“Chặn dế” đêm đông

(Dân trí) - Đêm đông, tiếng dế vọng về, say mê lay thức, lay nỗi niềm, lay kí ức tuổi thơ. Bất giác thèm trở lại thời trẻ thơ để cùng đám bạn nghèo rủ nhau săn dế đêm đông. Rồi cùng nhau ngồi quay quần bên bếp lửa, chờ mẹ làm món dế cơm đầu mùa rang giòn béo ngậy.

Miền núi Tiên Phước, Quảng Nam quê tôi đất đá "lộn tùng phèo" nên để đào được hang, bắt được con dế cũng toát mồ hôi hột. Mà cái trò đá dế hay món dế rang giòn thì bọn trẻ con trong làng ngày ấy chẳng đứa nào mà không mê tít thò lò và thèm thuồng chờ đợi.

Khi đêm đến, một chú dế ra cửa hang để gáy
Khi đêm đến, một chú dế ra cửa hang để gáy

Đào hang bắt dế quá khó khăn bởi đất gành cằn cỗi nên mới nghĩ ra cái cách bắt dế ban đêm đơn giản mà hiệu quả vô cùng, đó là cách dùng con dao cùn “chặn dế”.

Thường vào mùa này, đất mềm ra, những vồng khoai lang bắt đầu đâm ngọn mướt xanh. Trời chập choạng tối thì quanh vườn, ngoài bãi tiếng dế đã râm ran.

Ăn vội miếng cơm chiều, bọn con trẻ lại rủ nhau chuẩn bị đồ nghề đợi đến đêm đi “chặn dế”. Đồ nghề đơn giản chỉ là con dao cùn, cái đèn dầu có chắn gió và cái hộp dùng để đựng dế khi bắt được.

Chàng dế trống ra cửa hang say sưa gáy
Chàng dế trống ra cửa hang say sưa gáy

Dế bắt theo cách này hầu hết là dế trống. Theo kinh nghiệm dân gian, muốn biết dế trống hay dế mái chỉ cần nhìn vào đôi cánh sẽ phân biệt được ngay. Dế mái có đôi cánh trơn lán, bụng trắng bầu, con trống có đôi cánh xoắn, bụng tóp và đôi càng sau vạm vỡ.

Loài dế cơm con trống thường chờ khi trời tối là bò ra cửa hang để gáy. Tiếng gáy thanh vang, say sưa không dứt, không lẫn với âm thanh nào được. Nghe tiếng dế gáy, bọn trẻ cứ thế mà mon men thật khẽ lần theo tiếng gáy mà soi đèn tìm cửa hang.

Dùng lưỡi dao chặn dế chui vào hang rồi đưa tay túm lấy đuôi
Dùng lưỡi dao chặn dế chui vào hang rồi đưa tay túm lấy đuôi

Khi gáy, dế thường quay đầu vào hang tối, chổng đôi càng sau, bung phồng đôi cánh và cứ thế gáy say mê thổi khúc liên hồi. Khi phát hiện ra anh chàng dế đang gáy phải chú ý đường vào hang chạy theo hướng nào. Đâu vào đấy, chỉ việc đưa mũi dao xén xuống đất, chặn đường vào hang, không cho chúng chạy vào rồi đưa tay túm gọn anh chàng dế béo tròn bỏ vào trong hộp, lại tiếp tục đi tìm cửa hang kế tiếp.

Chỉ một chặp “chặn dế” là chiếc hộp đựng đã đầy dế cơm. Bọn trẻ lại hú gọi nhau quay về.

Về đến nhà là chia nhau chọn lựa những chàng dế có đầu to, bụng thon, đuôi dài, cánh xoắn, đôi càng đen bóng khỏe để nhốt riêng, dành mai đem ra thi đấu. Còn lại đưa mẹ lặt cánh làm ruột rửa sạch làm món dế rang.

Một chú dế cơm bị túm được
Một chú dế cơm bị túm được

Đêm đông se se lạnh vây quanh bếp lửa hồng, những ánh mắt trẻ thơ thèm thuồng chờ đợi, rồi lại được thưởng thức món dế cơm vàng ươm giòn rụm xen lẫn vị cay cay, có lẽ không gì ngon hơn thế.

Nếu món ăn từ dế cơm béo ngậy thơm ngon thì những trận đá dế lại hấp dẫn vô cùng của trẻ thơ ngày ấy. Chọn khoảnh đất bằng dưới táng lá cây, bọn trẻ trong làng tập trung đông đủ rồi chia nhau ra từng nhóm để đá dế.

Khoét một cái rảnh dài độ gang tay trên mặt đất, sâu và rộng chừng hai đốt ngón tay. Bắt con dế ra khỏi hộp, lồng sợi tóc vào một càng sau rồi quay tít cho chúng chóng mặt rồi bỏ vào cái rảnh đã khoét sẵn. Hai anh chàng dế đối mặt nhau liền lao vào cắn, đá để tranh địa phận.

Tiếng gáy râm ran, tiếng tạch tạch của đôi càng tung cước, tiếng hò reo của bọn trẻ làm vui nhộn cả xóm làng. Trận đấu kết thúc khi đối thủ không chịu nổi đòn phải nhảy ra khỏi rảnh. Anh chàng dế thắng cuộc còn lại chổng đôi càng, phồng đôi cánh cất lên điệp khúc khải hoàn. 

Thời gian trôi đi, cuộc sống xô bồ nên tiếng dế đêm đông cũng lui vào tiềm thức. Bổng dưng đêm nay bất giác nghe tiếng dế gáy sau hè lay thức tuổi ấu thơ. Lòng bỗng rộn ràng như tiếng dế gáy râm ran nơi quê nghèo một thuở. 

Bài, ảnh: N.Cường-C.Bính