Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường

(Dân trí) - Trên thực tế, không chỉ hành vi xả rác, xả thải không đúng quy định mới khiến môi trường bị ô nhiễm, mà ngay cả những việc làm tưởng như vô hại được chúng ta thực hiện hàng ngày cũng đang góp phần làm trầm trọng hóa vấn nạn toàn cầu này.

Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường - 1

Thả bóng bay để chào mừng những ngày lễ hay sự kiện lớn là truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hành động tưởng như vô hại này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thiên nhiên, đặc biệt là nó sẽ đe dọa trực tiếp đến mạng sống của các loài chim hay động vật khác.

Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường - 2

Cần biết rằng, sau cảnh tượng hết sức đẹp mắt và hoành tráng kéo dài khoảng vài phút của tiết mục thả bóng bay, những quả bóng sẽ trở thành hàng loạt cái bẫy chết chóc lơ lửng ở độ cao vài km so với mặt đất chực chờ loài chim.

Chưa dừng lại ở đó, khi không còn đủ khí để bay, bóng bay nghiễm nhiên trở thành những mẩu rác rơi xuống từ bầu trời, làm ô nhiễm vùng đất, vùng nước rải rác khắp một khu vực trải rộng hàng chục thậm chí là đến hàng trăm km tính từ địa điểm thả bóng.

Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường - 3

Việc người tiêu dùng liên tục “lên đời” điện thoại của mình để bắt kịp với xu thế mới hay chỉ đơn giản là chứng tỏ đẳng cấp, đã và đang tạo ra một gánh nặng lớn đối với môi trường. Mặt tiêu cực dễ nhận thấy nhất của việc mua sắm vô tội vạ này chính là tạo ra một lượng lớn rác thải điện tử độc hại.

Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường - 4

Bên cạnh đó, một vài nguyên tố có trữ lượng thấp được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp điện tử, được giới khoa học cảnh báo, đang dần cạn kiện.

 Đó là còn chưa kể đến việc khi một chiếc điện thoại trở nên lỗi thời, hàng loạt các phụ kiện được sản xuất kèm theo cũng sẽ nghiễm nhiên bị loại thải, trong khi hầu hết chúng đều được làm từ các chất liệu khó phân hủy.

Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường - 5

Các loại bao bì nhựa chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường hàng đầu hiện nay. Hành động xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân thiếu ý thức thực chất chỉ là tác nhân phụ, bởi chính sự lạm dụng quá mức các loại bao bì để đóng gói sản phẩm của những công ty sản xuất, hệ thống bán lẻ, đơn vị chuyển phát hay thậm chí là người tiêu dùng mới chính là “gốc rễ” của vấn nạn môi trường này.

Những thói quen tưởng như vô hại lại góp phần hủy hoại môi trường - 6

Một số liệu có thể sẽ khiến bạn phải giật mình: Vào năm 2015, ở Trung Quốc, chỉ tính riêng dịch vụ chuyển phát đã sử dụng 8,27 tỷ túi nilon để đóng gói bưu kiện!

Vì vậy mỗi chúng ta, để bảo vệ môi trường, hãy thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày của mình. Trước hết, bạn có thể giảm lượng túi nilon bằng cách tự mang theo những loại túi “sinh thái” hay giỏ đựng, khi đi mua sắm; ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đóng gói số lượng lớn; hạn chế việc gói quà nếu không thực sự cần thiết…

Minh Nhật

Theo BS