Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết

(Dân trí) - Số lượng bệnh nhân đông, vì thế các bác sỹ công tác tại các bệnh viện tuyến đầu cũng bị cuốn mình vào guồng quay công việc bận rộn, gần như không có ngày nghỉ. Với riêng các bác sỹ nữ, áp lực càng tăng lên gấp bội khi họ phải cân đối giữa việc khám chữa bệnh và chăm lo, vun vén cho gia đình.

5h30 chiều, bác sỹ Hàn Thị Vân Thanh (Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội) mới hoàn thành xong ca khám bệnh cuối cùng trong ngày.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn” không phải ai cũng biết

Là bệnh viện tuyến đầu cả nước, mỗi ngày, khoa Khám bệnh Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tiếp nhận khám chữa bệnh cho khoảng 600-800 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đông, mỗi bác sỹ tại đây thường phải bắt đầu làm việc từ 5h45 sáng đến 17 giờ chiều, phụ trách thăm khám cho 50-100 người bệnh/ngày.

“Làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, lượng bệnh nhân xếp hàng đến khám liên tục, các bác sỹ gần như không có khái niệm hết giờ hành chính mà chỉ có hết bệnh nhân thì mới kết thúc ngày làm việc”, bác sỹ Vân Thanh nói.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết - 1

Bác sỹ Hàn Thị Vân Thanh (Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội)

“Nhiều bệnh nhân sốc nặng, không chấp nhận mình mắc bệnh ung thư”

Bác sỹ Vân Thanh sinh năm 1973, tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, công tác tại Bệnh viện K từ những năm 1996, chuyên ngành phẫu thuật đầu cổ. Năm 2017 chị được điều chuyển về Khoa khám bệnh, Bệnh viện K Tân Triều. Hơn 20 năm gắn bó với các bệnh nhân ung thư, nữ bác sỹ cho biết có không ít kỷ niệm vui buồn với nghề.

 “Bệnh nhân ung thư có đặc thù riêng, họ rất nhạy cảm về tâm lý. Điều này khiến các bác sỹ ngoài chuyên môn chữa bệnh còn phải đóng vai trò giống như các chuyên gia tâm lý”, bác sỹ Vân Thanh nói.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết - 2

Số lượng bệnh nhân đông, mỗi bác sỹ tại đây thường phải bắt đầu làm việc từ 5h45 sáng đến 17 giờ chiều

Với nhiều người, ung thư giống như án tử. Khi bị chẩn đoán mắc bệnh, có người sốc, ngã khụyu ngay tại phòng khám, người nhất quyết không chấp nhận sự thật, thậm chí từ chối điều trị theo phác đồ của bác sỹ đưa ra.

Lúc này, bác sỹ giống như chỗ dựa tinh thần cho người bệnh, phải kiên nhẫn để tư vấn, động viên bệnh nhân hiểu tình trạng của mình, suy nghĩ tích cực cùng phối hợp để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Nhiều năm gắn bó với nghề, bác sỹ Vân Thanh thừa nhận, không ít trường hợp bệnh nhân ung thư khiến chị cảm thấy day dứt, trăn trở.

“Có người mắc bệnh khi tuổi đời rất trẻ, người vừa lập gia đình, cũng có người phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối, bệnh di căn khắp cơ thể, thời gian sống chỉ được tính bằng tháng.

Với những trường hợp bệnh nặng, y học hiện đại gần như không thể can thiệp chữa trị mà chỉ giúp kiểm soát bệnh. Mỗi khi bệnh nhân hỏi: Tôi còn sống được bao lâu? Bệnh của tôi có chữa được không?.. là lại khiến các bác sỹ cảm thấy thực sự đau xót, bất lực”, bác sỹ Vân Thanh nói.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết - 3

Thông thường, các bác sỹ phụ trách thăm khám cho 50-100 người bệnh/ ngày.

Có lần, một bệnh nhân nam khoảng 60 tuổi ở Hà Nội, bị chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn muộn. Đáng tiếc là khi phát hiện ra bệnh, bệnh nhân đã không đến bệnh viện ngay mà theo ông lang điều trị thuốc nam hết cả một năm trời.

Đón nhận tin xấu, người bệnh này ngã khuỵa, cầu xin bác sỹ chữa khỏi bệnh cho mình hoặc chí ít là kéo dài thời gian sống cho đến khi có thể chứng kiến con trai lập gia đình, ổn định cuộc sống.

 “Hoàn cảnh của bệnh nhân rất éo le, thương tâm, vất vả nuôi con lớn khôn, đến lúc về già tưởng có thể an nhàn, quây quần bên con cháu thì lại phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật giày vò.

Khi đến với chúng tôi, u đã lan toàn bộ lưỡi, di căn hạch cổ hai bên và có di căn phổi, tiên lượng bệnh rất xấu. Là bác sỹ, chứng kiến bệnh nhân đau đớn, mà không thể can thiệp, chữa khỏi bệnh là điều khiến tôi day dứt, đau xót nhất”, bác sỹ Vân Thanh xúc động nói.

Hàng tuần, ngoài việc thăm khám tại Khoa khám bệnh, bác sỹ Vân Thanh có hai buổi trong phòng phẫu thuật. Số ca mổ phụ thuộc vào từng loại phẫu thuật. Có ngày ít thì 1-2 ca, ngày nhiều có thể lên tới 3-4 ca, mỗi ca nhanh thì 1 tiếng, lâu hơn thì có thể kéo dài từ 2-4 tiếng.

Khi khám bệnh, áp lực nhất là lúc bệnh nhân đông, bác sỹ ngồi khám liên tục trong nhiều giờ, tư vấn liên tục, có lúc không kịp rời ghế đi vệ sinh. Nhưng trong phòng phẫu thuật thì đòi hỏi sự tập trung cao độ, không cho phép bác sỹ có động tác thừa, không được sai sót bởi chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

“Những ngày mổ, bác sỹ luôn phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và thể lực. Ca phẫu thuật xong vẫn chưa phải là kết thúc, mà sau đó bác sỹ lại phải theo dõi, trăn trở xem bệnh nhân tiến triển thế nào, có xảy ra tai biến gì không?”, bác sỹ Vân Thanh nói.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết - 4

Bác sỹ nữ và những áp lực “căng như dây đàn”

Số lượng bệnh nhân đông, vì thế các bác sỹ công tác tại các bệnh viện tuyến đầu cũng bị cuốn mình vào guồng quay công việc bận rộn, gần như không có ngày nghỉ. Việc bữa sáng thành bữa trưa, hay rời bệnh viện khi trời đã tối muộn là điều quen thuộc mà các bác sỹ ở đây phải trải qua hàng ngày.

Với riêng các bác sỹ nữ, áp lực càng tăng lên gấp bội khi họ phải cân đối giữa việc khám chữa bệnh và chăm lo, vun vén cho gia đình.

Bác sỹ Vân Thanh tâm sự, khoảng thời gian vất vả nhất là những năm đầu khi mới vào nghề. Hai con còn nhỏ, công việc bận rộn khiến chị thường xuyên phải về muộn.

“Có thời gian tôi ở viện nhiều hơn ở nhà, sáng đi từ lúc con chưa ngủ dậy, tối trở về lúc con đã lên phòng đi ngủ.”, bác sỹ Thanh kể.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết - 5

Theo bác sỹ Thanh, bệnh nhân ung thư có đặc thù riêng nên các bác sỹ ngoài chữa bệnh còn phải giống như các chuyên gia tâm lý, giúp bệnh nhân vượt qua khủng hoảng yên tâm điều trị

Nhiều lần hẹn đón con ở trường nhưng bệnh nhân đông, lúc xong việc cũng là khi trời tối muộn. Nhìn con gái ngồi giữa sân trường một mình chờ mẹ, chị Thanh lại ứa nước mắt vì thương con.

“Mẹ về muộn nhiều đến nỗi bác bảo vệ quen mặt, còn con gái thì lúc nào cũng chuẩn bị sách vở của ngày hôm sau, tranh thủ làm luôn bài tập ở trường trong khi đợi mẹ. Cũng may là các con đều hiểu và thông cảm với công việc của mẹ nên không hề trách cứ”, chị Vân Thanh chia sẻ.

Bù lại những vất vả, khó khăn trong nghề, nữ bác sỹ trải lòng, nghề Y mang lại cho chị những xúc cảm, hạnh phúc mà không phải ngành nghề nào cũng có được. Đó là cảm giác lâng lâng khi hoàn thành xong một ca phẫu thuật khó, là nỗi vui mừng khi chứng kiến người bệnh vượt qua giây phút sinh tử, chiến thắng bệnh tật.

Cho đến bây giờ, bác sỹ Vân Thanh vẫn không thể quên trường hợp 5 bệnh nhân người dân tộc Sán Dìu (Thái Nguyên) bị những khối u khổng lồ trên mặt do nhiễm bệnh loạn sản xơ. Gia đình nghèo, lại ở vùng sâu nên không có điều kiện chữa trị kịp thời. Cả 5 chị em đều phải sống trong sự mặc cảm bởi sự kỳ thị, xa lánh của mọi người.

“Lần đó, bác sỹ Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K trực tiếp phẫu thuật, tôi là thành viên trong kíp mổ. 5 chị em lần lượt được cắt bỏ khối u trên mặt, có u nặng trên 7kg.

Khi chứng kiến khuôn mặt trong diện mạo mới, bệnh nhân vỡ òa hạnh phúc, bản thân các bác sỹ trong kíp mổ cũng không giấu nổi xúc động, vui lây với niềm vui của người bệnh. Cho đến nay, cả 5 chị em đều đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định.”, bác sỹ Vân Thanh tâm sự.

Nữ bác sỹ bệnh viện K kể về áp lực “căng như dây đàn”, không phải ai cũng biết - 6

20 năm gắn bó với bệnh nhân ung thư, nữ bác sỹ chia sẻ không tránh khỏi những lúc cảm thấy mệt mỏi bởi áp lực trong nghề, tuy nhiên trên tất cả, tình yêu nghề, sự phục hồi của người bệnh là động lực để chị tiếp tục cố gắng, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

“Nhiều bệnh nhân được tôi thăm khám, tư vấn, phẫu thuật… tiến triển tốt, vẫn giữ liên lạc, thường xuyên nhắn tin hỏi thăm bác sỹ. Có bệnh nhân gọi điện chia sẻ niềm vui khi đã ổn định cuộc sống, lập gia đình, có con sau khi điều trị bệnh… Hay bản thân các con và gia đình cũng luôn tự hào vì có mẹ công tác trong ngày Y. Đó có lẽ là hạnh phúc mà không phải công việc nào cũng mang lại được”, bác sỹ Vân Thanh trải lòng.

Hà Trang

Ảnh: Toàn Vũ