Cây đại thụ của ngành giải phẫu Việt Nam

(Dân trí) - Các tiền bối chuyên ngành Phẫu thuật Việt Nam như Giáo sư, Bác sỹ Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trinh Cơ sinh thời đều là những người thầy, người anh gắn bó với Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Trịnh Văn Minh.

Xuân Canh Tý này, Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ (GS.TS.BS) Trịnh Văn Minh bước sang tuổi 90.

Có mặt trong đoàn học trò của GS tới chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi thực sự ngưỡng mộ tinh thần và sự nghiệp cống hiến cho Y học trong chuyên ngành Giải phẫu của một GS.TS.BS - nguyên giảng viên cao cấp tại Đại học Y Hà Nội, người đã sống và làm việc xuyên 2 thế kỷ.

Tất cả các sinh viên ngành Y, đều phải trải qua môn học cơ bản nhất của ngành Y là môn Giải phẫu, đặc biệt là những người theo học ngành Ngoại khoa càng phải qua thời kỳ nghiên cứu giải phẫu cực kỳ kỹ lưỡng và chuyên sâu.

Từ các bài giảng lý thuyết trong sách đến thực nghiệm lâm sàng là cả một quá trình miệt mài. Hiện nay các phương tiện hỗ trợ giảng dạy tiên tiến như mô hình thực tế ảo, giải phẫu cơ thể người qua hình ảnh 3D có thể đã phổ biến, nhưng vào những năm 60-70-80 của thế kỷ 20 thì điều đó chưa có mà GS.TS.BS.Trịnh Văn Minh đã bằng kiến thức giải phẫu uyên thâm của mình truyền thụ lại cho biết bao thế hệ sinh viên ngành Y.

Cây đại thụ của ngành giải phẫu Việt Nam - 1
GS.TS.BS Trịnh Văn Minh bên vợ và con gái.

Để giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức giải phẫu hơn, GS.TS.BS Trịnh Văn Minh đã mày mò và có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: xây dựng phòng tranh vẽ, phòng làm mô hình thạch cao, xây dựng musee giải phẫu: với các bộ xương lắp ráp, lên khung treo trên giá sắt, hộp sọ sơn màu từng thành phần khác nhau, các xương rời gắn trên các bảng gỗ, có đánh số ghi tên các chi tiết cấu tạo để sinh viên tự học.

GS.TS.BS.Trịnh Văn Minh còn tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật làm các tiêu bản ăn mòn bằng cách sử dụng nhựa plastic hòa tan trong acitone, nhuộm màu rồi bơm vào các đường mạch mật trong gan, sau đó ngâm axit cho ăn mòn hết nhu mô, còn lại khuôn đúc các đường mạch mật ấy tạo nên các tiêu bản ăn mòn trong không gian 3 chiều sống động.

Đây thực sự là các giáo cụ trực quan quan trọng cho sinh viên, đồng thời cũng là phương tiện nghiên cứu các cấu trúc nội tạng rất có hiệu quả.

Cây đại thụ của ngành giải phẫu Việt Nam - 2
TS.BS Ngô Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - BV Việt Đức tặng hoa thầy giáo GS.TS.BS Trịnh Văn Minh nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Cây đại thụ của ngành giải phẫu Việt Nam - 3

Các tiền bối chuyên ngành Phẫu thuật Việt Nam như GS.BS. Tôn Thất Tùng, GS.BS Nguyễn Trinh Cơ sinh thời đều là những người thầy, người anh rất gắn bó với GS.TS.BS Trịnh Văn Minh. Chính nhờ những nghiên cứu rất chuyên sâu về giải phẫu mà các phương pháp phẫu thuật  độc đáo sau này của Việt Nam đã vang danh thế giới.

Có thể kể đến 2 công trình nghiên cứu giải phẫu của GS.TS.BS. Trịnh Văn Minh, một là công trình "Sự phân phối và những biến đổi giải phẫu của các đường mạch mật trong gan theo quan điểm phân thuỳ gan hiện đại", đã phục vụ đắc lực cho việc xây dựng và phát triển phương pháp phẫu thuật cắt gan của GS.Tôn Thất Tùng.

Công trình thứ 2 là "Phân phối dây thần kinh X cho dạ dày", phục vụ cho phẫu thuật cắt dây X chọn lọc và siêu chọn lọc của GS.Nguyễn Trinh Cơ để điều trị loét dạ dày tá tràng. Cả 2 công trình này đều được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao và được in thành sách chuyên đề quốc tế.

Năm 1983, một GS Ý sang học cắt gan tại Hà Nội, sau khi xem luận án PTS của GS.Trịnh Văn Minh thì đã đề nghị tác giả chuyển luận án sang tiếng Pháp để họ dịch sang tiếng Ý và được in ấn xuất bản tại Ý năm 1985.

Trên trang đầu giới thiệu sách, GS A.E. Paletto Giám đốc Viện Bệnh lý Ngoại khoa Đại học Torino đã viết:

"Về công trình của Trịnh Văn Minh, cần phải ghi nhớ rằng phần công bố tại đây chỉ là một phần rất nhỏ của một tác phẩm giải phẫu thực sự phi thường về tầm rộng lớn và tính chính xác. Nghiên cứu của Trịnh Văn Minh chắc chắn nằm trong số đầy đủ nhất thế giới…”

Trong thư gửi GS.Trịnh Văn Minh, bà Đại sứ Việt Nam tại Ý đã viết: “Công trình giải phẫu của ông trong cuốn sách đã làm cho tất cả các GS.BS nước ngoài còn nghi ngờ về phương pháp cắt gan Tôn Thất Tùng buộc phải công nhận".

Như vậy cả 2 công trình: giải phẫu của Trịnh Văn Minh và phẫu thuật của Tôn Thất Tùng đã được kết hợp làm một, đại diện cho trường phái Việt Nam.

TS.BS.Ngô Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Kiến thức nền tảng giải phẫu của GS, BS Trịnh Văn Minh là cái gốc quan trọng để tất cả các bác sỹ ngoại khoa tiếp cận trong thực nghiệm lâm sàng. Và là cơ sở để mỗi người theo đuổi các chuyên môn sâu của mình”.

Cây đại thụ của ngành giải phẫu Việt Nam - 4
GS.TS.BS Trịnh Văn Minh cùng học trò là các bác sỹ nội trú.

Trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Phúc Lai, người GS già với mái tóc bạc trắng vẫn minh mẫn khi ngồi với các học trò và khi được nhắc nhớ về các chi tiết gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy của mình.

Ông đã tâm sự: “Tôi bằng lòng với số phận vì đã làm tròn trách nhiệm của một người thầy thuốc và một người thầy giáo, đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò có tầm, có tài và đã để lại cho thế hệ sau những bộ sách có giá trị. Còn những nhiệm vụ tiếp theo xin dành cho các thế hệ học trò”.

Cả đời gắn bó với ngành Y, với sự nghiệp đào tạo, bằng kiến thức chuyên môn và tâm huyết của người Thầy thuốc - Nhà Giáo. GS.TS.BS Trịnh Văn Minh đã góp phần xây dựng cho nền Y học Việt Nam. Ở tuổi đại thọ 90, ông thực sự là một cây đại thụ của ngành giải phẫu Việt Nam.

Việt Phong

Ảnh: Phương Thảo