“Ông hoàng sách cũ” ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Nhiều người mê đọc sách ở Đà Nẵng quý mến gọi ông Trương Văn Thông - người sở hữu kho sách khổng lồ với hơn 30.000 cuốn là “ông hoàng sách cũ”

“Ông hoàng sách cũ” ở Đà Nẵng - 1

Ông Thông với kho sách được cho là một trong những kho sách cũ lớn nhất Đà Nẵng

Nửa thế kỷ miệt mài sưu tầm sách

Xuất phát từ niềm đam mê đọc sách, hơn 50 năm qua, ông Trương Văn Thông (79 tuổi) miệt mài lặn lội khắp nơi để sưu tầm sách cũ. Có thể nói “ông hoàng sách cũ” - cách mà mọi người quý mến gọi ông Thông - là một trong những người sở hữu nhiều sách nhất ở thành phố bên bờ sông Hàn với hơn 30.000 cuốn. Căn nhà nhỏ của ông nằm trong con hẻm trên đường Hùng Vương, Đà Nẵng trở thành nơi tới lui thường xuyên của những người yêu văn hoá đọc.

“Ông hoàng sách cũ” ở Đà Nẵng - 2

Nửa thế kỷ miệt mài sưu tầm, "ông hoàng sách cũ" ở Đà Nẵng sở hữu hơn 30.000 cuốn.

Vốn sinh ra ở trong một gia đình hiếu học, ông đã được gia đình định hướng theo con đường học tập và tốt nghiệp đại học văn khoa. Ông từng trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh, trong đó có thời gian ông làm công việc phiên dịch Anh - Pháp sang tiếng Việt ở TP HCM. Niềm yêu thích đọc sách đã thành thói quen, như cơm ăn nước uống hàng ngày bén rễ từ những năm tháng ông học ở văn khoa và làm nghề phiên dịch.

Sau 1975, gia đình ông từ TPHCM quay trở về Đà Nẵng sinh sống. Trở về quê hương, với lòng đam mê sách, ông tiếp tục theo công việc buôn bán sách cũ. Để làm giàu kho sách, ông không quản khó khăn lặn lội ra bắc vào nam tìm sách hay. Thời gian đầu lượng sách rất ít do vốn của ông chưa có, thế nhưng, nhờ thói quen cần mẫn sưu tập sách, ngày qua ngày, lượng sách ngày một nhiều lên.

Sau hơn nửa thế kỷ sưu tầm, lượng sách đã lên tới 30.000 cuốn sách. Kho sách của ông Thông không chỉ ấn tượng về số lượng, mà cả chất lượng. “Ông hoàng sách cũ” ở Đà Nẵng có những quyển sách quý hiếm mà nhiều người cho rằng đi khắp cả nước không mấy ai có.

Lan tỏa niềm đam mê sách đến mọi lứa tuổi

Vừa sống với nghề mua bán sách cũ, ông Thông sẵn sàng trao đổi sách để khách và chính bản thân mình đọc được nhiều đầu sách hay hơn. Có những cuốn sách ngoại văn Anh, Pháp đọc thấy hay, ông biên dịch ra tiếng Việt để mọi người đọc.

Khách tìm đến ban đầu để mua bán sách cũ, sau thành bầu bạn với ông chủ tiệm, không chỉ có những người lớn, mà có nhiều bạn trẻ mê đọc sách. Nhiều những sinh viên tìm tới ông để tìm sách chuyên ngành như công nghệ thông tin, y dược, hay những người trí thức, các nhà sư cũng tìm đến ông để trao đổi nhờ sự tỉ mỉ trong khâu chọn lựa sách cũng như nguồn sách quý của ông Thông.

“Ông hoàng sách cũ” ở Đà Nẵng - 3

Kho sách cũ của ông Thông không chỉ ấn tượng về số lượng mà còn có nhiều đầu sách chất lượng quý, hiếm

Có những bạn trẻ còn rất nhỏ tuổi đã tìm tới ông để tìm những quyển sách về y học bằng tiếng Anh về để tập dịch sang tiếng Việt trước, nếu chậm trễ sau này khó có thể tìm thấy được bộ sách quý, cũng như không dễ gì gặp người bán am hiểu tường tận như ông.

Vốn quý những người cùng đam mê sách như mình, ông cho khách mượn sách về đọc một vài ngày. Dịch Covid - 19 vừa qua, một số bạn sinh viên vì thiếu tiền không thể trả nợ tiền thuê nhà, bèn bấm bụng tìm tới ông để bán đi bộ sách mình yêu quý nhất. Ông Thông không những không lấy sách mà ông còn cho thêm tiền để các bạn trả nợ tiền thuê nhà.

Tiếng lành đồn xa, nhiều vị khách từ khắp mọi miền tổ quốc tìm tới ông trở thành những vị khách thân thiết, thậm chí có những vị khách từ Thái Lan, Philippines, Malaysia… tìm tới ông để đặt sách.

“Hiện nay, vì việc công nghệ thông tin phát triển, người đọc sách cũng ngày một ít đi. Thế nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó, tôi không sợ việc người đọc quay lưng với sách, và nhất là sách cũ. Hình ảnh một người cầm quyển sách đọc bao giờ cũng đẹp và thiêng liêng hơn là một người cầm chiếc điện thoại.

Những quyển sách dù cũ đi nữa cũng có được sự kiểm duyệt kỹ càng của nhà xuất bản rồi mới đến tay người đọc. Mọi người một tuần hãy đọc một quyển sách sẽ cảm nhận được sự thú vị của chúng. Ngày nào còn có người yêu sách, trân trọng sách là niềm vui với tôi và nó là nguồn động lực tiếp tục niềm đam mê của mình” -  ông Thông tâm sự.

Văn Tuấn