Quảng Nam:

Gặp người phụ nữ "mê" làm từ thiện

(Dân trí) - Dù đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn giữ được cái phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh… là những gì người ta vẫn hay nói khi nhắc đến bà Năm Hốt. Bà tên thật là Trần Thị Hốt (thôn Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh, TP Hội An).

Chồng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 để lại hai người con trai và mẹ già. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bao lần bị địch bắt tù đày nhưng bà vẫn một lòng hướng về cách mạng, cùng anh em du kích bám đất, giữ làng.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà cùng bà con trở về làng cũ tham gia công tác địa phương, công tác phụ nữ hơn 30 năm nay.

Bà Trần Thị Hốt
Bà Trần Thị Hốt

Mặc dù không có bất kỳ khoản phụ cấp nào nhưng bà vẫn vui say với công việc và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh không may, nhất là những cháu mồ côi, gia đình có hoàn cảnh éo le, bất hạnh.

Bài học về lòng bao dung, thương người từ người cha, là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn bên bà cho đến cuối cuộc đời.

Bà nhớ lại: “Năm đó bà khoảng 9 tuổi, cả làng đói khát, giặc dã tấn công ác liệt. Rồi một hôm, cha bà đi công tác về mang theo bao gạo lớn, bà mừng lắm, vội hối cha nấu cơm ăn nhưng ông lại nghiêm nghị bảo, đây là gạo cho kháng chiến, miền Bắc đang rất cần chỗ gạo này nên phải tập trung chi viện, nhiều bà con còn cực khổ hơn mình nữa, một hạt cũng không nên động đến. Nhà mình còn rau ngoài vườn đó, con cố gắng hái rau vô luộc ăn đỡ cũng được nghe”. Kể đến đây bà rưng rưng nước mắt. Theo lời cha, bà vẫn luôn cố gắng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Ở thôn Thanh Tam Tây có không ít người có hoàn cảnh éo le đã được bà cưu mang như chính những người thân ruột thịt của mình. Trường hợp ông Lê Hạnh nằm một chỗ nhiều năm do bại liệt chân tay không cử động được nên thể trạng ngày càng yếu, tiều tụy… Trong suốt hơn 2 năm, bà Năm Hốt đã chăm bón cho ông từng thìa cháo, lo chăm sóc những lúc trái gió, trở trời.

Một mảnh đời thương tâm khác là trường hợp của cô Lê Thị Chiều cách nhà bà Năm Hốt không xa. Cô Chiều có hai người thân là liệt sĩ, cha mẹ mất sớm, hoàn cảnh neo đơn lại mắc phải chứng bại liệt hai chân không thể đi lại được. Nhiều năm trên giường bệnh, một tay bà Năm Hốt chăm sóc từ miếng cơm, viên thuốc cho đến việc vệ sinh cá nhân.

Nói về bà Năm Hốt, cô Chiều xúc động: “Tôi không còn người thân nữa, suốt nhiều năm trên giường bệnh, nếu không có chị Năm tôi chẳng biết phải làm sao. Bây giờ, chị chính là gia đình thứ hai của tôi, là người thân duy nhất mà tôi có”.

Giấy khen do UBND TP Hội An tặng cho bà
Giấy khen do UBND TP Hội An tặng cho bà

Không những vậy, chỉ cần ai gặp khó khăn, cần trợ giúp bà đều sẵn sàng dang tay đón nhận. Nhiều lúc bà phải lặn lội ra tận Đà Nẵng hay các địa bàn lân cận để xin hỗ trợ, người bà đến gặp chủ yếu là đồng đội cũ, những người con Cẩm Thanh làm ăn xa.

Bên cạnh đó, bà còn là địa chỉ tin cậy để những chị em gặp phải bạo lực gia đình đến xin giúp đỡ, cưu mang. Bà cho biết: “Bây giờ là ít rồi chứ những năm 1985-1990, nhận thức người dân còn kém tình trạng bạo lực gia đình xảy ra nhiều lắm. Khi vợ chồng xích mích, cãi nhau, chị em đều đến nhờ tôi cho trú tạm, mà nguyên nhân chủ yếu là do rượu chè. Sau khi hai bên bình tĩnh, tôi sẽ khuyên nhủ, giảng giải cho họ về tình nghĩa vợ chồng, hãy nghĩ đến con cái. Bây giờ, tình trạng này giảm hẳn, nhận thức họ cũng cao hơn rồi. Nhưng mỗi khi cần giúp đỡ họ vẫn tìm đến bà Năm”.

Nhận xét về bà Trần Thị Hốt, bà Trần Thị Thu Hòa - Chủ tịch Hội phụ nữ TP Hội An nói: “Bà Hốt là tấm gương tốt cho nhiều chị em noi theo, dù tuổi đã cao những bà vẫn năng nổ trong các hoạt động từ thiện, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh”.

N.Linh-C.Bính