Nhận dạng tôm bị bơm hóa chất

(Dân trí) - Không quá khó để người tiêu dùng có thể nhận biết tôm bị bơm tạp chất bởi bề ngoài chúng có nhiều sự khác biệt so với tôm thường.

Dấu hiệu nhận biết

Hầu hết tôm được bơm hóa chất là tôm to, tôm sú hay tôm càng…chúng có phần đuôi xòe ra, phần thân tôm căng mập một cách bất thường. Quan sát kỹ có thể thấy các đốt trên thân tôm thường giãn ra, phần đầu tôm bị phù hơn bình thường, vểnh gai…

Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Tôm bình thường mình tôm mềm, cong. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.

Tôm được bơm hóa chất khi chế biến thường ra nhiều nước, phần thịt teo đi rất nhiều so với ban đầu. Khi ăn, thịt bở và có vị nhạt. Nếu là tôm bị bơm thạch, bột rau câu, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ thấy lớp rau câu giữa phần thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Ảnh 1: Tôm bơm hóa chất sẽ có thân cứng, thẳng đơ, các đốt trên thân bị giãn ra (Ảnh: Internet)
Ảnh 1: Tôm bơm hóa chất sẽ có thân cứng, thẳng đơ, các đốt trên thân bị giãn ra (Ảnh: Internet)

 

Mối nguy hiểm khi ăn phải tôm chứa hóa chất

Theo các chuyên gia cho biết, các chất được bơm vào tôm thường là tạp chất dạng lỏng như bột rau câu, tinh bột,…chúng khiến sản phẩm tiền ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Người ăn phải tôm chứa hóa chất sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, nguồn nước dùng để pha tạp chất để bơm vào tôm thường không phải nước sạch, chủ yếu là nước từ kênh, ruộng…Khi bơm dịch vào tôm, các vi khuẩn cũng được đưa vào cơ thể, người ăn phải dễ bị mắc bệnh.

Không chỉ có tôm bị bơm tạp chất, trên thị trường còn xuất hiện tôm ngâm giữ trong hàn the, ure… làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính.

Phần đuối tôm bơm hóa chất sẽ có phần đuôi xòe ra, phần thân tôm căng mập một cách bất thường (Ảnh: Internet)
Phần đuối tôm bơm hóa chất sẽ có phần đuôi xòe ra, phần thân tôm căng mập một cách bất thường (Ảnh: Internet)

 

Cách chọn tôm tươi ngon

Tôm được bơm hóa chất sẽ chết ngay sau khi tiêm. Do vậy, người tiêu dùng nên chọn tôm tươi sống, còn nhảy và còn đủ chân lẫn càng. Nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn, thịt tôm trong, gắn chặt vào vỏ.

Nếu mua tôm đông lạnh hoặc đã hấp, hãy bắt tôm lên, cầm phần đầu và phần đuôi kéo căng tôm ra. Nếu thấy các phần khớp nối khít lại là tôm tươi mới, còn khớp rời rạc và rộng ra khả năng tôm bị bơm hóa chất hoặc để đông lạnh quá lâu là rất cao.

Với tôm sú, không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể chọn mua tôm nhỏ để phòng trường hợp tôm bị bơm. Bơm tôm nhỏ mất thời gian, khó khăn và ít lãi nên các hộ kinh doanh thường không lựa chọn.

Nhữ Trang