Chuyện về những người Việt "sốc" tâm lý, trầm cảm khi rời Ukraine tị nạn

Minh Nhân

(Dân trí) - 4 tháng đầu sống tại Đức, hai người con trai bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khiến anh Ngô Hải xót xa. Nhiều lần chán nản với cuộc sống mới hậu di tản chiến tranh, anh toan bỏ cuộc.

Những đứa trẻ bị sốc tâm lý hậu di tản chiến tranh

Anh Ngô Hải, chủ một cơ sở in ấn ở miền Tây Ukraine, đã bỏ lại cơ ngơi gần 40 năm gây dựng, đưa gia đình di tản sang Đức hồi tháng 4 sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Họ được Chính phủ Đức hỗ trợ miễn phí căn nhà 3 phòng (tự chi trả tiền điện) và gần 1.500 euro tiền sinh hoạt mỗi tháng. 

Căn nhà vốn không sẵn nội thất, anh Hải dùng khoản tiền trợ cấp lần lượt sắm từng vật dụng, thiết bị tối thiểu như ti vi, tủ lạnh,…

"Cuộc sống ban đầu của chúng tôi đảo lộn hoàn toàn, được hỗ trợ từ những thứ nhỏ nhặt nhất, như bao gạo, con dao,…", nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến Đức, anh Hải cười chua chát. 

Sau 9 tháng, người đàn ông khẳng định đã khôi phục 80% cuộc sống, song vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do rào cản ngôn ngữ.

Chuyện về những người Việt

Những người sơ tán chen chúc lên chuyến tàu khởi hành đến Slovakia từ nhà ga Lviv, phía tây Ukraine, ngày 2/3. (Ảnh: AP).

Theo anh Hải, nhiều người Việt tị nạn sang Đức đã tìm được công việc ổn định, vừa đỡ nhàm chán, vừa giảm gánh nặng xã hội. Riêng vợ chồng anh vẫn đang "vật lộn" với tiếng Đức mong muốn tìm việc làm cũng như dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. 

"Vợ tôi bắt đầu học tiếng từ tháng 11, nhưng tôi dù đã xếp hàng đăng ký chương trình học từ tháng 5 nhưng chưa đến lượt, dự kiến đợi đến tháng 1/2023", anh Hải nói. 

Tiếng Đức là ngôn ngữ rất khó, nhất là với những người có tuổi như vợ chồng anh Hải. Trong khi đó, Đức là quốc gia khắt khe và kiểm soát toàn bộ luật, nếu không cẩn thận, dù một cử chỉ, lời nói hay hành động, cũng có thể bị khép vào hành vi vi phạm pháp luật.

Một khó khăn lớn khác mà nhiều gia đình Việt cũng đang phải đối mặt, chính là hỗ trợ tâm lý cho con cái hậu di tản từ Ukraine. 

Báo cáo hồi tháng 6 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết hơn 5 triệu trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo vì chiến sự ở Ukraine. Đây được xem là hậu quả đối với trẻ em ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy từ sau Thế chiến thứ hai. 

Chuyện về những người Việt

Em bé cùng mẹ trong xe buýt rời Kiev ngày đầu chiến sự 24/2. (Ảnh: AP).

Hai con trai 8 và 15 tuổi của anh Ngô Hải bị "sốc" tâm lý khi cùng bố mẹ di tản từ Ukraine sang Đức. 4 tháng đầu, hai đứa trẻ vốn sinh ra và lớn lên tại đất nước Ukraine bình yên, chưa thể chấp nhận cuộc sống lạ lẫm, nên rơi vào tình trạng "ngẩn ngơ" khiến vợ chồng anh Hải lo lắng.  

"Không riêng con tôi, tất cả trẻ em Ukraine đều bị ảnh hưởng tâm lý. Chúng không hiểu thế nào là chiến tranh, tự hỏi tại sao đang sống bình yên thì buộc phải rời khỏi nơi chúng xem là quê hương để chạy nạn. Chúng nhớ bạn bè, nhớ Ukraine, nhớ căn nhà ấm cúng của mình", anh nói. 

Theo anh, dù tâm lý các con chưa thể ổn định hoàn toàn, nhưng dấu hiệu tích cực là chúng bắt đầu hòa nhập, thích thú đến trường phổ thông cùng trẻ em Đức hay tham gia các buổi đá bóng cuối tuần. 

"Sắp đến lễ Giáng Sinh, chúng lại nhớ nhà, nhớ những gì thuộc về mình, nhớ quê hương Ukraine", anh Hải trầm ngâm. 

Nhiều khi chán nản và muốn bỏ cuộc, khát khao được trở về Việt Nam

Năm 2014, vợ anh Hải sinh con thứ hai trong phát pháo đầu tiên đánh nhau ở vùng Donbass của cuộc xung đột vũ trang. 

"Tôi rất hoảng loạn, nhưng mọi chuyện cứ thế qua đi, tôi cũng quên dần", anh nhớ lại. 8 năm sau, tiếng còi báo động chiến tranh mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" vang lên, một lần nữa, người đàn ông rơi vào khủng hoảng và ám ảnh tột độ. 

Những đợt tên lửa liên tiếp khiến gia đình anh Hải phải chui xuống hầm chung cư lánh nạn. Hai đứa trẻ trong những giấc ngủ đứt quãng buộc theo cha mẹ chạy loạn tránh bom đạn. 

Chuyện về những người Việt

Người mẹ Ukraine khóc bên cạnh các con tại cửa khẩu biên giới Siret, Romania. (Ảnh: Reuters).

Khuôn mặt thất thần, anh Hải lần lượt tiễn nhiều gia đình đi qua nhà mình tìm đường lánh nạn sang các nước khác. Khi anh quay lại, cả một khu vực tràn đầy sức sống trước đây, giờ chỉ còn mỗi gia đình anh. 

"Lúc đấy, tôi càng hoảng loạn hơn", anh kể. Trong vòng vài phút, người đàn ông quyết định thu xếp hành lý, đưa vợ con lên đường sang Ba Lan, may mắn được các chiến sĩ Trường Sa giúp đỡ chỗ ăn nghỉ, động viên tinh thần.

Gia đình 4 thành viên của anh Hải được hỗ trợ vé máy bay từ Thủ đô Ba Lan sang Đức. Ngày 22/4, họ có mặt tại Đức, nhập trại tị nạn chiến tranh đúng quy định pháp luật. Sau đó, họ được cấp một căn nhà 3 phòng gần thành phố Hamburg (Đức) và sinh sống đến nay. 

Trong khi đó, toàn bộ gia đình nhà vợ của anh Hải không đi lánh nạn mà chọn bám trụ tại vùng Tây Ukraine tương đối yên tĩnh. Tuy bị cắt điện luân phiên, nhưng họ cho biết không thiếu lương thực thực phẩm dù bị tăng giá đáng kể. 

Thời gian đầu chiến sự, anh Hải nghĩ con đường di tản chiến tranh cũng chỉ kéo dài vài ba tháng, hy vọng sớm trở về Ukraine. Tuy nhiên mức độ chiến tranh chưa hề giảm đi mà còn mạnh thêm, dập tan giấc mơ đó của anh. Nhiều khi chán nản và muốn bỏ cuộc, anh khát khao được trở về Việt Nam, nhưng lo ngại vợ con hội nhập lâu hơn nên quyết định ở lại châu Âu. 

"9 tháng lánh nạn, chúng tôi nhận ra nước Đức quá bao dung, rộng lượng đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn", anh Hải tâm sự. Nhưng điều anh day dứt và tiếc nuối nhất, vẫn là một đất nước Ukraine hiền hòa, bình yên, nơi anh gắn bó từ năm 1986. 

Chuyện về những người Việt

Những người di tản Ukraine nghỉ ngơi bên trong một khu trại tạm thời tại ga xe lửa ở thành phố Przemysl (Ba Lan). (Ảnh: Reuters).

"Một đất nước tạo điều kiện cho tôi nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung sống và làm việc, thì tại sao không gọi là quê hương thứ hai?

Một đất nước mang đến cho chúng tôi cuộc sống mơ ước với nhà cửa, xe cộ, công việc ổn định, thì tại sao không gọi là quê hương thứ hai?

Bản thân tôi cũng tự nhận Ukraine là quê hương thứ hai của mình, và khi đất nước hòa bình, chúng tôi sẽ quay về", anh khẳng định.