Nổ "làm to ở phố", người con ôm cục nợ khi về quê đón Tết

(Dân trí) - Là một nhân viên bình thường nhưng nhiều năm qua anh Khánh "khoe" mình là giám đốc kinh doanh. Bao nhiêu cái khổ từ... miệng mà ra, Tết anh không dám về quê.

Tưởng con "làm giám đốc", mẹ vung tay "ra oai"

Anh Nguyễn Đức Khánh, 31 tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại một công ty kính cường lực ở TPHCM hơn 10 năm nay. Vài năm nay, kinh tế vợ chồng anh ổn định hơn, nhất là khi mua được căn hộ trả góp 15 năm. 

Như để gia đình tự hào, anh hay chém gió vui vui mình lương cao, vài ba lần lỡ lời mình là giám đốc kinh doanh của công ty. Nào ngờ, bao nhiêu cái khổ từ đó mà ra, đến nỗi giờ anh không dám về Tết.

Nổ làm to ở phố, người con ôm cục nợ khi về quê đón Tết - 1

Tiền vé đắt đỏ, năm rồi gia đình đi tàu về quê, anh phải chống chế với mẹ "Con lu bu không đặt kịp nên vé máy bay hết sạch". Anh nhờ mẹ đặt xe ra ga đón mình. Anh nghĩ là xe khách như trước đây, không ngờ mẹ lo con cháu mệt, có tiền phải sướng tấm thân, nhất là "oai" với hàng xóm nên đặt hẳn taxi đón con cho đoạn đường về quê hơn 120 cây số. Vợ chồng anh méo mặt! 

Chưa hết, bố mẹ còn sắm sanh đủ thứ từ tivi mới, bàn ghế mới, mua hẳn cây mai gần 2 triệu đồng về chưng... Mẹ anh đồng bóng, phô trương, thích khoe con kiếm được nhiều tiền còn đi mua hai chỉ vàng đeo khoe hàng xóm. 

Bà hớn hở nói, năm nay con về Tết, bỏ lì xì cho con cháu nhiều chút cho mát mày mát mặt. Bao lì xì con cháu, bà toàn bỏ 200.000 - 500.000 nghìn đồng, mấy đứa hàng xóm cũng phải bỏ tờ 100.000 mới được. 

Mẹ anh mượn tạm của bác Tám hàng xóm 30 triệu đồng sắm sanh, chuẩn bị trước cho kịp, giờ nói con sang trả. Đúng toàn bộ số tiền mặt anh mang theo. 

Chưa hết, mấy ngày Tết, tốp bạn này đến nhóm bạn khác, đi nhậu, hát hò là... ưu tiên anh Khánh thanh toán với tâm lý, nó làm "to" ở Sài Gòn. Vài ba người biết ý mới góp tiền trả cùng anh. 

Rồi nữa, ở thôn còn đến nhà vận động những gia đình có con đi làm xa ủng hộ tiền làm đường, làm sân bóng hay là ủng hộ mừng thọ cho các vị cao tuổi. 

Nổ làm to ở phố, người con ôm cục nợ khi về quê đón Tết - 2

Đường về quê đón Tết của con cháu xa nhà luôn mang theo những áp lực, nỗi niềm (Ảnh mang tính minh họa)

Anh Khánh phải gọi vào cho bạn thân là chủ công ty, ứng tạm vài chục triệu để "xử lý khủng hoảng". Năm đó, anh mất Tết, trở lại Sài Gòn với sự căng thẳng của vợ con và vào cày "bục mặt" để trả nợ. 

Năm nay, anh không dám về quê, chỉ gửi về cho mẹ một ít tiền lo Tết rồi hẹn, ra năm rảnh con thu xếp về! Anh biết họa từ sĩ diện mà ra, không biết bao giờ mới xóa được áp lực "làm to ở thành phố". 

Sống trong "vỏ bọc", sợ về quê

Không xuất phát từ việc "nổ", "chém gió" như trường hợp của anh Khánh nhưng nhiều đứa con xa quê lại bị áp lực từ bởi kỳ vọng của gia đình nên họ không dám sống thật với chính hoàn cảnh của mình. 

Thu Lan, 26 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, là niềm tự hào của bố mẹ khi tốt nghiệp đại học, rồi vào Nam lập nghiệp. Trong này, cuộc sống trầy trật, không ai biết Lan từng đi giúp việc nhà, đi làm công nhân... để trụ ở thành phố. Cô gái không dám nói sự thật này với gia đình vì "bố mẹ sẽ uất ức mà chết". 

Nổ làm to ở phố, người con ôm cục nợ khi về quê đón Tết - 3

Cô chỉ nói sơ sơ mình là nhân viên văn phòng, mỗi tháng cô chắt bóp chi tiêu hay cả bán hàng online kiếm thêm ít tiền gửi về cho bố mẹ. Tết nhất, cô còn vay mượn để bố mẹ có thêm tiền chi tiêu, sắm sanh.

Thế nhưng, mẹ cô không hài lòng, không giấu được sự thật vọng về con gái khi kể đứa này đứa nọ trong xóm làm lương cao, xây nhà cho bố mẹ, sắm xe cộ cho anh chị. Rồi bố mẹ nhà đó sướng, ăn rồi chẳng phải làm gì. 

Hai năm nay, Lan đã không về ăn Tết không chỉ vì áp lực mà cô không tìm thấy niềm vui sum họp cùng gia đình. Kiểu gì cũng chỉ toàn nghe những lời so sánh như con Giang lấy chồng giàu, thằng Trung bỏ cả trăm triệu xây lăng mộ, rồi đến chiếc xe, quần áo cũng bị lôi ra so bì. 

"Một cậu bạn làm việc cùng với mình còn phải đi vay tiền 50 triệu đồng để bố mẹ đóng tiền xây lăng mộ gì đó. Trong này nó trầy trật kiếm sống", Lan kể. 

Anh Minh Huy, quê ở Quảng Bình kể, mỗi năm về Tết với anh là sự mệt mỏi. Bạn bè anh làm kinh doanh nên khá giả, có nhà cửa, còn anh theo con đường nghệ thuật, lý tưởng khác và anh rất bằng lòng với cuộc sống tại căn phòng trọ nhìn ra là thấy phố phường. 

Nổ làm to ở phố, người con ôm cục nợ khi về quê đón Tết - 4

Phía sau sự hào nhoáng, phô trương dịp lễ Tết ở các làng quê, có khi là những gánh nặng của những đứa con 

Điều làm anh mệt mỏi là sự thất vọng của mẹ. Bà đau khổ tràn trề khi con mình cũng lập nghiệp ở xa mà nghèo, mãi không mua được nhà, rồi cũng không lo toan được nhiều cho bố mẹ, anh chị em...

Chính mẹ anh từng buông lời: Tết không về cũng được, con người ta về thì xây nhà cửa, sắm sanh được bao nhiêu thứ. Con mình về làm cho xấu hổ!

Với không ít gia đình, chữ hiếu bây giờ được đo bằng số tiền gửi về, nhà cao cửa rộng, xe cộ, hình thức bên ngoài... chứ không phải là hạnh phúc của đứa con. 

Nhiều đứa con vì dĩ diện hay vì áp lực từ cha mẹ, không đủ can đảm để sống thật,  phải tạo cho mình một "vỏ bọc bên ngoài" nhằm "chống chọi" ngay với chính bố mẹ, người thân, với quê hương, làm xóm. 

Để rồi từ những áp lực này, nhiều người đã từ chối Tết về với cha mẹ, với quê nhà. 

Hoài Nam