Chuyện về bác sĩ thẩm mỹ níu giữ thanh xuân, khơi lại ngọn lửa hạnh phúc

(Dân trí) - Với đặc trưng công việc của một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và thế mạnh “hồi sinh”, níu giữ thanh xuân cho các “cô bé”, bao năm qua, bác sĩ Vũ Thị Dung vẫn thầm lặng khơi lại ngọn lửa hạnh phúc cho nhiều gia đình.

 

“Chuyên gia” bất đắc dĩ

Mặc dù cuộc sống đã hiện đại hơn, chị em phụ nữ cũng mạnh dạn hơn khi nghĩ đến việc “tân trang vùng kín”, tuy nhiên, không phải ai cũng dễ trải lòng trong câu chuyện khó nói này. Là bác sĩ nữ duy nhất hiện có tại khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Vũ Thị Dung trở thành “chuyên gia vùng kín” bất đắc dĩ, đến nỗi, chị vẫn hay nói đùa rằng vinh dự lớn nhất của đời chị là được lắng nghe những câu chuyện “thâm cung bí sử”, tuyệt mật, tưởng chừng như “sống để bụng, chết mang theo” của biết bao chị em phụ nữ.

Theo thời gian, tuổi tác, quá trình sinh nở nhiều lần khiến vùng kín của các chị em bị rơi vào tình trạng “xuống cấp”, trở nên giãn rộng, nhăn nheo, mất tính đàn hồi. Vùng kín bị giãn rộng quá nhiều khiến chị em không còn tự tin trong các cuộc “yêu” với chồng. Phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín là tiểu phẫu nhằm “trẻ hoá vùng kín” thông qua các phương pháp loại bỏ những phần niêm mạc thừa hoặc thu nhỏ ống âm đạo, tăng cường độ đàn hồi của âm đạo, cải thiện tình trạng khô hạn, tăng tiết nhờn...

anh1.JPG

Bác sĩ Dung và êkip tại Bệnh viện Đại học Y đang tiến hành mổ để bảo toàn chức năng bàn chân của một bệnh nhân sau tai nạn.

“Là phụ nữ cũng có gia đình và từng sinh con, tôi cảm thông và thấu hiểu nỗi niềm lo lắng của chị em. Có lẽ, điều đó khiến họ dễ mở lòng hơn. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ, chuyện trò, thậm chí có cả những giọt nước mắt tủi thân, bất lực… Để rồi thật vui khi sau một thời gian can thiệp phẫu thuật, họ quay lại chia sẻ về kết quả, sự thay đổi cuộc sống và hạnh phúc hơn trong hôn nhân”- Chị Dung chia sẻ.

Cũng theo chị, không giống thẩm mỹ mắt, mũi, môi..., thẩm mỹ vùng kín yêu cầu bác sĩ chuyên khoa phải có kiến thức chuyên môn và tay nghề vững để tầm soát biến chứng và thực hiện an toàn, chuẩn đẹp. “Nói là phần phụ thôi nhưng vai trò của nó lại là chính trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình bởi vậy khi quyết định can thiệp phẫu thuật, chị em nên tìm hiểu thật kỹ và đến các địa chỉ uy tín, tránh tiền mất tật mang”- chị nói.

Ngoài công việc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ với các dịch vụ thông thường như mắt, mí, môi; sửa sang vùng kín cho phái đẹp thì bác sĩ Vũ Thị Dung còn được cánh chị em ví von là “khắc tinh của mỡ”, đặc biệt rất mát tay trong việc “quy hoạch” mỡ, lấy chỗ thừa bù sang chỗ thiếu. “Những vùng cơ thể có lượng mỡ thừa nhiều như bụng, đùi, lưng, eo, vai,... sẽ được hút ra để đảm bảo lượng mỡ sống cao nhất khi cấy vào cơ thể.

Mỡ tự thân có thể cấy ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thông thường cấy mỡ sẽ được áp dụng ở vùng mặt đối với các trường hợp hóp má, hóp thái dương, rãnh cười sâu, nhăn khóe mắt và môi lớn của vùng kín... Cấy mỡ tự thân sử dụng chính các tế bào trong cơ thể của mình, sau khi được cấy vào các vùng khác sẽ đảm bảo độ tương thích hoàn toàn và tránh gây kích ứng với cơ thể ”- chị phân tích.

Nói về “duyên nghiệp” với mỡ, chị kể, có lần, một đoàn chuyên gia, bác sĩ của Hàn Quốc sang Việt Nam chuyển giao kỹ thuật sử dụng máy hút mỡ mới. Họ đã phải thốt lên kinh ngạc khi nhìn thấy nữ bác sĩ có vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ con lại có thể vận hành thoăn thoắt máy hút mỡ. Thường công việc này sẽ do các bác sĩ nam đảm nhận vì dù có máy móc hỗ trợ thì vẫn phải dùng cơ lực khá lớn và liên tục trong quá trình phẫu thuật.

“Bác sĩ thẩm mỹ cũng như làm dâu trăm họ”

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nắng gió, ngay khi còn bé, chứng kiến người thân bị bệnh nặng, cô gái nhỏ Vũ Thị Dung đã nung nấu quyết tâm trở thành một bác sỹ để có thể chữa bệnh cho tất cả mọi người. Thi đỗ bác sĩ trường Đại học Y Hà Nội, sau 6 năm học tập, Dung quyết định thi vào bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật tạo hình để gắn bó, với suy nghĩ “nhẹ nhàng, thích hợp với phụ nữ”. Và cô gái trẻ đã nhầm. “Càng học và tìm hiểu càng thấy đây là một lĩnh vực sâu rộng, càng làm càng nhiều thách thức. Tuy nhiên, càng học càng làm càng thấy thú vị, nhất là sau mỗi lần kết thúc một ca mổ thành công”- Dung nói.

Những đam mê đó như sợi dây vô hình níu giữ Dung với nghề. Bởi có những ca mổ kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ, tỉ mẩn nối những mạch máu 1-2mm quên ăn quên nghỉ. Nhiều hôm thức trắng 24/24 giờ trực cấp cứu. Lắm lúc bận rộn đến nỗi con ốm ở nhà mà mẹ cũng không kịp chạy về, đành phó thác cho bố và ông bà. Rồi những đêm, 2h sáng tung chăn bật dậy phóng vào viện để tham gia ca mổ cấp cứu... Nếu không yêu nghề, thật khó để gắn bó.

IMG_1807.jpg

Bác sĩ Dung luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích của khách hàng cũng như thể hiện quan điểm của mình, phân tích những cái nên và không nên, những cái được và cái mất…

Đổi lại, nữ bác sĩ nhận được những cái ôm đầy biết ơn, những nụ cười hạnh phúc, ánh mắt vui sướng từ những bệnh nhân, khách hàng. Đó có thể từ một cô gái từng tự ti vì khuôn mặt kém duyên, một phụ nữ từng gặp rắc rối trong chuyện sinh hoạt vợ chồng, hay đôi khi chỉ là một bệnh nhân dưới 10 tuổi từng bị tai nạn giao thông, dập nát tay chân, đã được bác sĩ Dung và ê-kip cứu chữa kịp thời.

Trước khi đi đến một quyết định lựa chọn kỹ thuật để hướng tới “sản phẩm thẩm mỹ” nào đó, bác sĩ Dung luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích của khách hàng cũng như thể hiện quan điểm của mình, phân tích những cái nên và không nên, những cái được và cái mất… Trên cơ sở đó, tìm ra phương án chung có thể dung hòa. Chị nói vui rằng chính công việc đã “cảm hoá” được con người mình. Vốn nóng tính, quyết liệt nhưng từ khi gắn bó với nghề “cầm dao mổ”, Dung học được tính kiên trì, bình tĩnh. Trước mỗi ca mổ, chị luôn để tâm lý thoải mái nhất, từ tốn làm, “trời sập đất sập” cũng kệ.

Hiện tại, Vũ Thị Dung đang làm nghiên cứu sinh chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ do chính GS. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình của Trường Đại học Y Hà Nội trực tiếp hướng dẫn. Thầy cũng là người đã cho bác sĩ Dung cơ hội được học chuyên ngành phẫu thuật tạo hình. Và cũng rất may mắn được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú cho đến lúc làm nghiên cứu sinh. “Bệnh lý thì còn có thuốc chữa chứ làm thẩm mỹ thì không có công thức hay chuẩn mực nào cố định cả. Nên bác sĩ thẩm mĩ cũng như làm dâu trăm họ, ngoài trau dồi kiến thức, còn phải cập nhật xu hướng làm đẹp mới, hiểu rõ từng bệnh nhân, khách hàng để có lựa chọn can thiệp phù hợp nhất với mỗi người”- nữ bác sĩ nhấn mạnh.