Phụ nữ Việt Nam gánh tới 12/14 'việc không tên'

(Dân trí) - Phụ nữ Việt Nam đang phải làm phần lớn những việc chăm sóc nhà cửa, con cái; trong khi đó, đàn ông chỉ làm khoảng 1-2 việc. Việc gắn chặt phụ nữ vào những việc không tên ấy đã hạn chế cơ hội của họ trong phát triển sự nghiệp.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), tại lễ công bố cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng” do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động hôm nay 6/3.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết, viện của bà đã thực hiện nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” ở 9 tỉnh và thành phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ phải làm tới 12 trong số 14 việc nhà từ nấu ăn đến chăm sóc người già, người ốm trong gia đình... Trong khi đó, nam giới chỉ tham gia từ 1-2 việc như sửa chữa, bảo dưỡng đồ dùng trong nhà và đại diện cho gia đình trong việc quan hệ với chính quyền địa phương.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng tại lễ khai mạc cuộc thi ảnh Những gia đình bình đẳng
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng tại lễ khai mạc cuộc thi ảnh "Những gia đình bình đẳng"

“Trong khi tiến hành khảo sát, chúng tôi có hỏi một số nam giới là anh làm gì, anh có nấu cơm, rửa bát, chăm con giúp vợ không? Hầu hết việc gì họ cũng lắc đầu... Chúng tôi hỏi lại, vậy rút cuộc anh làm gì? Họ trả lời, họ là trụ cột”, Tiến sĩ Hồng nói.

Bà dẫn kết quả của khảo sát cho hay, đối với việc chăm con, đàn ông Việt Nam chủ yếu hỗ trợ vợ khi đi họp phụ huynh hay cho con đi chơi.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, suy nghĩ rằng phụ nữ là phải gắn với gia đình đã tồn tại hầu hết trong người dân Việt Nam, kể cả chính bản thân người phụ nữ cũng luôn nghĩ rằng họ sinh ra là để chăm sóc gia đình và đó là thiên chức của họ.

“Chính việc gắn chặt phụ nữ vào thiên chức ấy đã hạn chế cơ hội của họ trong việc học tập, phát triển sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội và chính trị; do đó càng làm tăng khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới””, bà phân tích.

Bà nhấn mạnh rằng, bình đẳng giới thực sự và bền vững phải được bắt đầu từ gia đình, nơi mọi thành viên đều chia sẻ công việc chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau để ai cũng có cơ hội học tập và theo đuổi sự nghiệp. Bình đẳng cũng chính là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc.

“Cần xem ngày nào cũng là 8/3”

Đây là thông điệp về bình đẳng giới mà Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg chia sẻ tại lễ công bố cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng”. Ông kể cho báo giới nghe câu chuyện đáng nhớ của ông về chúc mừng các đồng nghiệp nữ của mình nhân ngày 8/3 trước khi sang Việt Nam công tác.

Khi đó, ông đã gửi thư điện tử chúc mừng tới khoảng 30 đồng nghiệp nữ ở Stockholm (Thụy Điển) và ở 25 Đại sứ quán Thụy Điển ở các nước châu Phi. “Khoảng 30 giây sau đó, hòm thư của tôi bắt đầu đầy lên nhanh chóng. Các đồng nghiệp nữ của tôi bắt đầu trả lời thư của tôi, trong đó họ hỏi tôi những câu như: Ý ông là chúc mừng cái gì, chúc mừng ngày hôm nay còn 364 ngày còn lại của năm thì chúng tôi bị quên lãng phải không? Sự nghiệp của tôi không thành công được như sự nghiệp của ông phải không hay lương của tôi không cao như của ông phải không?...”, Đại sứ Pereric Högberg kể.

Đại sứ Thụy Điển cho biết, ông đã ở nhà 6 tháng để san sẻ việc chăm con với vợ sau sinh
Đại sứ Thụy Điển cho biết, ông đã ở nhà 6 tháng để san sẻ việc chăm con với vợ sau sinh

Từ câu chuyện này, ông rút ra kết luận rằng ngày nào cũng là Ngày của phụ nữ. “Và điều quan trọng là chúng ta trân trọng phụ nữ không phải chỉ trong ngày này mà phải là hàng ngày, hàng giờ và chúng ta cũng không nên đối đãi phụ nữ theo quan điểm của người đàn ông”, ông nói.

Đại sứ Högberg cũng cho biết, ông đã ở nhà 6 tháng để san sẻ việc chăm sóc con gái với bà xã của mình. Điều này giúp ông hiểu, cảm thông hơn với người vợ rằng công việc bỉm sửa không hề dễ dàng chút nào và vì thế ông cũng có nhiều thời gian bên con hơn.

Thụy Điển được biết đến là một trong những quốc gia bình đẳng nhất trên thế giới theo đánh giá của các bảng xếp hạng quốc tế. Chính sách “ngày nghỉ của cha mẹ” cho phép người cha và người mẹ được nghỉ tổng cộng 480 ngày (16 tháng) có lương khi sinh con. Căn cứ vào điều kiện gia đình, bố mẹ có thể nghỉ song song hoặc thay phiên nhau nhưng phải đảm bảo người cha cần nghỉ ít nhất 60 ngày để chăm con. Thuỵ Điển là quốc gia tiên phong với một chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích bình đẳng giới ngay tại các gia đình. Những hình ảnh “manly” của nam giới Thuỵ Điển chính là lúc họ vào bếp nấu nướng, đẩy xe nôi trong công viên, thay tã, cho con ăn hoặc hỗ trợ người bạn đời của mình trong các công việc chung trong gia đình.

Ngày nay, gần 2/3 số người học ở các trình độ đại học ở Thuỵ Điển là nữ giới, cùng với đó là tỉ lệ 50-50 giữa nữ giới và nam giới khi học lên các cấp sau đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Hiện nay, 12 trong số 24 bộ trưởng trong chính phủ Thuỵ Điển là nữ, bên cạnh gần một nửa thành viên của Quốc hội Thuỵ Điển tham chính cũng là phụ nữ.

Cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng” được tổ chức nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3-2017 và để chia sẻ những kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới. Cuộc thi diễn ra từ ngày 8-3 đến hết ngày 15-5-2017. Hơn 30 bức ảnh đẹp nhất sẽ được ban giám khảo lựa chọn tham gia một triển lãm về chủ đề này.

Sau đó, ban giám khảo sẽ lựa chọn tác phẩm đạt giải nhất và giải nhì còn giải 3 sẽ do cộng đồng mạng lựa chọn thông qua trang facebook của Đại sứ quán Thụy Điển.

Giải thưởng dành cho giải nhất, nhì và ba sẽ bằng hiện vật có giá trị lần lượt là 10 triệu, 8 triệu và 7 triệu đồng.

Nam Hằng