Tiền Giang:

Cuộc sống ở xóm “chạy” sóng biển

(Dân trí) - Mấy năm qua, người dân ở xã ven biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) luôn phải sống trong cảnh “chạy” sóng biển vì tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, hàng chục hộ dân đã phải bỏ nhà tường kiên cố đi lánh nạn hay dựng chòi tạm ven biển để ở.

Ông Lê Minh Pha, ngụ ấp Cầu Muống (Tân Thành, Gò Công Đông) đã 3 lần dời nhà bỏ chạy vì bị sóng biển “đuổi”. Ông Pha cho biết: “Trước đây căn nhà tôi cất nằm tuốt ở trong cách bãi biển cả trăm mét nhưng sóng biển làm sạt lở nên tôi phải di dời nhà liên tục. Mới năm rồi căn nhà tường kiên cố cũng bị sóng biển phá hỏng giờ chỉ còn bức tường và nền gạch”.

1-1441952966889
2-1441952972511
Những căn nhà bị sóng biển "nuốt"

Sau khi căn nhà bị hư hỏng không thể ở được nữa, ông Pha nhận 6 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời rồi chuyển qua căn nhà của người anh ruột cách đó khoảng 10 m để ở tạm. Tuy nhiên, bây giờ sóng biển tiếp tục “đuổi” nên không biết sắp tới phải “chạy” đi đâu.

3-1441952976030
Ông Pha bên căn nhà bị sóng biển phá tan tành

Tương tự, nhà của bà Cô Thị Thương ở kế bên cũng đã mấy lần di dời nhà vì sạt lở. Căn nhà tường của bà Thương bị sóng cuốn trôi nhưng do không có chỗ ở nên gia đình quyết đình cất nhà sàn để bám trụ lại với sóng biển. Bà Thương cho biết: “Ở đây tiện thuận tiện mưu sinh vì chồng làm nghề biển còn tôi mua nghêu nên đắp đổi qua ngày sống được. Gia đình cũng muốn di dời nhưng không có đất nên đành ở đây tới đâu tính tới đó”.

4-1441952978990
9-1441952995293
Những căn nhà chỉ còn lại trơ khung

Tại khu vục ven biển thuộc ấp Tân Phú (Tân Thành, Gò Công Đông) tình hình sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Thu, nhà sát mé biển cho biết: “Bãi biển hồi trước cách nhà tôi mấy trăm mét giờ lở vô tới sau nhà, gia đình phải mua tram về gia cố tạm thời. Sắp tới mùa sóng to, gió lớn không biết căn nhà này có bám trụ được với biển hay không”. Theo bà Thu, ở đây một số hộ có đất thì đã di dời, một số khác thì ráng tự gia cố nhà để ở tạm hay chấp nhận tới mùa sóng to, gió lớn sẽ “chạy” vài tháng để đợi biển êm rồi quay về.

5-1441952982822
Việc phá rừng nuôi tôm, nuôi nghêu cũng là nguyên nhân gây sạt lở, sóng biển cuốn trôi nhà

Ông Trương Tấn Minh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Thành cho biết: “Hiện tại hai khu vực ấp Cầu Muống và Tân Phú hình sạt lở nghiêm trọng nhất với 47 hộ bị ảnh hưởng.  Huyện đã quy hoạch khu tái định cư để di dời để di dời những hộ dân này đến nơi an toàn”.

6-1441952985889
7-1441952989810
8-1441952992668
Một số hộ dân cất nhà sàn, dùng cừ tràm để trụ lại với sóng biển

Hiện tại tuyến đê biển gò công có chiều dài 21 km để bả vệ cùng đất sản xuất nông nghiệp của bà con. Tuy nhiên mấy năm nay tình hình xâm thực rát nghiêm trọng do rừng phòng hộ ngày càng thưa dần, một số nơi người dân phá rừng để nuôi tôm, nuôi nghêu… Tỉnh Tiền Giang đang lập dự án kè mềm và trồng rừng phòng hộ để phụ kín vùng ven biển nhằm hạn chế sạt lở, nước biển xâm thực. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi người dân phải tiếp tục bỏ nhà “chạy” mỗi khi tới mùa sạt lở, sóng to gió lớn.

Hoàng Trung

(email:hoangtrung@dantri.com.vn)