Khi “gió mùa về”...

(Dân trí) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 29/10, bộ phận không khí lạnh sẽ tiếp tục di chuyển và ảnh hưởng đến các tỉnh nước ta. Trước sự thay đổi của thời tiết, mỗi người cần tự tạo nên “lá chắn” bảo vệ, không để sức khỏe bị ảnh hưởng khi tiết trời chuyển lạnh.

Mặc đủ ấm

Việc giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh là việc làm quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe. Chỉ cần một bộ phận bị nhiễm lạnh cũng có thể gây ra các bệnh về hô hấp, cảm cúm,... Vì thế, các bạn cần trang bị sẵn cho mình những bộ quần áo dày dặn, đủ ấm để có thể sử dụng ngay khi trời chuyển lạnh.

Giữ ấm cơ thể là việc làm cần thiết nhất khi gió mùa về.
Giữ ấm cơ thể là việc làm cần thiết nhất khi gió mùa về.

Các bộ phận dễ bị nhiễm lạnh nhất là phần cổ, bàn chân, tai, vùng đầu, nên cũng đừng quên những phụ kiện giữ ấm như mũ, khăn quàng, tất, găng tay,…

Ở những ngày trời mới chuyển lạnh, cơ thể có thể chưa thích nghi ngay lập tức, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân. Thời điểm cần chú ý là ban đêm, lúc đi ngủ và khi tắm. Nếu có điều kiện, bạn nên trang bị trong phòng tắm hệ thống bình nóng lạnh và lắp đặt các loại đèn sưởi để làm ấm trong những ngày thời tiết lạnh giá.

Ăn uống đủ chất và ăn đồ ấm nóng

Một cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt mới có thể chống chọi được với thời tiết giá lạnh. Ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Hạn chế ăn đồ ăn lạnh dễ khiến cơ thể bị lạnh.

Khi “gió mùa về”... - 2

Bên cạnh việc ăn đủ chất, uống đủ nước mỗi ngày, các bạn nên chọn các món ăn ấm nóng. Trong điều kiện nhiệt độ lạnh, các món ăn ấm không chỉ dễ ăn hơn mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, một chút gia vị cay như tiêu hay ớt trong bữa ăn cũng có tác dụng rất tốt đối với cơ thể trong những ngày này.

Không tắm quá lâu

Tắm quá lâu, tắm nước lạnh khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Trong những ngày trời lạnh, các bạn cần tăng nhiệt độ nước tắm, tắm trong phòng kín gió và tuyệt đối không nên tắm quá lâu.

Đặc biệt, nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, bạn cũng nên hạn chế tắm nhiều, có thể chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày 1 lần là đủ.

Không ra ngoài quá sớm hoặc quá muộn

Nhiệt độ ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn thường rất lạnh, không những thế còn có những cơn gió mạnh, gió độc. Việc ra ngoài trong khoảng thời gian này sẽ khiến cơ thể bị cảm lạnh, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và còn có thể gây méo miệng… Thậm chí, một số trường hợp sức đề kháng quá yếu, trẻ em hoặc người già nếu ra ngoài trong điều kiện như vậy còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Đặc biệt chú ý phòng bệnh ở trẻ nhỏ và người già

Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Còn đối với những người già, người có thể trạng yếu, cơ thể khó chống chọi với nhiệt độ lạnh nên thường gặp các bệnh về huyết áp, tim mạch, xương khớp. Để đảm bảo sức khỏe, phòng bệnh hiệu quả cho trẻ em và người cao tuổi, cần chú ý thực hiện những biện pháp sau đây:

• Đối với trẻ em:

- Cho trẻ vui chơi nơi kín gió. Chú ý môi trường thông thoáng đề phòng vi rút gây bệnh hô hấp phát tác.

- Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Cha mẹ chú ý không để trẻ toát quá nhiều mồ hôi khi chơi đùa. Nếu trẻ có biểu hiện ốm, sốt, mệt mỏi... thì không nên cho ra ngoài trời chơi.

• Đối với người già:

- Kiểm soát huyết áp của mình, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ.

- Để phòng bệnh tăng huyết áp, người già nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng; ăn nhiều rau quả tươi; uống các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C và uống đủ nước.

- Tập luyện đều đặn giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp. Tuy nhiên, khi tập thể dục, người cao tuổi cũng phải chọn chỗ kín gió, nên mặc áo khoác và tập luyện sao cho vừa sức mình.

Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

Những dấu hiệu bất thường như cơ thể tím tái hoặc rét run, co giật, không nói được, méo miệng... là những dấu hiệu khi cơ thể bị nhiễm lạnh nghiêm trọng và không thể coi thường.

Khi “gió mùa về”... - 3

Nó có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng như sốt cao, co giật, hôn mê nguy kịch và dẫn tới tử vong. Vì thế, khi có các dấu hiệu bất thường, bạn nên ủ ấm người bệnh và nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ ngay.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp