéo dài nhiều tháng.

Đặc biệt, đối với bệnh lao nếu để lâu, phát hiện muộn, bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến nhiều biến chứng, vi khuẩn kháng thuốc, quá trình điều trị khó khăn hơn, nguy cơ lây lan trước đó cho cộng đồng lớn hơn.

Còn đa số những người bị nhiễm Covid-19 sẽ bị bệnh cấp tính ở đường hô hấp từ nhẹ đến trung bình và phần lớn sẽ hồi phục mà không cần điều trị đặc biệt. Những người lớn tuổi và những người có các vấn đề y tế tiềm ẩn như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư có nhiều khả năng phát triển bệnh nghiêm trọng hơn.

Chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 và bệnh lao

Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19 - 4

Từ trước đến nay, chăm sóc điều trị bệnh nhân lao ngoại trú tại cộng đồng lấy người dân làm trung tâm nên được ưu tiên hơn so với điều trị tại bệnh viện (trừ khi tình trạng bệnh nghiêm trọng cần nhập viện) để giảm cơ hội lây truyền do quá trình điều trị kéo dài. Còn đối với Covid-19, yêu cầu điều trị cách ly bắt buộc tại cơ sở y tế hoặc tại nhà để không thể lây nhiễm cho cộng đồng.

Khi một người mắc cả lao và Covid-19, tổn thương phổi sẽ có nguy cơ nặng nề hơn so với những người chỉ mắc một trong hai bệnh. Chính vì vậy, những người bệnh lao - vốn đã bị tổn thương phổi, càng cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình điều trị.

Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19 - 5

Cần phát hiện sớm và chú trọng dinh dưỡng nhằm điều trị hiệu quả bệnh lao.

Do kinh nghiệm về nhiễm Covid-19 ở bệnh nhân lao vẫn còn hạn chế, người ta dự đoán rằng những người mắc cả bệnh lao và Covid-19 có thể có kết quả điều trị kém hơn đặc biệt nếu việc điều trị lao bị gián đoạn. Bệnh nhân lao cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của cơ sở y tế để được bảo vệ khỏi Covid-19 và tiếp tục điều trị lao theo quy định.

Với bệnh nhân Covid-19 cũng như bệnh nhân lao, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.

Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ, khắc phục tình trạng nhiễm trùng, góp phần chống lại đại dịch Covid-19, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, cũng như cho cá nhân và gia đình người bệnh.

Quản lý điều trị người bệnh lao các tuyến kết hợp dự phòng Covid-19 - 6

Theo Viện Phổi Hà Nội