Đổ xô mua vàng ngày vía Thần tài: Mất tiền vì tâm lý đám đông mù quáng

(Dân trí) - Vào ngày vía Thần tài, nhiều người dân đổ xô xếp hàng từ đêm mua vàng cầu may trong năm mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa nếu mua vàng trong ngày Thần tài mang lại vận may, tài lộc thật, thì Việt Nam đã chẳng còn người nghèo.

Trong khoảng 10 năm gần đây, phong tục mua vàng cầu may trong ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng, Âm lịch) nở rộ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. 

Vào ngày này, người dân đổ xô tới các cửa tiệm vàng để tranh thủ mua một vài chỉ vàng, thậm chí vài lượng vàng cầu may trong năm mới.

Việt Nam có văn hóa thờ Thần tài của riêng mình

Hiện nay, có rất nhiều dị bản giải thích về nguồn gốc ngày Thần tài, tuy nhiên, phong tục thờ cúng Thần tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng, Âm lịch được nhiều người dân truyền tai nhiều nhất.

Theo đó, từ xa xưa, dưới trần gian không có Thần tài, chỉ có Thần tài trên trời, cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần tài say quá nên rơi xuống trần gian. 

Khi Thần tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mồng 10 tháng Giêng thì Thần tài bay về trời.

Đổ xô mua vàng ngày vía Thần tài: Mất tiền vì tâm lý đám đông mù quáng - 1

Cảnh tượng người dân xếp hàng chen chúc từ rạng sáng mua vàng cầu may trong ngày Thần tài ở Hà Nội năm 2019. Ảnh: Trọng Trinh

Để tưởng nhớ ngài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.

Trao đổi với PV báo Dân trí, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho rằng, nhiều người cho rằng, ngày Thần tài có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, quan điểm này chưa hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, các nền văn hóa đều có sự giao thoa với nhau và văn hóa thờ Thần tài tại Việt Nam có sự sáng tạo, biến đổi đi theo thời gian khác với tục thờ Thần tài của Trung Quốc.

Ông Trung giải thích, sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ quan điểm Trung Quốc có rất nhiều văn bản ghi chép về Thần tài, các ghi chép đó có từ thời Hán, cách hiện tại cả nghìn năm nay.

Đổ xô mua vàng ngày vía Thần tài: Mất tiền vì tâm lý đám đông mù quáng - 2

Văn hóa thờ Thần tài chỉ có ở thành thị lớn, còn các vùng làng quê thuần nông sẽ không có tục thờ thần tài.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Ngọc Trung tiết lộ, Việt Nam cũng có văn hóa thờ Thần tài của riêng mình, đặc biệt là ở các đô thị cổ như Thăng Long hay Phố Hiến.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ở các vùng nông thôn, người nông dân có quan niệm thờ thần đất, thần nước,... với mong muốn có một mùa vụ bội thu, cây cối tốt tươi. Còn ở các đô thị, người làm kinh doanh cũng sẽ có một vị thần để họ tôn thờ, cầu may cho việc kinh doanh, phát đạt thì đó là Thần tài.

Ông Trung nhấn mạnh, văn hóa thờ Thần tài chỉ có ở thành thị lớn, còn các vùng làng quê thuần nông sẽ không có tục thờ thần tài.

"Nếu mua vàng ngày Thần tài mà phát tài thật, thì Việt Nam làm gì có người nghèo?"

Theo sự tích kể trên, vào ngày Thần tài, nhiều gia đình, đặc biệt là người làm kinh doanh, buôn bán sẽ đi sắm lễ vật để dâng lên ngày Thần tài để cầu lộc, xin làm ơn thuận lợi, thuận buồm xuôi gió trong năm mới.

Trong đó, nhiều người tin rằng, trong ngày Thần tài, phải mua vàng cho bằng được để cầu tài, cầu lộc. Điều này dẫn tới hiện tượng, vào ngày mùng 10 Tháng Giêng, người dân đổ xô xếp hàng dài cả cây số từ 3 - 4 giờ sáng ở các cửa tiệm vàng, chờ đợi đến lượt mua vàng.

Đổ xô mua vàng ngày vía Thần tài: Mất tiền vì tâm lý đám đông mù quáng - 3

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng do nhiều người không hiểu về bản chất về ngày Thần tài, hoặc do tuyên truyền không đúng, theo tâm lý đám đông dẫn tới hiện tượng người người, nhà nhà đổ xô đi mua vàng cầu may. Ảnh: Trọng Trinh

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, theo phong tục, quan niệm trước kia, ngày Thần tài chỉ làm lễ nhỏ, mang tính hình thức và chỉ có người kinh doanh, buôn bán mới thờ Thần tài. 

Tuy nhiên, ngày nay, do nhiều người không hiểu về bản chất về ngày Thần tài, hoặc do tuyên truyền không đúng, theo tâm lý đám đông dẫn tới hiện tượng người người, nhà nhà đổ xô đi mua vàng cầu may. Ngay cả những bà nội trợ, nhân viên kinh doanh, văn phòng cũng bỏ công việc, xếp hàng từ nửa đêm đi mua vàng.

Ông Trung nhấn mạnh rằng, nếu mua vàng trong ngày Thần tài mang lại vận may, tài lộc thật, thì Việt Nam chẳng còn người nghèo.

“Mua vàng cầu tài, cầu lộc trong ngày Thần tài chỉ là quan niệm thôi, mà từ quan niệm, phong tục cho tới thực tế là cả một khoảng cách rất lớn. Nhiều người cho rằng, mua vàng ngày Thần tài cầu may, nhưng bản thân họ có giàu đâu. Thậm chí, có người mua quá nhiều vàng khiến cho sập tiệm, vỡ nợ đó thôi”, nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền nhận xét.

Từ đó, ông Trung cho rằng, trong ngày Thần tài, người dân có thể mua nửa chỉ, hoặc một vài chỉ vàng để cầu tài lộc, tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, việc quá mê tín vào ngày Thần tài, dẫn tới hiện tượng chen chúc, tranh giành nhau mua vàng thì cần lên án mạnh mẽ.

Việt Vũ