Hà Tĩnh:

Những phận đời xem thuyền là giường, biển là nhà

(Dân trí) - Chỉ khi mùa mưa bão hay dịp Tết Nguyên đán họ mới lên bờ và trở về quê, còn lại, cuộc sống của họ dường như gắn liền với những con thuyền, lênh đênh trên biển.

Tại khu vực Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có khoảng 50 chiếc thuyền khá đặc biệt. Đặc biệt, bởi vì đó không chỉ là công cụ đánh bắt hải sản mà còn được xem như là nhà, nơi sinh hoạt của nhiều gia đình ngoại tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa.

Cuộc sống của những người dân nơi đây khá bình lặng
Cuộc sống của những người dân nơi đây khá bình lặng

Chỉ khi mùa mưa bão hay dịp Tết Nguyên đán họ mới lên bờ và trở về quê. Còn lại cuộc sống họ dường như gắn liền với những con thuyền, lênh đênh trên biển. Cuộc sống của họ khá bình lặng, ngoài thời gian ra khơi đánh bắt hải sản thì họ chỉ quanh quẩn trên thuyền.

Nhưng bên trong sự bình lặng ấy, mỗi gia đình lại là những câu chuyện, những số phận cuộc đời khác nhau.

Anh Ngô Anh Sơn, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An năm nay mới 33 tuổi nhưng đã có gần 18 năm trong nghề đi biển.

Anh Sơn nói: “Năm 15 tuổi, tôi đã theo bố đi biển. Kể từ đó tôi đã “yêu” và gắn bó với nghề đi biển. Hai vợ chồng vào Hà Tĩnh cũng được mấy năm rồi, các con phải gửi cho ông bà nội ở ngoài quê trông coi”.

“Nói đến nghề biển là nói đến vất vả, nguy hiểm, nhưng theo nghề rồi sẽ không bỏ được. Vợ chồng tôi một năm chỉ về quê được vài ba lần. Cuộc sống của vợ chồng chủ yếu sống trên thuyền là nhiều. Chúng tôi xem thuyền là giường, biển như là nhà của mình”, anh Sơn chia sẻ.

Những phận đời xem thuyền là giường, biển là nhà - 2
Những phận đời xem thuyền là giường, biển là nhà - 3
Nhiều đứa bé đã sớm phải rời xa mái trường để theo bố mẹ ra khơi
Nhiều đứa bé đã sớm phải rời xa mái trường để theo bố mẹ ra khơi

Ở đây nhiều đứa trẻ không được đi học hoặc bỏ học giữa chừng để cùng theo bố mẹ đi biển. Tuổi thơ của các em là những chuyến ra khơi hay chỉ quanh quẩn quanh trên chiếc thuyền.

Đang chuẩn bị dụng cụ ra khơi cho bố mẹ, em Lương Văn Chính (SN 2004), quê ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, sau khi học hết lớp 6, em đã nghỉ học, rời quê hương, ra bám biển theo nghề cùng bố mẹ.

“Cứ khoảng tầm 5h chiều em lại đi cùng bố ra biển để đánh ghẹ, cua, đến sáng thuyền mới về. Dù mệt nhọc, nguy hiểm nhưng được bên bố mẹ, được đi biển em vẫn thích”, em Chính hồn nhiên nói.

Hay trường hợp của em Nguyễn Văn Huy (SN 2002), quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học hết lớp 9, Huy đã theo bố mẹ đi biển kiếm thêm thu nhập.

Thậm chí có em bé mới hơn 1 tuổi cũng đã theo bố mẹ rong ruổi trên những con thuyền đi khắp nơi.

Hay bé Đông năm nay mới hơn 1 tuổi cũng đã được bố mẹ cho đi theo rong ruỗi theo con thuyền đi khắp nơi
Hay bé Đông năm nay mới hơn 1 tuổi cũng đã được bố mẹ cho đi theo rong ruỗi theo con thuyền đi khắp nơi

Chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa sửa lưới vừa trông coi bé Đông (SN 2015) cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, không có ai chăm con nên hai vợ chồng đành phải đưa cháu đi theo.

Chị Hoa nói: “Chúng em thường di chuyển liên tục, từ tỉnh này qua tỉnh khác. Chỉ khi vào mùa mưa bão, hay dịp tết chúng em mới lên bờ về quê. Cuộc sống chủ yếu cứ lênh đênh trên biển”.

“Cháu Đông năm nay mới hơn 1 tuổi. Biết cháu còn bé nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có ai trông coi cháu nên vợ chồng em đành phải đưa cháu đi theo. Đôi lúc nghĩ cũng thương con nhưng biết làm sao được. Giờ hai vợ chồng đang cố gắng đánh bắt những mẻ cá cuối cùng để về ăn tết”, chị vừa ôm lấy cháu Đông đưa ánh mắt buồn xa xăm nhìn về phía biển xa.

Những phận đời xem thuyền là giường, biển là nhà - 6
Những phận đời xem thuyền là giường, biển là nhà - 7
Những phận đời xem thuyền là giường, biển là nhà - 8
Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền
Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền

Vào những ngày cuối năm, cuộc sống nơi đây trở nên nhộn nhịp, hối hả hơn. Họ cho biết, đang cố gắng ra khơi để đánh bắt những mẻ cá cuối cùng để lên bờ nghỉ để về quê ăn tết.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh cho biết, tại khu vực tránh bão dành cho các ngư dân ngoại tỉnh có 50 tàu thuyền đánh bắt và trú đậu đa phần là các ngư dân tại Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Ông Sơn cho biết: “Họ thường làm theo mùa vụ, đánh bắt khoảng 2 tháng họ lại di chuyển. Các hộ gia đình sinh sống ngay trên thuyền. Cứ chiều ra biển, đánh bắt cá trong đêm, sáng lại quay trở về”.

“Ở đó có rất nhiều đứa trẻ mới học hết cấp 1 đã nghỉ học ra phụ giúp bố mẹ. Đa phần họ có cuộc sống khó khăn, không đủ tiền để tiếp tục theo học nên phải nghỉ ra biển cùng bố mẹ”, ông Sơn nói thêm.

Chiều xuống, khi những ánh nắng yếu ớt bắt đầu tắt thì đó lại là lúc cuộc sống của những hộ dân này bắt đầu. Những chiếc thuyền nhỏ vượt sóng vươn khơi mang theo nhiều hy vọng về những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm…

Xuân Sinh – Long Trần