Khi thiếu gia “chơi sang” mua sắm thời khủng hoảng

(Dân trí) - Nền kinh tế suy thoái năm thứ 2 liên tiếp, hầu hết người Nga đều cắt giảm chi tiêu. Nhưng chàng thiếu gia 25 tuổi nổi tiếng ăn chơi ở xứ sở Bạch Dương lại cho rằng đây là cơ hội hoàn hảo để “tậu” siêu xe và đồng hồ sang chảnh.

Yaroslav Gafurov, chàng thiếu gia 25 tuổi, không e ngại khi tiết lộ chỉ trong năm 2015 đã chi tới 1 triệu USD để mua một loạt siêu xe mới, trong đó có một chiếc Roll-Royce trị giá 250.000 USD và một số mẫu xe sang Bentley, trong đó có một chiếc vẫn còn đang đặt hàng phải phải chờ xuất xưởng. Chàng trai trẻ này cũng sở hữu một bộ sưu tập siêu xe thuộc dòng cao cấp nhất của các hãng xe hơi nổi tiếng của Đức, là Mercedes và BMW. Thú chơi sang của chàng thiếu gia còn khiến nhiều người choáng váng khi chi tới 70.000 USD để mua những chiếc đồng hồ sang chảnh nhất trên thế giới.

“Khủng hoảng không ảnh hưởng tới việc chi tiêu hàng ngày hay thói quen du lịch của tôi”, Gafurov cho biết. Chàng tỷ phú trẻ này cho hay công ty luật của mình đã khởi sắc trong cuộc khủng hoảng nền kinh tế đang nhấn chìm nhiều doanh nghiệp Nga.


Yaroslav Gafurov và một trong những siêu xe của mình.

Yaroslav Gafurov và một trong những siêu xe của mình.

Những dân chơi như Gafurov đã giúp các thương hiệu hạng sang ghi nhận sức mua tốt nhất từ trước đến nay tại Nga trong năm 2015 mặc dù doanh số bán lẻ giảm tới 10%. Trong khi đó, khoảng một nửa dân số Nga gần như không có tiền để mua sắm những vật dụng khác ngoài thức ăn và vật dụng cơ bản.

Một số thương hiệu hạng sang đang đặt cược vào xu hướng tiêu dùng tại Nga sẽ gia tăng và đó chính là lý do vì sao nhiều cửa hàng xa hoa đã bắt đầu mọc lên tại thủ đô nước Nga, từ Bulgari, Jimmy Choo cho tới Hermes. Thương hiệu xa xỉ Hermes vừa tăng gấp đôi diện tích cửa hàng tại xứ sở Bạch Dương.

“Doanh số bán hàng không chỉ tăng ở đồng rúp mà còn tăng ở ngoại tệ mạnh. Nhiều người giàu ở Nga đã cắt giảm chi phí cho các chuyến du lịch châu Âu để dành tiền mua sắm”, Alexander Pavlov, Phó chủ tịch Mercury, đại lý bán lẻ các thương hiệu cao cấp lớn nhất tại Nga, cho hay.


Các nhãn hiệu thời trang cao cấp tiếp tục ghi nhận mức tăng doanh số.

Các nhãn hiệu thời trang cao cấp tiếp tục ghi nhận mức tăng doanh số.

Nhãn hàng Prada cũng cho biết năm ngoái, doanh số tại Nga của hãng tăng đáng kể. Nga là thị trường lớn nhất tại châu Âu của hãng siêu xe Rolls-Royce. Sự phân hoá giàu nghèo tại Nga ngày càng hiện rõ khi số liệu của chính phủ nước này cho hay có khoảng 4 triệu dân đã rơi xuống ngưỡng quá nghèo.

Chỉ trong 2 thập kỷ qua, Nga đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng giới nhà giàu cho rằng đây là dịp để họ mua sắm những hàng hiệu cao cấp và xem như đó là kênh tích trữ tiền an toàn nhất.


Hermes tăng gấp đôi diện tích cửa hàng tại Nga.

Hermes tăng gấp đôi diện tích cửa hàng tại Nga.

Vladimir Kholyaznikov, Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ các nhãn hiệu cao cấp KupiVIP Group, cho biết đơn đặt hàng đã tăng 55% so với năm trước đó.

“Thói quen mua sắm của giới nhà giàu thật khó có thể từ bỏ. Thậm chí trong thời buổi khó khăn, vẫn có nhiều người sẵn sàng chi nửa triệu rúp để đi mua sắm”, Maria Vakatova, một đối tác của Watcom Group, công ty tư vấn bán lẻ của Nga, nhận xét.

Các nhà bán lẻ thời trang đều cho rằng túi xách, giày dép đắt tiền là những vật dụng bán chạy nhất trong thời kỷ khủng hoảng ở Nga. Riêng Michael Kors đã liên tiếp mở 4 cửa hàng tại nước này trong năm 2015. Trong khi đó, những thương hiệu giày giá rẻ lại gặp khó khăn vì chi tiêu của người dân thắt chặt.

“Tôi thích các nhãn hiệu, như Gucci, Chopard và Galliano, và tôi không muốn chuyển qua các hãng rẻ tiền hơn”, bà Irina Valiulina, 42 tuổi. Bà cho biết thu nhập của bà chủ yếu từ công ty bất động sản. “Nếu tôi có ít tiền hơn thì tôi cũng sẽ giảm số lượng cần mua chứ tôi sẽ không đổi sang nhãn hàng giá rẻ hơn”.

Trong khi đó, nhiều nhãn hàng cao cấp cho biết khách du lịch Trung Quốc vốn tăng mạnh tại Nga trong 2 năm qua cũng góp phần đẩy doanh số các mặt hàng xa xỉ do chênh lệch tỷ giá nên mua hàng tại Nga sẽ rẻ hơn tại Trung Quốc.

Khôi Linh