Pháp luật “bó tay” trước nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm?

(Dân trí) - “Có nhiều luật về xử lý vi phạm hành chính và các nghị định, văn bản hướng dẫn nhưng tại sao không đủ sức để xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm? Chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhưng dường như bất lực trước việc bảo vệ an toàn của dạ dày như hiện nay”.

Đó là những câu hỏi đầy trăn trở của PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM tại hội thảo “Khía cạnh pháp lý về an toàn thực phẩm và cơ chế đảm bảo thực hiện” diễn ra ngày 10/6 vừa qua.

Thịt heo nái được ngâm trong hóa chất để biến thành thịt bò tươi
Thịt heo nái được ngâm trong hóa chất để biến thành thịt bò tươi

Doanh nghiệp “lờn thuốc”

PGS.TS Bùi Xuân Hải cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến mỗi người dân. Theo các số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc ung thư của người Việt Nam là một trong những quốc gia cao nhất thế giới, một trong những tác nhân gây ra đó chính là thực phẩm bẩn. Cũng chính vì vấn đề này mà ngay sau khi được bầu làm Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về an toàn thực phẩm và sau đó Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 13-CT/TT tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên tình hình về vấn đề an toàn thực phẩm vẫn chưa chuyển biến tích cực và các biện pháp pháp lý chưa đủ sức răn đe dẫn đến các doanh nghiệp “lờn thuốc”.

Ths.Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Có quá nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm như: sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng giả phụ gia thực phẩm, nhập lậu phụ gia thực phẩm. Thậm chí, phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan.

Các chuyên gia pháp lý đang bàn cách chống lại vấn nạn thực phẩm bẩn
Các chuyên gia pháp lý đang bàn cách chống lại vấn nạn thực phẩm bẩn

Nguyên nhân tồn tại thực trạng vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm là do chưa kiểm soát được việc mua bán hoá chất dẫn đến tình trạng mua bán tràn lan. Mặt khác, những biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe hành vi vi phạm trong khi ý thức người dân về tình trạng lạm dụng phụ gia trong thực phẩm chưa cao dẫn đến vấn đề an toàn thực phẩm bị bỏ ngỏ.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là một rào cản cho quá trình gia nhập thị trường của nhà đầu tư, tuy nhiên đây lại là một công cụ cần thiết giúp Nhà nước quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Dùng pháp luật hình sự để chống thực phẩm bẩn

PGS.TS Bùi Xuân Hải cho rằng, chúng ta đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật: Luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật bảo vệ và kiểm dịch động vật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa… Ngoài ra, còn có Bộ luật Hình sự, Dân sự, Luật Quảng cáo, Luật cạnh tranh, Luật về xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định văn bản hướng dẫn về lĩnh vực này. “Với một “rừng” văn bản pháp luật nhưng tại sao không đủ sức để xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Dường như mọi biện pháp đều bất lực trước tình trạng mất an toàn về thực phẩm như hiện nay”, ông Hải trăn trở.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực Phẩm Minh Đạt cho rằng, cần xem lại việc ban hành quá nhiều luật liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm có thực sự hiệu quả hay không khi các doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình. Nhiều luật tạo ra sự rủi ro cho các doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp không được bảo vệ. Do đó, bà Tuyết mong muốn Chính phủ cần đào tạo, hỗ trợ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp sản xuất chui đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn
Doanh nghiệp sản xuất chui đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho rằng phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra những cơ quan nhà nước có chức năng quản lý như UBND Phường. Đây là cơ quan quản lý ở cơ sở nên sẽ nắm rõ, sẽ ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm. Thời gian qua, vì không giám sát nên nhiều nơi “làm ngơ” để sai phạm liên tiếp xảy ra.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết, hiện vấn đền lạm dụng phụ gia thực phẩm diễn ra phổ biến. Không có cơ quan nào giám sát doanh nghiệp suốt toàn bộ thời gian, do đó đạo đức của người sản xuất là rất quan trọng. Việc có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nên dễ dàng lọt ngoài vòng quản lý của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp sản xuất chui đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn.

Theo đại siện Sở Nông nghiệp TPHCM, việc thành lập đội thanh tra chuyên trách nhưng chủ yếu kiêm nhiệm, việc xử lý hành vi vi phạm phải thành lập đoàn gồm nhiều ban, nhiều ngành nên không đảm bảo tính xử lý kịp thời. Khi tập huấn về vấn đề an toàn thực phẩm như lại cử người nhà hoặc người không liên quan tham dự. Hơn nữa, trong quá trình xử lý thì đạo đức của cán bộ đóng vai trò quan trọng.

Trước thực trạng trên, TS Phan Anh Tuấn thì cho rằng muốn bảo vệ an toàn thực phẩm hiệu quả thì phải áp dụng pháp luật hình sự.

Trong khi đó, TS. Thái Thị Tuyết Dung đề xuất cần thí điểm thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm tại các thành phố trực thuộc trung ương.

“Các thành phố trực thuộc trung ương là nơi tập trung dân cư, khách du lịch đông nên tiêu thụ lượng thực phẩm nhiều. Việc thí điểm ở các thành phố trực thuộc trung ương tạo tiền đề cho mô hình quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm ở trung ương; các hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan trùng lắp chồng chéo nhau gây lãng phí, kém hiệu quả…”, TS Dương nói.

Công Quang – Trang Thơ