Kon Tum

Gian nan hành trình bảo vệ rừng trên dòng Sê San

(Dân trí) - Dòng sông Sê San là ngã 3 tiếp giáp 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và nước bạn Campuchia. Đằng sau sự yên ả của dòng sông này là cuộc chiến gian nan giữa các chiến sĩ bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai và các đối tượng lâm tặc tinh vi, hung hãn...

“Lập hàng rào lửa” trên dòng Sê San

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do UBND tỉnh Kon Tum làm chủ sở hữu. Công ty đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ công ích và quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện biên giới Ia H’Drai.

Gian nan hành trình bảo vệ rừng trên dòng Sê San - 1

Vì diện tích rừng rộng lớn nên hàng ngày các cán bộ, nhân viên công ty phải thay phiên nhau đi tuần.

Hiện công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai đang thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý bảo vệ và phát triển 34.345,88 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Ngoài ra, công ty thực hiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ kỹ thuật nông - lâm nghiệp và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật. Đồng thời, công ty còn thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và chăm sóc 985,15 ha diện tích cao su thu hồi của Công ty Đầu tư phát triển Duy Tân giao cho Công ty quản lý.

Theo đó, lâm phần do Công ty quản lý khá phức tạp, tập trung chủ yếu vùng giáp ranh với Gia Lai và huyện Sa Thầy, đường ranh giới tiếp giáp với Sông Sê san dài (hơn 60 km), đây là yếu tố thuận lợi cho lâm tặc lợi dụng dùng thuyền di chuyển vào rừng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, người dân phía Gia Lai sang xâm canh nương rẫy, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát lâm phần.

Gian nan hành trình bảo vệ rừng trên dòng Sê San - 2
Trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ia Hdrai (Kon Tum)

Tuy địa bàn rộng như vậy nhưng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động tại đơn vị hiện tại 44 người, phần lớn được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên. Thu nhập bình quân khoảng từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Với số lương ít ỏi đó nhưng các “chiến sỹ rừng xanh” phải thay nhau trực, chốt chặn tại các điểm nóng 24/24 giờ. Đồng thời, gần dân nhằm thực hiện công tác tuyên truyền luật bảo vệ và phát triển rừng. Phối hợp với chính quyền địa phương sở tại, các cơ quan chức năng địa phương thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng.

“Bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung”

Là vùng trọng yếu, nơi mà các đối tượng lâm tặc hay lợi dụng để vận chuyển nên công ty đã xây dựng các trạm bảo vệ rừng (gồm 02 lâm trường, 8 trạm bảo vệ rừng) và Tổ bảo vệ rừng cơ động luôn “bám rừng”, sẵn sàng đi tuần tra, truy quét.

Nhờ ý thức cao về nhiệm vụ bảo vệ rừng của các cán bộ, nhân viên trong công tác tuyên truyền, vận động nên nhân dân trên địa bàn đã có ý thức bảo vệ rừng. Đồng thời, công ty thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng để lấy đất sản xuất nương rẫy trên lâm phần.

Gian nan hành trình bảo vệ rừng trên dòng Sê San - 3
Công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các công ty, ban quản lý giáp ranh nhằm chung tay bảo vệ rừng

Ông Ngô Văn Hải – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Ia H’Drai cho biết: “Lâm phần công ty quản lý đều nằm ở khu vực trọng yếu, các đối tượng thường lợi dụng đường rừng, sông để vận chuyển và khai thác gỗ trái phép nên chúng tôi đã không ngừng động viên các cán bộ, nhân viên phải “bám rừng”, liên tục chốt, chặn 24/24 tại các điểm nóng. Qua đó, “chặt đứt” tuyến đường vận chuyển của các đối tượng lâm tặc…”.

Gian nan hành trình bảo vệ rừng trên dòng Sê San - 4
Công ty đã phối hợp xây dựng đội tuần tra trên lòng hồ Sê San nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép bằng đường sông

“Nhưng vì lực lượng mỏng, địa hình phức tạp nên rất cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Kiểm lâm) trong công tác bảo vệ rừng. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát các thuyền, phà sắt tự chế hoạt động trái phép qua lại hai bên bờ Kon Tum – Gia Lai và các phương tiện độ chế lưu thông trên địa bàn. Bởi đây là các loại phương tiện khá phổ biến chuyên phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển nông lâm sản trái pháp luật..”, ông Hải cho biết thêm.

P.V