Công nhân khu công nghiệp: “Sống thử” - hậu quả thật!

“Sống thử” trước hôn nhân không lạ lẫm với công nhân tại các KCN-KCX. Họ - những người trẻ và do hoàn cảnh sống xa nhà, khi khó khăn, khi cô đơn… rất cần có người ở bên để chia sẻ, động viên. “Sống thử” có hai “mặt”: Lợi và hại, ai cũng thấy nhưng nhiều người vẫn chấp nhận.

Kỳ 1: Như vợ chồng - không ngần ngại

Tại một số khu nhà trọ dành cho công nhân (CN) thuộc KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) có không ít cặp CN đã “sống thử”. Họ sinh hoạt giống như đôi vợ chồng trẻ: Cùng nhau đi làm, cùng nhau đi chợ nấu cơm và cùng “ngủ” trên một cái giường, trong một căn phòng. Có vui, buồn và có cãi vã.

Thích thì mình… ở thôi!

Chiều thứ bảy, giữa tháng 12, đường vào thôn Nhuế, Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội) nhộn nhịp hơn hẳn bởi công nhân KCN Bắc Thăng Long tan ca từ Cty trở về phòng trọ. Khi chúng tôi dừng lại trước một quán nước ven đường để hỏi thăm nhà bà Mùa - một chủ nhà trọ - thì một cặp nam nữ thanh niên, mặc đồng phục Cty, vít ga, lao xe vun vút trên con đường làng, bụi tung mịt mù. Bà chủ quán chứng kiến cảnh trên, bĩu môi, thốt ra: “Chắc mới được lĩnh lương nên phởn! Quắp nhau như ếch ôm măng, phóng như điên, có ngày gặm cỏ ven đường!”. Rồi bà này lại tiếp: “Thanh niên bây giờ “thoáng thật”, thích thì yêu, thích thì ở, thích thì “ngủ”, chẳng gìn giữ gì hết… Cái thời tôi, yêu nhau mãi mới được… nắm cổ tay!”.

Chúng tôi hỏi lại: “Họ yêu nhau trong sáng, chứ không “đen” như bà nghĩ đâu?!”. Bà lại tiếp: “Trong cái con… khỉ! Mỗi đận mưa xuống, cống tắc… “ba con sói” (bao cao su) trôi lềnh phềnh sau mỗi dãy nhà trọ, trên đường làng”. Cũng may chúng nó cũng đã biết “bảo vệ”, không như những năm trước, quan hệ bừa bãi, rồi để lại hậu quả: Sinh con rồi vứt ở ven đường, vườn nhà dân. Mà bà Mùa, cùng thôn tôi cũng đã từng nhặt được 3-4 đứa trẻ sơ sinh đấy!” - bà bán nước giải thích.

18h30, trời tối hẳn, chúng tôi tìm đến một dãy nhà trọ - nơi đang phát ra tiếng nói cười ríu rít, nhộn nhịp kẻ ra - người vào. Lúc này, anh chị em CN đang chuẩn bị cho bữa ăn tối. Đang rán đậu trên chiếc bếp gas mini, chị Trịnh Thị Th (quê Thanh Hóa) vui vẻ mời chúng tôi vào phòng. Trong phòng, một nam thanh niên đầu tóc bóng mượt, đang ngồi trên giường, tay vầy chiếc smartphone. Trên chiếc bàn uống nước, nơi góc nhà, đã bày sẵn một vài món thức ăn và hai cái bát con, hai đôi đũa! Chị Th tự nhiên chỉ vào nam thanh niên giới thiệu: “Đây là anh M, người cùng quê - bạn trai em!”. Chúng tôi hỏi: “Các bạn “góp gạo, thổi cơm chung” lâu chưa?”. M ngừng chơi điện thoại, trả lời: “Từ đầu năm 2016, khi Th ở quê lên Hà Nội, do chúng em làm cùng Cty, sau đó nhận ra người cùng quê, em thường xuyên hỗ trợ Th khi mới lên làm. Về sau có chút cảm tình, thích nhau, nên “ghép lại” cho đỡ cô đơn và đỡ đần nhau trong công việc, cũng như cuộc sống. Còn trẻ, công việc nhiều vất vả nên cả hai chưa dám có ý định tiến tới hôn nhân. Thu nhập của ai người đó cầm. Chúng em “Campuchia” tiền thuê nhà, tiền ăn, sinh hoạt phí… sòng phẳng!”. “Em là con gái nên cũng phải nghĩ đến sức khỏe lâu dài và tương lai, nhưng với hoàn cảnh như hiện nay thì không thể khác được. Ví dụ, chẳng may “nhỡ”, rồi phải lấy nhau, sinh con thì bọn em lấy đâu ra tiền mà nuôi con. Nên trước mắt cứ thế này đã. Rồi để… mai tính!” - Th thỏ thẻ!

Anh chị Th và T cùng làm công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã ở ghép, sống thử được vài tháng nay. Ảnh: H.A
Anh chị Th và T cùng làm công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã ở ghép, sống thử được vài tháng nay. Ảnh: H.A

“Sống thử” - tình thật

Cùng quê Bình Thuận, làm công nhân tại KCX Linh Trung II (Thủ Đức, TPHCM), quen và yêu nhau đã gần 3 năm. 4 tháng nay, anh Hoàng T và chị Bích M dọn về sống chung một phòng trọ trên đường số 0, KP 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Nói về lý do dọn về sống chung khi chưa có đám cưới, cũng chưa đăng ký kết hôn, chị M bẽn lẽn: “Cả hai gia đình biết nhau hết rồi, tụi em định ra tết, khoảng tháng 4 là cưới nên mới dọn về sống chung cho tiết kiệm”.

Từ ngày về sống chung, mỗi buổi sáng, M dậy sớm hơn 30 phút để chuẩn bị bữa sáng, khi rang cơm, khi chế mì gói, bữa đồ xôi… anh T pha trà xanh rồi bỏ vào hai bình để cả hai mang theo đi làm. Buổi trưa ăn cơm ở Cty nên chị M chỉ nấu cơm buổi chiều, có hôm tăng ca, đôi bạn đèo nhau đi ăn hủ tíu gõ. Áo quần, cơm nước, lau dọn phòng cả hai đều phân công nhau rõ ràng. Chị M bộc bạch: “Ban đầu có hơi bỡ ngỡ, bởi đời sống công nhân độc thân đã quen, giờ sống chung với người khác phải thay đổi bản thân chút ít để phù hợp với người kia, nhưng tụi em yêu nhau nên chuyện thay đổi cũng chẳng làm mình thấy phiền phức lắm”.

Lý do dọn về sống chung là để tiết kiệm nên cả hai lên kế hoạch cụ thể cho cuộc sống gia đình và hơn hết là chuẩn bị cho một đám cưới sắp diễn ra. Để có tiền để dành, đôi bạn lập một tài khoản chung, sau khi trừ các khoản chi tiêu, cả hai đều tự nguyện gửi phần lương còn lại của mình vào tài khoản đó. Có chút máu văn nghệ và hát khá hay nên buổi tối, cả hai chở nhau đi bán kẹo, hát dạo kiếm thêm tiền tích lũy.

Nói về những ngày đầu dọn về sống chung, T thật thà: “Ngại nhất là bạn bè cùng xóm trọ. Em nghĩ mọi người vẫn còn ác cảm về chuyện “sống thử”, em luôn có cảm giác mọi người bàn tán sau lưng cuộc sống của mình. Thế nên, đã quyết định về ở với nhau, tụi em phải sống hạnh phúc. Hơn nữa, cuộc sống này là của mình, “sống thử” tốt hay xấu là do mình quyết định. Xác định có tình cảm với nhau thì chuyện gì cũng vượt qua được”.

Theo Lao động