An Giang:

Làng mộc Chợ Thủ tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động

(Dân trí) - (Dân trí) Từ lâu làng mộc Chợ Thủ (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) đã vang danh khắp miền Tây bởi thâm niên cũng như chất lượng sản phẩm nơi đây. Hiện nay làng mộc tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động tại địa phương và có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Những người thợ ở Chợ Thủ phần đông được học nghề từ nhỏ theo lối cha truyền - con nối. Với tinh thần cần cù, với đôi bàn tay khéo léo, với trí thông minh sáng tạo tuyệt vời... người dân Long Điền đã hãnh diện về các mặt hàng gỗ do chính bàn tay mình sản xuất.

Từ năm 1990 đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước ta nên một số cơ sở có quy mô sản xuất lớn, được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại đã hình thành và phát triển. Vã lại, lúc bấy giờ nền kinh tế phát triển ổn định, nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng hàng trang trí nội thất tăng cao… Từ đó, nhiều trại mộc lớn-nhỏ được hình thành trở lại, thu hút nhiều thợ lành nghề làm việc để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với những mặt hàng gỗ thiết yếu trong gia đình, như tủ, bàn ghế,... các tác phẩm điêu khắc khác đã làm nên tên tuổi cho làng mộc Chợ Thủ
Với những mặt hàng gỗ thiết yếu trong gia đình, như tủ, bàn ghế,... các tác phẩm điêu khắc khác đã làm nên tên tuổi cho làng mộc Chợ Thủ

Nghệ nhân chạm khắc gỗ Ba Hiệp ở làng nghề Chợ Thủ cho biết: “Nghề mộc ở Chợ Thủ, xã Long Điền A đã và đang khôi phục và phát triển thật nhanh chóng. Nguyên liệu chính là cây gỗ, người sản xuất tự mua theo khả năng hoặc mua từ thành phố Hồ Chí Minh hay mua ngay chính gốc ở các rừng cây cho phép khai thác... các hộ làm nghề mộc cũng tự lập những trại cưa riêng để chế biến gỗ theo yêu cầu của từng cơ sở cho thích nghi với việc làm của mình tuỳ theo kích thước sản phẩm. Các xã khác trong huyện Chợ Mới cũng lần lượt khôi phục nghề mộc với nhiều sản phẩm dồi dào, cung cấp một khối lượng khá lớn cho xã hội. Do đó, thị trường tiêu thụ mộc ở Chợ Mới tương đối rộng lớn!

Để giúp làng mộc Chợ Thủ phát triển, An Giang đã đầu tư 500 triệu đồng kéo điện 3 pha cho làng nghề hoạt động; huyện Chợ Mới hỗ trợ cho 17 hộ vay 340 triệu đồng thay đổi máy móc, thiết bị; chương trình khuyến công và ứng dụng khoa học - kỹ thuật của tỉnh hỗ trợ gần 70 triệu đồng vốn 4 hộ và thành lập tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ… Những người mới vào học nghề được chủ cơ sở và các nghệ nhân chỉ dạy tận tình mà không phải tốn một khoản học phí nào…

Riêng các chủ cơ sở không ngừng thay đổi cách làm, đầu tư máy cưa xẻ gỗ, sử dụng chủ yếu là nhóm gỗ tốt như: giáng hương, cẩm lai, bên, trắc, thao lao… để làm ra sản phẩm cao cấp có giá từ 2,5 - 50 triệu đồng/sản phẩm.

Ngoài kiểu dáng đẹp thì chính chất lượng gỗ của những sản phẩm cũng làm cho làng mộc Chợ Thủ vang danh khắp miền Tây. Nhờ đó đã tạo công ăn việc làm cho 2.500 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.
Ngoài kiểu dáng đẹp thì chính chất lượng gỗ của những sản phẩm cũng làm cho làng mộc Chợ Thủ vang danh khắp miền Tây. Nhờ đó đã tạo công ăn việc làm cho 2.500 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.

Bà Trần Thị Thu - chủ cở sở mộc Thu Thanh cho biết: “Sản phẩm trang trí nội thất của các cơ sở do tự nghệ nhân vẽ, chạm khắc nhập tâm, thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng nhát búa, động tác đụt, đẻo, gọt... Mỗi sản phẩm mộc trang trí qua chạm khắc, tô đậm thêm vẻ đẹp và tạo “hồn” cho khúc gỗ vô tri. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở mộc ở đây ngày càng khẳng định thương hiệu, nổi tiếng nhờ sự chạm khắc khéo léo, sắc xảo, phong phú và đa dạng, phục vụ trang trí nội thất, như: Tủ, giường, bàn, ghế, khung hình, bao lam, thành vọng, đế thờ, khánh thờ, chân đèn, tượng Phật và những bức phù điêu theo trường phái mỹ thuật Tây Âu như: các bé hài đồng nghịch ngợm, tượng thần vệ nữ và các doanh nhân trong lịch sử…”.

Theo thống kê, làng mộc Chợ Thủ hiện có hơn 20 cơ sở chạm trổ với trên 45 lao động, nghề tiện gỗ có gần 10 cơ sở, thu hút khoảng 30 lao động. Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, đẹp mắt nên đã thu hút được nhiều khách hàng và mở rộng thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và Campuchia và sản phẩm làm ra không đủ bán. Bình quân mỗi năm doanh thu làng nghề khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Những dịp Lễ, Tết... các mặt hàng gỗ cẩn, hoành phi, câu đối được tỏa đi khắp nơi trong nước. Ngoài số khách hàng trực tiếp đến tận nơi mua, sản phẩm mộc ở huyện Chợ Mới còn theo đường xe đi Long Xuyên, Châu Đốc... theo đường thủy xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu xa xôi hoặc ngược lên thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương hay ra tận miền Trung, miền Bắc...

Huyện Chợ Mới hiện có 13 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của UBND tỉnh An Giang. Trong đó, có 8 làng nghề truyền thống và 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Làng nghề Mộc và Chạm khắc gỗ Chợ Thủ đã được công nhận từ năm 2006. Hiện nay làng nghề mộc Chợ Thủ có hơn 1.000 hộ tham gia, với trên 2.500 lao động và trên 200 cơ sở lớn, nhỏ. Đầu ra tốt, lao động có việc làm quanh năm và thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Trọng Trung