Nam Định:

Người chuyên “săn” đi sắc phong cổ về…tặng

(Dân trí) - Người ta đi “săn” đồ cổ, sắc phong cổ về một là để chơi, hai là buôn bán kiếm lời, nhưng riêng anh Quang lại bỏ công sức và tiền bạc để đi “săn” đồ cổ, nhờ người có uy tín thẩm định rồi mang đi...tặng.

Người chuyên đi “săn” sắc phong cổ về tặng đó là anh Bùi Văn Quang, ở phường Quang Trung, thành phố Nam Định. Anh Quang vốn là người ham mê sưu tầm sắc phong cổ, nhưng tính anh lại khác với những tay trong nghề. Thông thường người ta đi “săn” sắc phong cổ về là để chơi hoặc buôn bán kinh doanh kiếm những món hời “vớ bở” từ những món đồ này. Nhưng anh lại khác hoàn toàn, anh bỏ công sức mình đi sưu tầm rồi mang đi tặng cho các bảo tàng, nhà trường.

 

Anh Quang tặng lại sắc phong thờ Hoàng đế Lê Đại Hành và Câu Mang Đại Vương Trại Dĩ Ninh, huyện Kim Sơn
Anh Quang tặng lại sắc phong thờ Hoàng đế Lê Đại Hành và Câu Mang Đại Vương Trại Dĩ Ninh, huyện Kim Sơn

 

Vốn là là một viên chức bình thường, nhà cũng chẳng phải thuộc hàng “đại gia” giàu có gì. Vậy nhưng với niềm đam mê cổ vật, hễ có nơi nào có sắc phong, hay cổ vật quý là anh chạy đôn chạy đáo tìm cách mua lại. Sắc phong là thứ cổ vật mà anh mê hơn cả, nhiều lần vì không vay đâu được nữa anh đành trao đổi cổ vật của mình khi thì chiếc trống đồng, khi thì bình gốm hoa nâu để lấy đạo sắc phong.

Sau khi mua được sắc phong cổ anh Quang lại tìm đến những nơi uy tín để thẩm định lịch sử, niên đại, biên dịch nội dung, xác định địa danh rồi tìm nơi phù hợp để đem tặng.

Nói về nhân duyên với thú sưu tầm sắc phong cổ anh Quang chia sẻ: "Việc tôi đến với thú sưu tầm đổ cổ, sắc phong cổ bắt nguồn từ việc phát hiện cái khạp cũ có khắc chữ Hán Nôm của gia đình còn sót lại ở quê, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tôi không biết đọc chữ Hán Nôm, một phần cũng tò mò nên mang đi hỏi một số nơi. Quá trình đó giúp tôi tìm hiểu thêm được nhiều thứ, dần dần hình thành sở thích sưu tầm”.

 

Không chỉ sưu tầm sắc phong, anh Quang sưu tầm cả cổ vật
Không chỉ sưu tầm sắc phong, anh Quang sưu tầm cả cổ vật

 

Những bộ sưu tập đồ cổ của anh Quang khá đa dạng, bao gồm các hiện vật thuộc các nền văn hóa cổ như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm..., đồ ký kiểu (sành sứ) thời nhà Nguyễn, các di sản Hán Nôm... Và đặc biệt là sắc phong cổ.

Từ năm 2009 đến  nay anh Quang đã hiến tặng hơn 200 cổ vật, trong đó sắc phong cổ khoảng hơn 60 bản. Hiện nay anh Quang là hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội viên Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật UNESCO. Mặc cho những lời bàn ra tán vào cho rằng anh là “gã khùng” anh vẫn mặc kệ, vẫn giữ lập trường của mình là sưu tầm được cổ vật sẽ trả về đúng nơi chúng xuất phát hoặc mang đi tặng cho các bảo tàng, trường học, để các cổ vật phát huy hết giá trị lịch sử và thuận lợi cho nghiên cứu khoa học.

 

Anh Quang (bên trái) trong một lần đi tặng sắc phong
Anh Quang (bên trái) trong một lần đi tặng sắc phong

 

Năm 2011, anh  Quang tặng Bảo tàng Nam Định một bức sắc phong thời hậu Lê niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632), để lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị. Năm 2012 anh Quang mang tặng viên gạch thời Lý có ghi dòng chữ “Lý Gia Đệ Tam Đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo”, niên đại 1065 và tờ địa bạ liên quan đến đất đai, lập năm 1937, tặng cho Bảo tàng Nhân học, thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội. Cũng trong năm 2012 anh Quang đã đến Bảo tàng Đà Nẵng, nằm trong khuôn viên di tích quốc gia thành Điện Hải để hiến tặng sắc phong về thành Điện Hải thời vua Minh Mạng năm thứ 21(năm 1840).

Năm 2013 anh Quang tặng đền Bảo Lộc, xã Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định một tấm sắc phong cổ do vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1845. Không những thế, năm 2013 anh Quang đã không quản đường xá xa xôi vào tặng cho bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh hai văn bản cổ về thành Gia Định một là tờ bằng cấp (được hiểu là tờ lệnh) của tả hữu tướng quân dưới triều Minh Mạng đốc thúc quan quân đánh thành Phiên An (tức thành Gia Định), hai là là chiếu chỉ của vua Minh Mạng ban cho hộ vệ Tôn Thất Trực của Ty hộ vệ thuộc Vệ loan giá vào ngày 8 - 7 năm Minh Mạng thứ 16 ( năm1835)....

 

Rất nhiều sắc phong cổ được anh sưu tầm lại
Rất nhiều sắc phong cổ được anh sưu tầm lại

 

Mới đây, anh tìm thấy 2 đạo sắc phong của Trại Dĩ Ninh (nay thuộc xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Hai sắc phong này thờ Hoàng đế Lê Đại Hành và Câu Mang Đại Vương. Anh đã liên hệ với địa phương mang tặng lại 2 tấm sắc phong này.

Ngoài ra, các bảo tàng khác như Vĩnh Long, Hưng Yên, nhiều dòng họ trong cả nước cũng đã được anh Quang tặng cổ vật. Chỉ cần phát hiện đồ cổ mình tìm được có ghi dấu tích lịch sử của dòng họ nào, ở nơi đâu, có mối liên hệ lịch sử nào là anh Quang đều không ngại ngần mang đến tận nơi để tặng lại.

 

Sắc phong thờ Hoàng đế Lê Đại Hành và Câu Mang Đại Vương Trại Dĩ Ninh, huyện Kim Sơn
Sắc phong thờ Hoàng đế Lê Đại Hành và Câu Mang Đại Vương Trại Dĩ Ninh, huyện Kim Sơn

 

Anh Quang tâm sự: “Bây giờ “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ sứ”, người giàu lại có mốt thích sắc phong, chiếu chỉ nên những thứ tôi hiến tặng đều rất có giá. Nhưng khi người ta yêu thích đến say mê một cái gì đó thì sẽ quên đi giá trị vật chất, để cái đó được tỏa sáng, phát huy hết giá trị của mình. Nhiều món đồ tôi vẫn bán hoặc trao đổi cho một số người thực sự yêu thích để lấy tiền đi sưu tầm các món khác”.

Điều trăn trở nhất với anh Quang là nhiều khi tìm được sắc phong cổ, dù liên hệ với nhiều địa phương để tặng lại, nhưng một số nơi chưa đến nhận vì nhiều nguyên nhân. Anh Quang cho biết, nếu không trả lại được đúng nơi ban đầu của các sắc phong, cổ vật, anh sẽ tặng các bảo tàng để lưu giữ lại.

Đức Văn