Huyện nghèo và nỗi ám ảnh mang tên HIV

“Đường đi” của “ết”

(Dân trí) - Chỉ một lần chích chung kim tiêm với người nghiện ma túy nhưng "con ma ết” đã tàn phá cả gia đình. Đó là sự thực đắng lòng ở huyện Quế Phong – nơi có số lượng người nhiễm HIV nhiều thứ 2 tỉnh Nghệ An. Đau lòng hơn, rất nhiều người nhiễm HIV lại không phải do nghiện ma túy.

 


Chồng bị nhiễm HIV sau một lần sỹ diện chích chung kim tiêm với người nghiện, Lữ Thị H. cũng bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng.

Chồng bị nhiễm HIV sau một lần sỹ diện chích chung kim tiêm với người nghiện, Lữ Thị H. cũng bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng.

Ông Sầm Văn Lâm – Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm y tế huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, hiện có 627 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 735 người nhiễm HIV đang điều trị tại đây. Tuy nhiên, số lượng người nghiện nhiễm HIV hiện nay chiếm số lượng ít trong tổng số bệnh nhân nhiễm HIV của toàn huyện.

Hà Văn G. con trai ông Hà Văn T. (bản Na Cháo, Đồng Văn) là một trong những trường hợp nhiễm HIV nhưng không phải do nghiện, cũng không phải là do có lối sống buông thả. Nguyên nhân nhiễm “H” của Hà Văn G. nghe thật phẫn nộ, xót xa.

Hà Văn G, không nghiện ma túy, ông T. nhiều lần khẳng định như thế. “Thằng G. đi xe ôm, chở phải thằng nghiện. Nó bắt G. chích thử heroin. Thằng G. sợ lắm, khóc lóc van xin cũng không được, cuối cùng bị thằng kia đè ra chích. Có mỗi lần ấy thôi mà nhiễm “ết” đó”, ông T. chán nản kể.

Nụ cười buồn của Lữ Thị H. khi kể câu chuyện của gia đình mình.
Nụ cười buồn của Lữ Thị H. khi kể câu chuyện của gia đình mình.

May mắn cho G. do phát hiện kịp thời nên không bị lây “con ma ết” sang cho vợ. “Giờ nó vẫn uống thuốc của Trung tâm y tế huyện đó. Cũng may là nó vẫn khỏe mạnh, vẫn đi rẫy được nên vợ con nó cũng đỡ vất vả. Giờ thì vẫn khỏe, không biết vài năm nữa thì răng?”, ông T. không nén nổi tiếng thở dài.

Câu chuyện của Lương Văn D. (SN 1991) còn chua xót hơn gấp bội. D. bảo, hồi đầu năm, D. đi uống rượu với đám bạn. Rượu ngà ngà, đám bạn kích bác, rủ rê D. chích heroin cho “phê”. Say rượu lại sỹ diện, D. chìa tay cho đám bạn chích. “Phê” đâu chẳng thấy, D. bị sốc heroin ngã vật xuống đất. Để cứu D. đám bạn dùng gậy phang thật lực vào người khiến D. gãy 3 cái xương sườn.

Sau 3 tháng nằm một chỗ vì gãy xương, cơ thể của D. cứ như đi mượn, cứ luội dần đi, lại thêm cái bệnh tiêu chảy triền miên. Nghe lời khuyên của cán bộ y tế thôn bản, D. đến Trung tâm y tế huyện để kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy D. dương tính với virut HIV.


Say rượu cộng với sĩ diện, Lương Văn D. tự đưa căn bệnh thế kỷ vào cơ thể mình.

Say rượu cộng với sĩ diện, Lương Văn D. tự đưa căn bệnh thế kỷ vào cơ thể mình.

“May 3 tháng nằm một chỗ vì gãy xương em không ngủ với vợ nên chưa lây bệnh cho cô ấy. Các bác sỹ ở Trung tâm y tế cũng hướng dẫn cụ thể các phòng tránh cho vợ nên chỉ khi nào có bao cao su thì hai vợ chồng mới “sinh hoạt” thôi, còn nếu không có bao cao su thì nhất quyết không được “ngủ’ với vợ”. D. nói.

Không may mắn như vợ của D, Lữ Thị H (SN 1994, trú bản Kim Khê, xã Châu Kim, Quế Phong) bị lây nhiễm HIV từ chồng. Chồng H. là Hà Văn H. cũng không nghiện ma túy nhưng một lần nghe đám bạn khích bác đã nổi máu yêng hùng. Một lần duy nhất đó khiến Hà Văn H. phải mang án tử rồi lây bệnh sang cho vợ. “Khi em đi sinh cháu, các bác sỹ kiểm tra máu mới biết là nhiễm “ết”, Lữ Thị H. buồn bã nói.

Đứa con của vợ chồng Lữ Thị  H. năm nay cũng đã 3 tuổi rồi nhưng H. cũng không biết con mình có nhiễm căn bệnh của bố mẹ hay không. Theo hướng dẫn của bác sỹ, H. không cho con bú mà cho bé ăn sữa ngoài. Hỏi tại sao không đưa con đi kiểm tra, H. chỉ ngồi cười mà không trả lời.

Vợ của Lương Văn D. là một trong ít phụ nữ không bị lây nhiễm HIV từ chồng nhờ được bác sỹ tư vấn.
Vợ của Lương Văn D. là một trong ít phụ nữ không bị lây nhiễm HIV từ chồng nhờ được bác sỹ tư vấn.

Hiện cả hai vợ chồng H. đều đang điều trị ARV ở Trung tâm y tế huyện Quế Phong. Hồi đầu tháng 11, Hà Văn H. đã vào Tây Nguyên hái cà phê thuê còn Lữ Thị H. thì đóng gạch táp-lô cho một người quen trong vùng.

“Họ tính tiền công theo sản phẩm, mỗi tháng em cũng kiếm được 3,5-4 triệu đồng, đủ lo cho con nhưng sau này tính sao thì cũng chưa biết được”, H. gạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm nói.

Trong căn nhà sàn cũ kỹ nằm sát đường vào công trình thủy điện Hủa Na, vợ chồng bà Hà Thị Q. (62 tuổi, bản Ná Chạng, Tiền Phong, Quế Phong) đang nuôi dưỡng cháu Lương Hải K. (8 tuổi). K. bị lây nhiễm HIV từ mẹ, mẹ K. nhiễm HIV từ chồng.

Bà Hà Thị Quý chia sẻ câu chuyện của vợ chồng người con trai đã chết vì căn bệnh thể kỉ với PV Dân trí.
Bà Hà Thị Quý chia sẻ câu chuyện của vợ chồng người con trai đã chết vì căn bệnh thể kỉ với PV Dân trí.

Cời lại bếp lửa, bà Hà Thị Quý buồn bã kể về câu chuyện của vợ chồng người con trai: Hồi chưa lấy vợ, Lương Văn N. đi xe ôm rồi bị khách đi xe ép phải chích ma túy. Có mỗi lần ấy thôi nhưng N. không biết mình nhiễm “ết”. N. lấy vợ rồi sinh được 1 đứa con trai.

“Hắn cứ ốm suốt nhưng dùng dằng mãi không đi khám. Mãi năm 2012 mới xuống bệnh viện Ba Lan kiểm tra. Đi viện về hắn không nói chi hết, nhịn ăn, nhịn uống 3 ngày 3 đêm rồi chết. Trước khi chết, hắn bảo vợ đi thử máu. Con O. (Lô Thị O., vợ anh N. – PV) đi thử máu mới biết bị nhiễm “ết”. Đưa thằng K. đi kiểm tra, bác sỹ cũng bảo K. bị lây “ết” từ mẹ.

Năm 2012 thằng N. chết. 3 tháng sau thì đến lượt vợ nó. Giờ thằng K. ở với vợ chồng tôi. Nó học lớp 3 rồi đấy, không biết được mấy hơi nữa”, bà Quý bưng mặt khóc khi nghĩ đến tương lai xám xịt đang chờ đợi đứa cháu nội tội nghiệp của mình.

                                                                                          Hoàng Lam