Mẹ không cho con gặp bố, dì từ chối giữ cháu mùa dịch

(Dân trí) - Từ sau Tết, chị Lam tạm hủy lịch thăm và đưa đón con của chồng cũ để tránh dịch. Ban đầu, chồng cũ chị phản ứng nhưng sau đành chấp nhận với biện pháp tạm "cách ly" của chị.

Cha con gặp nhau qua điện thoại 

Con nghỉ học dài vì tránh dịch Covid-19 nên mới đây, con gái chị Trần Thanh Lam, ngụ ở Gò Vấp, TP.HCM mới từ Phú Yên quay trở về thành phố. Nghe tin con vào, bố cháu vội nhắn tin sang thăm, đến đón bé thì bị chị từ chối. Vợ chồng chị ly hôn từ lâu, nhiều năm qua vẫn duy trì lịch, bố được phép đến thăm, đón con đi chơi 1 - 2 lần/tuần. 

Mẹ không cho con gặp bố, dì từ chối giữ cháu mùa dịch - 1

Trẻ nhỏ vui chơi tại nhà trong đợt nghỉ học tránh dịch bệnh Covid-19

Lúc đầu, chồng cũ chị cự, nói chị vẽ vời lo vớ vẩn. Chị giải thích, bố làm việc trong ngành du lịch, hàng ngày đi khắp nơi cả trong và ngoài nước, gặp gỡ bao nhiêu người không kiểm soát được, cẩn thận không thừa.

Dù con nghỉ học, chị một mình xoay xở với con rất đuối nhưng chị quyết tạm hủy lịch thăm nom, đưa đón con của chồng cũ, bố con tạm không gặp nhau một thời gian. Thấy chị cương quyết, chồng cũ đành chịu. 

"Tôi không lo lắng thái quá hay là người kỹ tính quá mức. Nhưng cái gì mình tránh được cứ tránh, vừa giữ an toàn cho mình và cho những người khác chứ không thiệt đi đâu cả", chị Lam cho biết. Chồng cũ chị chấp nhận, chị cũng nói rõ cho con hiểu về đặc thù công việc của bố cần phải ý thức giữ an toàn cho mọi người. 

Hàng ngày hai bố con gặp gỡ, nói chuyện với nhau qua điện thoại, cùng hẹn hết dịch bố con mình sẽ đi chơi, đi ăn kem.

Chủ động "tự cách ly" 

Chị Đặng Thị Song, thu ngân của một tập đoàn taxi có tiếng, văn phòng tại Q.1, TPHCM kể, hàng ngày chị tiếp xúc, làm việc, trực tiếp thu tiền từ hàng trăm tài xế. Các bác tài thì chở khách khắp nơi từ sân bay, ga tàu, bến xe, khách sạn, bệnh viện... 

Mẹ không cho con gặp bố, dì từ chối giữ cháu mùa dịch - 2

Từ ngày dịch bệnh, chị ý thức đeo khẩu trang, rửa tay liên tục. Có đợt, mua được gel rửa tay giá tốt, chị còn đem tặng nước rửa tay khô tặng các bác tài xế. Với dịch bệnh, theo chị cẩn thận, giữ vệ sinh  là yêu cầu bắt buộc. 

Lâu nay, chiều đi làm về, vợ chồng chị gái thường gửi hai đứa cháu bên nhà nhờ chị Song trông. Nhưng đợt này, chị từ chối giữ cháu, không muốn các cháu nhỏ qua tiếp với mình. Ngay ở chung cư, chị cũng hạn chế qua lại, đi cà phê, "tám" chuyện với mọi người, hạn chế ăn quán và chú ý quan tâm chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng hơn...

Sau Tết, vì lo lắng dịch bệnh, chị đã hủy chuyến đi du lịch đến Malaysia. Nhiều người nói chị làm quá nhưng chị hiểu đặc thù công việc của mình. Với chị, mình cẩn thận chẳng gây hại đến ai, chỉ là thay đổi nếp sinh hoạt, theo chị được nhiều hơn mất.

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho biết, bà vừa kết thúc 2 tuần "tự cách ly " của mình, cho phép mình gặp gỡ những nhóm bạn nhỏ và vẫn tránh tụ tập. 

Đợt Tết vừa rồi bà cùng chồng con về quê, đi đây đi đó nhiều nơi, tàu xe, máy bay... nhưng thời điểm đó chưa để ý, bà không đeo khẩu trang, cũng cẩn trọng trong tiếp xúc. 

Quay về TPHCM, đúng lúc vấn đề dịch bệnh được quan tâm, bà cùng các thành viên trong gia đình đã chủ động "tự cách ly", tránh tụ tập, tránh những nơi đông người, tránh gặp gỡ. Vì sự an toàn của mình, gia đình và của cả cộng đồng, vì không ai biết liệu mình có bị hay không. Cũng may, con nghỉ học, mẹ nghỉ dạy nên mọi việc khá thuận lợi.

Mọi người chăm chút cuộc sống gia đình, cùng tập thể dục, tự nấu ăn, đọc sách, cha mẹ con cái dành nhiều thời gian cho nhau. Với chuyên môn của mình, bà còn nhận tư vấn tâm lý online miễn phí, livestream đọc sách cùng rất nhiều việc khác mà cuộc sống hàng ngày, có khi bận rộn quá làm không kịp. 

Mẹ không cho con gặp bố, dì từ chối giữ cháu mùa dịch - 3

Nhiều thói quen trong sinh hoạt được điều chỉnh từ tác động của dịch bệnh Covid-19

Cũng có người nói bà cẩn thận quá mức nhưng bà Thúy bày tỏ quan điểm, đối với vấn đề dịch bệnh, cẩn thận tối đa cũng không bao giờ thừa. Giữ cho mình tâm thế bình tĩnh nhưng không được chủ quan.

Dịch bệnh Covid-19 ít nhiều tác động đến ý thức, nhận thức của mỗi người, trong đó có những thay đổi tích cực. Từ trẻ nhỏ đến người lớn ý thức hơn việc bảo vệ sức khỏe, giữ vệ sinh như đeo khẩu trang, rửa tay, tập thể dục, che khi ho, hắt xì...

Các nếp sống văn minh được nhiều người chú ý như không khạc nhổ bừa bãi, hạn chế nói chuyện, nói lớn trong thang máy; hạn chế tụ tập, hàng quán nếu không cần thiết, mỗi người biết chăm chút cuộc sống gia đình hơn bằng những bữa cơm sum vầy. 

Hoài Nam