Bình đẳng giới nơi công sở:

Phụ nữ cần được “trọng dụng” thay vì “tuyển dụng”

(Dân trí) - Đó không phải là giải pháp chỉ nhằm đấu tranh cho nữ quyền mà nó còn là “cú hích” cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung…

Những con số siêu thực tế cho thấy tỷ lệ đa dạng nam nữ gắn với sự tăng trưởng doanh nghiệp

Theo số liệu của công ty DDI (Development Dimensions International) chuyên tư vấn lãnh đạo toàn cầu thì các công ty có tỷ lệ đa dạng nam và nữ trong toàn tổ chức ít nhất 30% và trên 20% trong các vị trí cấp cao, thì sẽ có kết quả kinh doanh và vai trò dẫn dắt chủ chốt vượt trội so với các doanh nghiệp thiếu sự đa dạng giới. 

Phụ nữ cần được “trọng dụng” thay vì “tuyển dụng” - 1

Hiện nay, trên thế giới các tập đoàn đa quốc gia (MNC) như Johnson & Johnson, Master Card, Disney, Coca-Cola, Philip Morris International (PMI)… đã và đang chú trọng đẩy mạnh sự hiện diện của bình đẳng giới không chỉ ở một thị trường mà là tại tất cả các thị trường mà họ đang kinh doanh. 

Cổng thông tin của chính quyền bang Victoria, Úc, cũng khẳng định chúng ta sẽ phải “trả giá” nếu vai trò của bình đẳng giới không hiện diện trong cuộc sống thường nhật. Trên cổng thông tin này cũng khẳng định, GDP của Úc sẽ tăng lên 11% nếu khoảng cách bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động được rút ngắn lại.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nếu một doanh nghiệp có 30% phụ nữ hiện diện trong vai trò lãnh đạo thì doanh nghiệp đó sẽ tăng lợi nhuận lên 15%. Sự đa dạng tỷ lệ, tiếng nói của nam và nữ trong cấp quản trị được cho là sẽ giúp công ty tăng trưởng đáng kể về doanh số.

Korn Ferry, một đơn vị tư vấn toàn cầu, cho biết: Đối với các công ty có gia tăng sự hiện diện của nữ giới trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp lên đến 1/3, thì lợi nhuận của họ cũng tăng trưởng lên tới 15%. 

Khi nhà tuyển dụng vẫn “trả giá rẻ” và xếp “mâm dưới” cho nữ giới

Với đối tượng là nữ giới trong các cuộc phỏng vấn đa số các nhà tuyển dụng đều hỏi về tình trạng hôn nhân, kế hoạch sinh con... hơn là tập trung vào chuyên môn và sự đam mê đối với công việc của ứng viên. Các doanh nghiệp thường lo lắng về mức độ cống hiến của đối tượng nữ giới và nghĩ đến “chỗ trống” khi họ nghỉ thai sản. 

Ở Việt Nam vấn đề lương thưởng, phúc lợi, cơ hội cho phụ nữ thăng tiến hiện đang thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Mặc dù họ có trình độ ngang nhau, phụ nữ vẫn có thu nhập thấp hơn nam giới. Vẫn có nhiều phụ nữ làm các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương hơn nam giới, đồng thời họ cũng ít được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

Sự chênh lệch này đang ngày càng mở rộng ở nhóm lao động có trình độ, rõ nét nhất ở cấp độ chưa qua đào tạo thu nhập của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam cùng trình độ là 8,1%, nhưng nếu ở nhóm trình độ đại học trở lên thì mức chênh lệch này tới 19,7%.

Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động theo báo cáo của Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội là 71,2%. Nhưng vị thế công việc của phụ nữ còn thấp, trong đó 52,1% thuộc lao động đơn giản và 66,6% là lao động gia đình. 

Theo báo cáo thu nhập bình quân của phụ nữ là 5,22 triệu VND/tháng, bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới (5,92 triệu VND/tháng). 

Nữ giới cần được “trọng dụng” thay vì “tuyển dụng”

DDI cho rằng không chỉ nên dừng lại ở góc độ quân bình về mặt giới tính mà cần có một chiến lược đón nhận và đa dạng (I&D - Inclusive and Diversity strategy) toàn diện để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giới. Vì những thiệt thòi của nữ giới tại công sở nên các doanh nghiệp cần thay đổi tư tưởng ngay từ hôm nay và có thái độ “trọng dụng” thay vì “tuyển dụng” với người lao động là nữ.

PMI đã làm tốt việc này, bằng chứng là tại Việt Nam, tính đến tháng 3 năm 2020, doanh nghiệp đang có 52% nữ giới giữ cương vị quản lý, tăng 9% so với năm 2019 và dự kiến sẽ có thêm nhiều phái nữ tham gia trong thời gian tới. Mục tiêu năm 2020 của doanh nghiệp này sẽ có 40% nhân viên nữ tham gia vào trong bộ máy ban quản trị: trong đó lãnh đạo cấp cao chiếm 17.4%, vị trí giám đốc chiếm 30.9% và cấp trưởng phòng sẽ chiếm 37,5%. 

Chiến lược “trọng dụng” nữ giới hơn là chỉ làm theo phong trào đã ngầm lan tỏa đến nhiều các doanh nghiệp lớn. Unilever, một trong các doanh nghiệp quốc tế dẫn đầu về chiến lược này đã có đến 49% nhân sự cấp quản lý là nữ giới.

Báo cáo của Liên hiệp quốc (UN) về mục tiêu hướng tới bình đẳng giới năm 2030 đã chỉ rõ trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ 21. Và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình và bạo lực đối với phụ nữ. 

PV