Chuyện cảm động về ông lão hơn 10 năm sửa xe miễn phí cho học sinh

(Dân trí) - Trong khi xã hội vẫn còn dấy lên những câu chuyện về các “đinh tặc” rải đinh trên đường để có thể chặt chém, thu tiền sửa xe thì ở đâu đó ngoại thành Hà Nội còn có ông lão hơn 10 năm liền sửa xe miễn phí cho học sinh.

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện đầy tính nhân văn này là ông Nguyễn Văn Tâm (66 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội). Ông là một cựu chiến binh, người đã từng kéo pháo ở nhiều chiến trường oanh liệt.

Giờ đây khi về già, ông vẫn giữ nguyên phẩm chất của một anh bộ đội cụ Hồ và tham gia tích cực vào các hoạt động của hội Người cao tuổi, hội Cựu chiến binh của thôn, xã. Và đặc biệt là việc làm ý nghĩa của ông suốt 10 năm liền sửa xe miễn phí cho các em học sinh.

Ông Tâm hơn 10 năm liền sửa xe đạp miễn phí cho học sinh, nhiều người vẫn thường gọi ông là “Ông Tâm tử tế”
Ông Tâm hơn 10 năm liền sửa xe đạp miễn phí cho học sinh, nhiều người vẫn thường gọi ông là “Ông Tâm tử tế”

Chia sẻ với chúng tôi về việc làm mà nhiều người vẫn thường gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, ông kể “Dưới này có 2 trường tiểu học, các cháu đi học qua rất đông nhưng lại không có quán sửa xe đạp nào, tôi thì già rồi nên giúp các cháu cũng là để tìm niềm vui trong cuộc sống”. Ông tâm niệm, việc làm của ông là việc bình thường, xuất phát từ trong tâm chứ không mưu cầu lợi lộc hay tính toán.

Cách đây hơn 10 năm, lúc đó học sinh trong vùng chủ yếu đi học bằng xe đạp hoặc đi bộ. Một lần, thấy một cháu học sinh bị hỏng xe, mếu máo dắt xe qua nhà, ông Tâm thương tình bèn gọi vào hỏi chuyện và mày mò sửa xe giúp. Từ đó, ông lão này cũng bắt đầu gắn bó với công việc sửa xe miễn phí cho các cháu học sinh nơi đây.

Ông Tâm cho hay, việc làm của mình xuất phát từ cái tâm chứ không mưu cầu lợi lộc.
Ông Tâm cho hay, việc làm của mình xuất phát từ cái tâm chứ không mưu cầu lợi lộc.

Nói tiếp đến tấm bảng đen ông treo đã từng nổi tiếng trên mạng xã hội, ông Tâm kể: “Đến năm 2011, khi bắt đầu bị đau khớp do di chứng của chiến tranh và một phần là tuổi già, không làm được việc nặng, tôi bắt đầu viết tấm bảng treo trước nhà để cháu nào hỏng xe mang vào sửa giúp.

Bây giờ thì mưa nắng làm tấm bảng mờ đi và các cháu cũng đã quen nên tôi gỡ tấm bảng xuống. Tôi cũng dành một phần lương ít ỏi để mua sắm đồ sửa xe, một vài miếng vá, xăm lốp và chiếc bơm. Cháu nào tuột xích thì dắt vào tôi lắp xích, trùng xích thì tôi căng, thủng xăm thì tôi vá…Tất cả tôi đều không lấy tiền”.

Điều cảm động nhất là việc không chỉ âm thầm sửa xe miễn phí suốt hơn chục năm trời cho các cháu học sinh ông Tâm còn nhiều lần lấy xe máy đưa các cháu đến trường nếu ông không sửa kịp hoặc xe hỏng quá nặng. Khâm phục trước việc làm hết sức ý nghĩa của ông, cô Duyên (55 tuổi), một người dân sống trong thôn chia sẻ: “Việc làm của ông Tâm rất tốt, ông làm vậy là tạo điều kiện cho bọn trẻ đến trường đúng giờ, hơn nữa là giúp chúng có chỗ gửi xe nếu không dắt xe hỏng từ đây đến trường thì rất vất vả”.

Cô Duyên cũng cho biết, mọi người trong thôn rất ủng hộ việc làm của ông, có người đi qua có đồ nghề sửa xe không dùng đến, hoặc cái xăm cũ cũng mang cho để ông “hành nghề”.

Mong muốn giúp các cháu nhỏ kịp giờ đến lớp được ông viết và treo trước nhà. Ảnh: Facebook
Mong muốn giúp các cháu nhỏ kịp giờ đến lớp được ông viết và treo trước nhà. Ảnh: Facebook

Hơn 10 năm trời âm thầm thay lốp, vá xăm miễn phí cho học sinh điều hạnh phúc nhất đối với ông Tâm có lẽ là tình cảm yêu mến mà các cháu học sinh, phụ huynh học sinh và dân làng dành cho ông. Ông kể nhiều lúc ngồi trong nhà mà nghe tiếng trẻ con vọng vào “Cháu chào ông Tâm ạ”, dù không nhận ra là cháu nào nhưng ông rất vui. Hay có lần có cha mẹ của một cháu mang biếu ông lạng chè để cảm ơn ông vì đã giúp con họ sửa xe và đưa cháu đến trường.

Ngay trước nhà là cầu Cảng – nơi có tàu sắt ngày ngày chạy qua, để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại nên ông còn là một “nhân viên gác tàu tự nguyện”. Ông nói những việc làm của ông rất bình thường, ông muốn các cháu học sinh trong vùng sẽ có được bài học về đạo đức trong xã hội, mỗi người làm một việc tốt, xã hội sẽ trở nên tươi đẹp lên rất nhiều.

Câu chuyện về ông lão nhiều năm liền sửa xe đạp giúp các em học sinh nhỏ kịp giờ đến trường đã truyền cảm hứng cho mọi người đặc biệt là giới trẻ để họ sống có trách nhiệm, biết yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Thương Lê – Thu Trang