Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung

(Dân trí) - Đang là một ca sĩ triển vọng, rồi bất ngờ phát hiện mình bị ung thư xương, sau điều trị trở thành người khuyết tật. Chàng trai muốn trốn tránh sự giúp đỡ của mọi người và.. chỉ muốn chết.

100% thanh thiếu niên khuyết tật từng có ý định tự vẫn 

Câu chuyện được bạn Nguyễn Phúc Lộc, sinh viên ở TPHCM chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi làm phim ngắn: Người khuyết tật "Chúng tôi hay Chúng ta" do Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD tổ chức tại TPHCM vào ngày 30/8.

TS Võ Thị Hoàng Yến chia sẻ về thực tế nhiều người khuyết tật có ý định tự tử

Lộc kể, cách đây vài năm trước, Lộc từng nhảy xuống hồ tự vẫn và được chính người bạn này cứu. Đây là một người bạn rất có tài, hát hay, đang được đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp thì... bất tai họa ập đến. Bạn phát hiện bị ung thư xương, phải điều trị hết hàng tỷ đồng, cha mẹ bán nhà cửa để điều trị cho con. 

Sau điều trị, bạn trở thành người khuyết tật (NKT). Nhưng rồi bệnh tiếp tục nặng hơn và buộc phải ra nước ngoài điều trị. Bạn bè, người quen kêu gọi sự giúp đỡ trên mạng xã hội.

Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung - 1

Nhiều câu chuyện, tâm tư về người khuyết tật được bộc bạch, chia sẻ 

Trong khi mọi người đang dốc lòng để làm mọi cách để cứu bạn thì người bạn nói với Lộc: "Tao không muốn sống nữa, tao chỉ muốn... Tao không muốn làm khổ bố mẹ, không muốn làm phiền người khác, không muốn sự thương hại". 

Chàng trai không muốn đối diện với với việc bố mẹ không nhà cửa, người khác phải lo lắng cho mình. 

"Mọi người thật lòng muốn làm những gì có thể để giúp đỡ bạn, nhưng làm sao để bạn hiểu đó không phải là sự thương hại?", Lộc đặt câu hỏi về ứng xử với với cú sốc, tâm lý đối với NKT. 

TS Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 cho biết, theo khảo sát của một trường ĐH ở Mỹ về thanh thiếu thiếu niên Việt Nam thực hiện vào năm 2015 thì có đến 100% NKT trong độ tuổi thanh thiếu niên được khảo sát đều từng có ý định... tự tử. 

Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung - 2

TS Võ Thị Hoàng Yến

Bà Yến gặp các bạn NKT trong thực tế cũng có thể ghi nhận điều này, nhất là ở tuổi mới lớn. Kể cả những người bây giờ có thể nói là thành công, trước đây họ cũng đã từng có ý định tự vẫn, chính bản thân bà là một minh chứng. Giải quyết về vấn đề tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần cho NKT là điều rất quan trọng nhưng điều này chưa thật sự được chú ý. 

Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung

Theo thống kê của WHO – 10% dân số là đang là người khuyết tật. Và rằng, cứ mỗi người khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến ít nhất một cá nhân khác thì 20% dân số đang phải đối diện với vấn đề này. Mặt khác, khi người khuyết tật không được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động của nền kinh tế sẽ làm giảm GDP từ 5 đến 7%. 

Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung - 3

Người khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống để có thể hòa nhập vào đời sống xã hội 

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Yến, cho đến nay NKT Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và tham gia vào những hoạt động. Chỉ có 0,1% người khuyết tật tốt nghiệp đại học hay cao đẳng, 30% có công ăn việc làm tạo được thu nhập. 

Rất nhiều NKT vẫn không có được những dụng cụ hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống thường ngày, đại đa số NKT không sử dụng được các phương tiện giao thông công cộng để có thể đi học hay đi làm. NKT rất thiếu một môi trường hoà nhập để trở thành một phần của xã hội.

Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung - 4

"Ở đâu đó, thi thoảng được nghe rằng, "chúng ta" phấn đấu vì một thế giới chung công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. NKT có được bao gồm vào thế giới chung đó không? Họ có được xem là một phần của “chúng ta” không hay họ vẫn vô hình trong thế giới chung đó?”, TS Hoàng Yến đặt câu hỏi và khẳng định, NKT có thể làm tất cả mọi việc như mọi người nếu được tạo cơ hội. 

Phũ phàng nhưng phải nói rằng, không ai có thể khẳng định mình không phải là NKT mà chỉ có thể nói là "chưa khuyết tật". Cuộc sống không thể lường hết những tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bệnh tuổi già,… có thể khiến bất cứ ai trở thành NKT. 

Người khuyết tật còn vô hình trong thế giới chung - 5

Không bỏ ai lại phía sau

Cuộc thi làm phim ngắn Người khuyết tật "Chúng tôi hay Chúng ta" được phát động để lan tỏa những điều tốt đẹp. Cuộc thi mang đến thông điệp “Chúng ta” đang phấn đấu vì một thế giới công bằng và bình đẳng cho mọi người với tinh thần "Không bỏ ai lại phía sau"

Và không chỉ dành cho NKT mà còn như sự chuẩn bị cho tất cả mọi người. Vì nếu không được chuẩn bị sẵn, cho hay những tình huống xấu nhất có thể diễn ra, không chỉ là sự lạc lõng mà có thể dẫn đến dấu chấm hết của một cuộc đời.

Hoài Nam