Nghề cúng thuê nở rộ dịp Rằm tháng Bảy

Dịch vụ thuê thầy cúng đang nở rộ do nhiều gia đình quan niệm, thuê thầy “chuyên nghiệp”, lễ cúng Rằm tháng Bảy của gia đình mình sẽ chu toàn hơn. Chính vì vậy, không ít gia đình không tiếc tiền triệu chi cho thầy cúng. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng: “Việc thuê thầy cúng và đốt tràn lan đồ mã dễ làm tổn thương người đã khuất”.

Bên cạnh những người thành tâm có không ít những người cúng thuê hốt bạc dịp Rằm tháng Bảy.Ảnh: HP

Nghề cúng thuê nở rộ dịp rằm tháng 7

Bỏ thêm tiền để thuê “thầy” ngoài

9h30 sáng, ngày 25/8 (12 Âm lịch) chúng tôi có mặt tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) khi từng đoàn người xếp hàng rồng rắn ngồi chắp tay vái lạy từ trong điện chính cho đến ngoài sân. Trên các ban thờ, hoa, trái cây, lễ mặn bày kín, hương khói nghi ngút. Tuy nhiên, khác với không khí nặng về việc sắm đồ mã ở các gia đình, tại các đền chùa đồ vàng mã bày cúng rất hạn chế. Vàng mã ở trên các mâm lễ chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, khi đến đây xếp hàng cùng khách thập phương, chúng tôi giật mình bởi ngay trong chùa cũng có người nhờ thầy ở bên ngoài vào khấn hộ. Một phụ nữ đứng tuổi, mặc áo nâu quỳ bên cạnh, tay cầm đĩa xin đài âm dương sau khi lầm rầm lạy đầy đủ các thánh thần nói: "Con tâu thay khấn đỡ cho vợ chồng tín chủ….", nói đến đấy bà nhìn vào giấy đọc tên hai vợ chồng tín chủ rồi lại tiếp tục bài khấn dài dằng dặc của mình.

Sau đó, bà thầy tung đài âm dương, mắt trừng trừng nhìn vào đĩa rồi quay sang nói với một nam thanh niên bên cạnh: "Đấy! Các ngài cho rồi nhé, giờ thì tạ các ngài đi”. Bà tiếp tục lục trong túi một bộ bài tây rồi đưa cho anh này nói: "Trai tráo bảy. Gái tráo chín cái". Lân la trò chuyện với thanh niên nọ, anh này bật mí: “Vợ chồng em phải thuê thầy ở ngoài đến đây đấy, các sư trong chùa đã kín lịch, hơn nữa em đến chậm nên nhà chùa đã “chốt sổ” rồi. Chi phí công khấn thầy 500.000 đồng. Nếu để thầy sắm lễ, đầy đủ lễ chay, lễ mặn thì phải bỏ ra 2,5 triệu đồng”.

Mặc dù, lễ giải hạn là hoạt động đầu năm nhưng trong những ngày này nhiều gia đình cũng “tranh thủ” giải hạn luôn. Một “cò” ngồi ở cổng chùa Phúc Khánh hướng dẫn cho chúng tôi: “Hôm nay là lễ “ra Hè” nên các thầy không làm được. Em cứ đến vào ngày thường, nói với thầy là mình thuộc cung gì, sao gì thì thầy sẽ giải hạn cho. Mỗi lần cúng thuê đặt tiền vào đĩa âm dương của thầy, chủ yếu do tùy tâm, có người đặt vài ba chục nhưng cũng có khách đặt vài ba trăm”.

Lễ mọn cũng tiền triệu

Việc cúng không chỉ diễn ra rộn ràng, tấp nập ở các đền chùa mà ở các gia đình cũng đang khá khẩn trương chuẩn bị cho Rằm tháng Bảy.

Bà Nguyễn Thị Thủy ở khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì cho biết: "Theo quan niệm của tôi, ở cõi âm, người đã khuất có cuộc sống giống như trên này nên những món đồ phục vụ cuộc sống dưới đó là rất cần thiết. Thường thì con cháu luôn mong muốn ở dưới suối vàng, ông bà, bố mẹ mình được no đủ, sung sướng hơn. Hơn nữa, một năm có vài ba ngày lễ nên phải làm cho chu đáo, đầy đủ tôi mới yên tâm. Sau khi đã mua sắm đầy đủ đồ lễ, để cho trọn vẹn tránh sơ suất, gia đình tôi mời hẳn thầy về làm lễ cho chuyên nghiệp, chu đáo, chuyện lễ bái không thể tiếc tiền được".

Không phải mình bà Thủy, rất nhiều người không “thạo” việc cúng bái đã rỉ tai nhau thuê thầy cúng về khấn hộ. Vì thế, Rằm tháng Bảy trở thành cơ hội làm ăn của thầy cúng. Là dâu mới, chồng lại là con trưởng trong gia đình, chị Nguyễn Thị Huyền ở ngõ 120, đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy không biết sắp lễ và cúng vái như thế nào, sau khi được một vài người bạn gợi ý, chị quyết định thuê thầy cúng làm cho chu đáo. Theo đó, chị chỉ việc sắm đồ theo danh sách thầy đã liệt kê sẵn. Chị Huyền chia sẻ: "Thuê thầy cúng là chắc chắn nhất, thầy có “nghề” nên làm việc chu đáo, tôi sẽ yên tâm không bị nhà chồng trách cứ. Cứ theo ý thầy làm là chu đáo nhất”. Lịch cúng Rằm tháng Bảy của gia đình chị Huyền phải theo ý thầy, vì những người “nhanh tay” đã đặt trước những ngày cận Rằm tháng Bảy. Theo chị Huyền thì thầy chị thuê khá thạo nghề, đọc vanh vách những đồ lễ cần sắm. Chỉ có điều chị thấy lạ là thầy yêu cầu sắm cả những thứ chị chưa bao giờ thấy mẹ mình cúng. Dù thầy luôn miệng bảo: “Tôi không ủng hộ cách cúng phí phạm của nhiều người". Tuy nhiên, sắm “lễ mọn” theo cách mà thầy yêu cầu cũng đến tiền triệu.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi “ca khấn thuê” thường các thầy không ra giá nhưng phong bì cảm ơn mà gia chủ gửi thầy tối thiểu 500.000 đồng. Đặc biệt, có những lễ cúng cầu kỳ, chỉ riêng tiền công trả thầy đã vài triệu đồng/lần. Ngoài việc chuẩn bị đồ cúng chu đáo, thuê thầy “chuyên nghiệp” nhiều gia đình quan niệm đốt càng nhiều tiền, vàng càng tốt. Vì họ cho rằng, tháng 7 là tháng Âm phủ nên “gửi” đồ cho người cõi âm là thuận tiện và nhận được nhiều nhất nên họ tranh thủ gửi nhiều tiền vàng cho người cõi âm tiêu xài, tích trữ.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích trong Phật giáo về một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật là Tôn giả Mục Kiền Liên. Khi mẹ của tôn giả này qua đời và bị đọa đày. Tôn giả đã cầu xin nhà Phật. Phật chỉ dạy rằng, ngày Rằm tháng Bảy hãy tụng kinh cầu nguyện thì mẹ của ông sẽ được thoát khỏi chốn khổ đau. Từ đó, người ta chọn ngày này để thể hiện lòng biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Để thể hiện tấm lòng của mình thì cách tốt nhất là con cháu nên thành tâm khấn lạy hơn là thuê thầy cúng và đốt nhiều vàng mã. Sính chuyện thuê thầy đôi khi làm tổn thương đến người đã khuất”.

Theo Hà Phương

Gia đình & Xã hội