Hậu quả thật những câu nói đùa

“Mẹ cháu có con trai rồi, không cần cháu nữa” - câu nói đùa quen thuộc tưởng như vô hại này của người hàng xóm đã khiến một đứa trẻ mới 2 tháng tuổi phải chết oan do bị chính người chị ruột của mình - một cô bé 8 tuổi ném từ trên ban công xuống đất. Sự việc đau lòng này đã khiến không ít người bàng hoàng.

Hậu quả thật những câu nói đùa - 1

Hậu quả khó lường

Vụ việc trên xảy ra cách đây ít ngày tại một gia đình ở Vũ Hán, Trung Quốc. Gia đình này có một bé gái 8 tuổi và mới sinh thêm bé trai. Chính vì lẽ đó, cô con gái lớn ít được quan tâm như trước. Một hôm, khi cô bé đang trên đường đi học về thì gặp bác hàng xóm. Người phụ nữ này đã nói đùa: “Mẹ cháu có con trai rồi, giờ không cần cháu nữa” khiến cô bé cảm thấy tủi thân, bật khóc. Vài ngày sau đó, nhân lúc mẹ vào nhà vệ sinh, cô bé đã bế em ra ban công, thả xuống đất. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này được cô bé lý giải: “Mẹ có em rồi, mẹ không yêu con nữa, nên con mới ôm em ném xuống đất…”.

Câu chuyện này đã khiến nhiều người lớn bừng tỉnh và phải xem lại cách cư xử của mình với trẻ nhỏ. Chị Đào Hải Thanh, ở ngõ 378 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ chia sẻ, bản thân chị hồi nhỏ cũng từng là nạn nhân của những câu nói đùa từ người lớn. Do bố mẹ chị chỉ sinh được 2 cô con gái, kinh tế gia đình khó khăn nên thường xuyên xảy ra cãi vã to tiếng. Do vậy, mỗi khi chị ra ngoài chơi, những người hàng xóm thường nói với chị: “Chắc bố mày có “bồ” nên không muốn sống với 3 mẹ con nữa”, “Sắp có dì rồi, sướng nhé”, “Vịt giời lớn rồi lại bay, bố muốn có thêm em trai rồi”…

Mỗi lần nghe được những câu đó, chị Thanh vô cùng tức giận, tủi thân, chui vào chỗ tối ngồi khóc một mình. Dần dần chị sống thu mình hơn, ngại tiếp xúc với những người xung quanh. “Đến khi lập gia đình và sinh con, mỗi khi nghe hàng xóm nói những câu tương tự với con mình và những đứa trẻ khác, tôi thẳng thắn góp ý ngay. Bởi theo tôi, những lời nói đùa tưởng như vô hại này lại gây tổn thương lớn đến tâm lý của trẻ” - chị Thanh bày tỏ quan điểm.

Từ trước đến nay, những câu nói đùa phổ biến mà trẻ thường phải nghe là  “Con chỉ là con nuôi, không phải con ruột”, “Có em rồi là ra rìa nhé”, “Vịt giời bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”, “Bố đi với dì rồi”, “Hư là đem ra chợ bán nhé”, “Vứt đi, không nuôi nữa, cho ông ba bị”… Dù những câu nói này có thể gây ra những hậu quả tai hại nhưng nó vẫn khá phổ biến trong các gia đình người Việt, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Khi nói đùa, người lớn thường nghĩ rằng chỉ là nói cho vui, nhưng thực tế nó đã làm tổn thương tâm hồn trong sáng, mong manh của trẻ, khiến chúng có những hành động phản kháng sai lầm.

Đừng làm tổn thương tâm hồn trẻ

Có thể nói, sự trêu đùa của người lớn dù là vô ý hay cố ý luôn tạo ra những ức chế nhất định cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, với những trẻ sắp hoặc mới có em bé, do đang là trung tâm của cả gia đình, khi có thêm thành viên mới, chúng ít được quan tâm hơn nên sẽ có cảm giác hụt hẫng như bị bỏ rơi. Vì vậy, câu nói đùa “sẽ bị ra rìa” đến tai các em chẳng khác nào “đổ dầu vào lửa”, khiến sự lo lắng, nỗi tức giận, cảm giác tủi thân dâng trào đến đỉnh điểm, dễ có hành động bột phát.

Chưa hết, dọa nạt là một trong nhiều phương pháp mà người lớn thường áp dụng dạy trẻ, nhất là khi cần đối phó trong những tình huống trẻ không chịu nghe lời, bất hợp tác, kiểu như “không ăn ông Ba Bị bắt”, “không nín sẽ xẻo mồm”… Dù những kiểu dọa nạt này có tác dụng giải quyết tức thì ở một số trường hợp, song đó không phải là phương pháp tốt để dạy trẻ, thậm chí còn có thể gây ra những tác dụng ngược.

Do trẻ em chưa có khả năng độc lập, suy nghĩ đơn giản nhưng lại khá nhạy cảm và coi trọng cái tôi cá nhân, nên khi nghe những lời nói đùa của người lớn với nội dung tiêu cực sẽ cảm thấy rất sợ hãi, bất ổn và dễ cáu giận, thậm chí có những hành vi lệch lạc, mất kiểm soát. Do vậy, phụ huynh không nên dọa nạt trẻ hay đồng lõa, im lặng khi những người khác đùa cợt trẻ bằng những câu nói này mà cần bày tỏ thái độ không đồng tình một cách rõ ràng - Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho biết.

Những câu nói đùa chỉ khiến trẻ thấy bất an, không được tôn trọng, lâu dần trẻ sẽ mất lòng tin vào người lớn. Vì vậy, để trẻ phát triển một cách toàn diện về cả thể chất và nhân cách, điều quan trọng nhất là cần tạo cho trẻ cảm giác an toàn, tin cậy, được trân trọng. Khi tiếp xúc với trẻ, người lớn nên thận trọng trong từng cử chỉ và lời nói của mình, không nên đùa quá trớn, nói không rõ nghĩa, hay hăm dọa trẻ, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo An ninh Thủ đô