Khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng lũ: Những tấm lòng đồng cảm, thấu hiểu

Mặc dù lũ đã rút, song hậu quả của nó vẫn hằn trên từng thân cây, mái trường, ngôi nhà của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền Trung vốn đã khó, đã khổ nay càng thêm bộn bề khó khăn khi còn bị mắc dịch bệnh, ốm đau do hậu quả ô nhiễm môi trường, nguồn nước sau lũ.

Với mong muốn giúp người dân vùng bị thiệt hại sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, Đoàn Thanh Niên, Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng với sự đồng hành của công ty Dược phẩm Hoa Linh đã tổ chức đoàn công tác đi khám bệnh phát thuốc và tặng quà cho bà con tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.

Sáng sớm ngày 27/10, đoàn xe cứu trợ nhóm các bác sĩ, dược sĩ và tình nguyện viên đã có mặt tại thôn Công Hòa, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cả thôn chỉ có hơn 300 hộ dân với khoảng 1.600 nhân khẩu đang sinh sống tại đây nhưng đây là một trong những thôn của huyện Quảng Trạch chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ lụt vừa qua (bởi vị trí địa lý của thôn này nằm trên một cồn đất nổi giữa sông Gianh). Chính vì thế, khi lũ về giữa đêm bà con đã không kịp trở tay. Chị Hoàng Thị Thanh (49 tuổi) - một người dân của thôn vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại với chúng tôi: “Cả nhà vừa tắt đèn đi ngủ chưa được bao lâu thì lũ ập về, lúc đó tôi chỉ kịp nhìn thấy đồng hồ điểm 1h sáng. Không kịp trở tay nên cả nhà mấy mạng người chỉ kịp leo lên mái nhà trốn lũ dưới trời mưa gió quất. Còn lương thực hay đồ đạc không kịp thu vén gì cả. Đến khoảng 4h sáng thì nước lũ mới bắt đầu rút thì mọi người trong nhà đều lả đi về lạnh và đói, đặc biệt là bố mẹ tôi và mấy đứa nhỏ sau đó đều bị đổ bệnh cả”. Những ngày sau đó, để sớm ổn định cuộc sống, chị Thanh cũng như tất cả mọi người dân trong thôn lại dầm mình dưới nước bẩn để thu dọn dựng lại nhà cửa đổ nát, cũng như ngược xuôi mưu kế sinh nhai hàng ngày khi các đàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi hết …


Đoàn đã trao tặng gần 500 suất quà cho các gia đình bao gồm: Mì tôm, gạo, nước uống, nước mắm, khăn mặt…

Đoàn đã trao tặng gần 500 suất quà cho các gia đình bao gồm: Mì tôm, gạo, nước uống, nước mắm, khăn mặt…

Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết bà con trong thôn đều bị nhiễm bệnh do tiếp xúc nguồn nước bẩn và môi trường bị ô nhiễm như bệnh nước ăn chân tay, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt…(trong khi đó, thôn lại không có quầy thuốc hay trạm y tế). Theo bác sĩ Trần Đình Trung – Phó bí thư Đoàn trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng (thành viên trong đoàn bác sĩ khám và phát thuốc cho người dân thôn Công Hòa), mặc dù đã có cuộc khảo sát trước đó tình hình dịch bệnh tại thôn vào ngày 22/10 nên ban đầu chúng tôi dự kiến sẽ thăm khám cho khoảng 400 người dân của thôn nhưng thực tế qua buổi khám bệnh từ 7h30 sáng đến bây giờ (12h30 ngày 27/10), chúng tôi đã khám cho gần 600 người. Đa số họ bị các bệnh do nguồn nước bẩn (nước lũ) gây ra như bị các bệnh về mắt (viêm kết mạc), da liễu (viêm da, nấm kẽ chân tay, ghẻ), viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm đường tiết niệu ở phụ nữ, bệnh đường tiêu hóa (đau bụng tiêu chảy, viêm loát dạ dày tá tràng), bệnh cơ xương khớp (thoái hóa khớp chân tay, cột sống)… “Sau khi thăm khám, chúng tôi đã phát thuốc cho bà con theo đơn hoặc những loại thuốc dùng để phòng tránh các bệnh sau lũ gây ra. Cụ thể, ngoài phát thuốc kháng sinh, hạ sốt, thuốc bôi ngoài da… chúng tôi còn phát thuốc nhỏ mắt, vitamin tổng hợp, siro ăn ngon cho trẻ, thuốc đau bụng, dung dịch vệ sinh phụ nữ Dạ Hương, kem đánh răng Ngọc Châu… nhằm tư vấn và khuyến khích người dân có ý thức tự vệ sinh cá nhân được tốt hơn nữa”- bác sĩ Trung cho hay.

Còn chia sẻ về chương trình khám bệnh phát thuốc và tặng quà cho bà con vùng lũ, bà Nguyễn Thùy Dung – đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh chia sẻ: Trên cơ sở năng lực chuyên môn của đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho con người, chúng tôi ý thức được những sự cố, hậu quả sau lũ thường để lại cho người dân về mặt sức khỏe vô cùng lớn, nên khi trường ĐH Kỹ thuật Y- Dược Đà Nẵng phát động và mời tham gia cùng tổ chức chương trình này, chúng tôi đã hưởng ứng và chọn địa điểm mà bà con ở đó còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế để giúp chăm sóc sức khỏe kịp thời kịp thời. Đây là một trong các hoạt động từ thiện xã hội mà Công ty chúng tôi trực tiếp thực hiện hoặc tham gia hàng năm . Việc làm này không những nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội cho cán bộ công nhân viên công ty mà thực sự là việc có ích đóng góp cho cộng đồng và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng lũ: Những tấm lòng đồng cảm, thấu hiểu - 2
Khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng lũ: Những tấm lòng đồng cảm, thấu hiểu - 3
Khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng lũ: Những tấm lòng đồng cảm, thấu hiểu - 4

Các bác sỹ, dược sỹ đã khám bệnh và phát thuốc cho gần 600 người dân, cơ số thuốc bao gồm: Thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi trị bệnh ngoài da, thuốc trị tiêu chảy, kem đánh răng, dung dịch vệ sinh….

Các bác sỹ, dược sỹ đã khám bệnh và phát thuốc cho gần 600 người dân, cơ số thuốc bao gồm: Thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi trị bệnh ngoài da, thuốc trị tiêu chảy, kem đánh răng, dung dịch vệ sinh….

Chương trình khám bệnh phát thuốc và tặng quà cho người dân của Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã được đông đảo chính quyền và người dân thôn Cộng Hòa cảm động. Chị Hoàng Thị Thanh chia sẻ, những người dân chúng tôi rất muốn có thêm những đợt khám chữa bệnh như thế này. Bởi nó thực sự hữu ích và rất cần cho người dân chúng tôi sau lũ mà từ trước tới nay chúng tôi chưa nhận được. Hôm nay, không chỉ có tôi mà cả bố mẹ và các con tôi cũng đi khám bênh. Qua thăm khám và được bac sĩ phát thuốc kịp thời nên chắc chắn dịch bệnh sau lũ ở thôn chúng tôi sẽ không bùng phát như những mùa lũ trước. Tôi mong những chương trình như thế này sẽ quay lại với người dân chúng tôi.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bác sĩ Trần Đình Trung cho hay, quan điểm của trường chúng tôi là làm gì thì làm đến nơi đến chốn nên sau đợt khám bệnh và phát thuốc lần này, chúng tôi cũng muốn khoảng 1 tháng nữa sẽ tổ chức được đoàn bác sĩ- dược sĩ tình nguyện quay trở lại tái khám cho bà con. Nhưng để làm được việc này, ngoài quyết tâm nỗ lực và tinh thần tình nguyện của bác sĩ, dược sĩ và tình nguyện viên thì rất cần sự chung tay của các nhà tài trợ như công ty Dược phẩm Hoa Linh để giúp đỡ được nhiều người dân hơn nữa.

Rời thôn Công Hòa, đoàn cứu trợ tiếp tục hành trình đến với bà con tỉnh Quảng Trị để trao 100 suất quà cho nhân dân nơi đây. “Cần lắm những tấm lòng hảo tâm”, câu nói tha thiết ấy của bà con nơi chúng tôi đến vẫn văng vẳng bên chúng tôi, lòng tự nghĩ sẽ tiếp tục làm được nhiều việc có nghĩa hơn nữa giúp sức cho bà con. Miền Trung ơi, hẹn gặp lại.