Mang Trung thu sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

(Dân trí) - Giữa tiết trời thu, khi dòng người đang đổ về những con phố đông đúc để sắm sửa, dạo chơi, thì một xóm trọ nhỏ nằm dưới cầu Long Biên lại khá tách biệt. Nơi đây có những số phận trôi nổi, có những đứa trẻ chỉ quanh quẩn giữa những thùng các tông và các sọt hoa quả rỗng,…

Hôm nay, xóm trọ nghèo rộn rã hẳn lên bởi biết tin sẽ có một nhóm tình nguyện trẻ đến phát quà và tổ chức Trung thu. Người lớn nhanh tay hoàn tất công việc thường ngày, trẻ con háo hức chạy tới chạy lui, ra đón từ đầu ngõ. Ai cũng cảm thấy phấn khởi, vui mừng.

Xóm trọ nghèo nàn, nằm ngay dưới cầu Long Biên
Xóm trọ nghèo nàn, nằm ngay dưới cầu Long Biên

Nằm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 2 km, xóm trọ Long Biên khiến người ta liên tưởng tới một “khu ổ chuột” nhếch nhác, khắp nơi đầy ruồi và ngập một mùi ẩm mốc. Trong khu trọ nhỏ xíu, hàng trăm người cùng sinh hoạt, cùng sống dựa vào nhau, chia sẻ mọi buồn vui.

Những ngọn đèn lay lắt trước gió

Trong căn nhà vỏn vẹn 10m2 của bà Bình (Bắc Ninh), phải đến 3/4 diện tích bị chiếm trọn bởi những thùng các tông, vỏ lon rỗng, giấy vụn.

Kể về những người bạn già quanh đây, bà tâm sự “Ở đây mỗi người 1 cảnh, nhưng nhìn chung là vất vả về cuối đời. Ai chẳng muốn an nhàn tuổi già, nhưng cái số nó vậy…”

Người trẻ, người già trong xóm trọ này hầu hết đều trông vào chợ Long Biên để kiếm sống. Hàng sáng, bà Bình đun vài siêu nước mang ra chợ. “Bây giờ ai cũng bon chen. Phải đợi người ta bán hết hàng, vãn vãn đi thì may ra mới có chỗ mà ngồi”.

Vừa day những vết chai trên bàn tay nhăn nheo, bà Bình vừa kể bằng giọng buồn: “Trời mà thương, cho ngày nắng ráo thì bán được vài chục. Nhưng có hôm vừa đun nước xong, trời đổ mưa thì coi như lỗ vốn. Cũng không biết làm thế nào, đành chịu.”

Bà Nhâm (Thanh Hóa) mới dọn về xóm trọ được 1 tháng. Trước đó, bà hầu như ngủ ngoài đường, hôm trải chiếu gần ga Hàng Cỏ, hôm khác lại ngủ nhờ ở hè của các đồn công an.

Toàn bộ “tài sản” của bà Nhâm
Toàn bộ “tài sản” của bà Nhâm

Khi nghe nhắc đến quê nhà, bà ngẩn người ra một lúc rồi cất lời, giọng run run: “Bà kiếm sống bằng chút giấy vụn, đồng nát. Nào có được bao nhiêu. Mỗi tháng thuê nhà tận 700.000 đồng. Trả tiền nhà xong chả dám về quê nữa. Mọi năm ngủ lang thang còn có tí tiền về quê. Năm nay có được mái nhà thì…

Những dịp trung thu thế này, chỉ mong được gặp con gặp cháu, được nhìn chúng nó một lúc, nghe hát ê a vài câu. Nhưng cứ quanh quẩn với đồng tiền mãi thế này, chả biết đến bao giờ….”.

Nhìn dáng bà liêu xiêu trong buổi chiều thu, chẳng mấy ai mà không xót xa, không thương cảm.
Nhìn dáng bà liêu xiêu trong buổi chiều thu, chẳng mấy ai mà không xót xa, không thương cảm.

Những đứa trẻ nơi đây vẫn có may mắn được đi học, tuy nhiên, tương lai lại chẳng mấy sáng lạn.

Hai anh em túm tụm quanh túi đồ chơi hỏng bị bỏ ngoài đường
Hai anh em túm tụm quanh túi đồ chơi hỏng bị bỏ ngoài đường

Hai anh em Hải theo sát chân nhóm tình nguyện đến khắp mọi nhà trong xóm trọ. Tuy học lớp 2 nhưng cả hai đều nói không sõi, thậm chí gặp khó khăn trong việc hiểu và tiếp thu.

Nhà My có 3 chị em, My là đứa lớn nhất, năm nay lên 3 tuổi. Bố mẹ đều trẻ, nhà lại nghèo, không có điều kiện gửi con đi nhà trẻ.

Mang Trung thu sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh - 5

Hàng ngày, 3 đứa trẻ quẩn quanh trong xóm trọ ngập rác, chơi cùng dê và mặt mũi lúc nào cũng đen nhẻm. Chỉ có ánh mắt các em là vẫn đẹp, vẫn trong veo sự hồn nhiên của trẻ thơ.

“Trung Thu năm nay được đầy đủ, vui quá !”

Mệt mỏi đẩy chiếc cửa gỗ tạm bợ, để lộ ra căn nhà đơn sơ, bà Bình mắt rưng rưng khi nhận được túi gạo cùng chút bánh kẹo từ nhóm tình nguyện: “Cảm ơn trời phật, cảm ơn các cháu. Cứ được cho gạo là sướng lắm, coi như mấy bữa không phải đi vay gạo nữa rồi. Mà người ta cũng làm gì có cho vay mãi, cùng những nhà nghèo với nhau cả”.

Mang Trung thu sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh - 6

Mang Trung thu sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh - 7

Nhìn các bà, các cháu hân hoan với mâm cỗ trung thu mà nhóm tình nguyện chuẩn bị, những người trẻ trong xóm cũng vui lây. “Trung thu cũng muốn tổ chức lắm, nhưng làm gì có ai có tiền. Ở quê thì còn tình làng nghĩa xóm, mỗi người 1 ít cây nhà lá vườn là thành cỗ, chứ ở đây, ai cũng tối mặt mà chẳng đủ ăn. Các anh chị tổ chức cho thì có thôi, chứ không chúng tôi cũng chả biết Trung thu là gì”, một chị trong xóm trọ ngậm ngùi.

Nụ cười khi được ngắm nhìn những quả bóng bay trong mơ
Nụ cười khi được ngắm nhìn những quả bóng bay trong mơ

Cầm con “chườn chườn” trên tay, cô bé 3 tuổi chạy đi khoe khắp xóm
Cầm con “chườn chườn” trên tay, cô bé 3 tuổi chạy đi khoe khắp xóm

Mấy đứa nhỏ mân mê từng chiếc kẹo, thích thú vì được cầm trên tay những quả bóng hình bông hoa, con gấu. Mẹ bé My vừa cắm cúi làm nốt công việc vừa nói: “ Hàng ngày vẫn nhìn thấy mấy quả bóng thế này, cũng muốn mua cho con nó chơi mà toàn 10.000-20.000 một quả. Hôm nay thì thích rồi, khỏi phải ước mong. Trung thu thế này là đầy đủ quá rồi”.

Tiến- trưởng nhóm tình nguyện chia sẻ: “Mọi người ở đây khổ lắm chị ạ. Hàng tháng em vẫn mang gạo, mang cơm đến phát cho các bà. Tuy chẳng đáng là bao, cũng chưa thể xóa đi nỗi lo toan thường nhật, nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười và ánh mắt cảm động của các bà, các em nhỏ nơi đây, em lại cảm thấy hạnh phúc và muốn giúp mọi người nhiều hơn.”

Bài &ảnh: Hoàng Ngọc