Cần làm gì để giúp trẻ chống đuối nước trong mùa hè?

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm ở Việt Nam có từ 3500 - 4000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số người chết đuối, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Vậy cần làm gì để giúp trẻ chống đuối nước?

Chia sẻ với Dân trí, thầy giáo Điền Đức Nghĩa, là người trực tiếp dạy bơi tại Trung tâm dạy bơi Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, cho rằng gia đình và nhà trường cần trang bị cho trẻ về sự nguy hiểm khi bị đuối nước và trẻ cũng cần được trang bị các kỹ năng biết bơi và phải xử lý được các tình huống nguy hiểm dưới nước.

Đối với phụ huynh, khi cho trẻ đi bơi thì cần có sự giám sát đối với trẻ, không phải trẻ đã biết bơi thì bố mẹ có thể lơ là, để con tự bơi một mình còn bố mẹ đi chơi ở một nơi nào đó. “Phụ huynh phải luôn kèm theo con của mình dù là ở bể bơi hay ở biển”, thầy Nghĩa nhấn mạnh.


Điều kiện bơi lội không đảm bảo khiến xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Điều kiện bơi lội không đảm bảo khiến xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Mặc dù nhiều thông tin cho rằng cần phải trang bị kỹ năng cứu đuối nước cho trẻ khi gặp những trường hợp nhìn thấy bạn bè, người thân bị đuối nước, nhưng theo thầy Nghĩa, việc cứu đuối nước là một kỹ năng phức tạp và chỉ có thể thực hiện được với những người chuyên nghiệp. Thầy Nghĩa nhấn mạnh đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ, thậm chí là các anh chị lớn là sinh viên khi thấy bạn bè bị đuối nước liền dùng tay kéo để cứu bạn nhưng đáng tiếc hầu hết những trường hợp này đều khiến cả hai bị những dòng nước cuốn trôi.

Chuyên gia dạy bơi cho rằng trong những tình huống này, trẻ nên tìm sự giúp đỡ của người lớn hoặc những vật dụng xung quanh để kéo bạn lên thay vì tự mình chống chọi với dòng nước cuốn.

Theo thầy Điền Đức Nghĩa, tất cả các trường học nên đưa môn dạy bơi vào làm môn học chính thức trong quá trình giảng dạy. Mặc dù hiện tại Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo để các thường học thực hiện kế hoạch này nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu nên hầu hết các tường học đều kết hợp với các trung tâm bên ngoài để thực hiện giảng dạy và cũng chỉ dạy trong các dịp hè. Do đó, các buổi học thường quá đông, người giảng dạy ít nên không đảm bảo kiến thức và kỹ năng cho trẻ.

Theo quan điểm của chuyên gia dạy bơi, điều quan trọng nhất để phòng tránh đuối nước đó là gia đình và nhà trường phải giáo dục cho trẻ sự nguy hiểm của đuối nước để trẻ biết sợ mà không tự do nhảy, ngụp lặn dưới nước. Thầy Nghĩa nhấn mạnh dạy bơi vẫn nên xếp sau nhận thức về sự nguy hiểm của đuối nước.


Phụ huynh luôn phải kèm và theo dõi con bơi.

Phụ huynh luôn phải kèm và theo dõi con bơi.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ các kỹ năng sống sót khi bị chìm. Trẻ cần bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở, có thể lấy tay bịt mũi để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.

Cần làm gì để phòng, chống đuối nước?

* Những điều các em nên làm:

- Học bơi theo từng lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn.

- Khi đi bơi các em nhớ tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:

+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

+ Chỉ bơi khi có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.

+ Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước.

+ Lên bờ ngay khi trời tối, mưa, sấm chớp.

- Làm hàng rào quanh ao, hố nước, rãnh nước quanh nhà, làm cổng cửa chắn (đặc biệt khi nhà ở gần sông hồ…).

- Luôn đậy giếng, bể, lu chứa nước…bằng các nấp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).

* Những điều các em không nên làm:

+ Không bơi ở những nơi có biển báo nguy hiểm, nước chảy xiết, nước sâu.

+ Không nhảy cắm đầu hoặc bơi thi ở những nơi không có chỉ dẫn.

+ Chơi đùa gần sông, hồ, ao, mương, hố nước…và những nơi có biển báo nguy hiểm.

+ Tự ý lái xuồng, thuyền, võ lãi… khi chưa xin phép người lớn.

+ Không nhảy xuống nước khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi có nhiều mồ hôi.

+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

Phải làm gì khi bị đuối nước?

Nếu thấy mình bị đuối nước, ngay lập tức các em nhớ:

+ Kêu cứu thật to.

+ Bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người.

+ Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.

Cách sơ cứu đuối nước:

- Đẩy đầu nạn nhân về phía sau, nâng hai hàm răng gần như chạm nhau, quan sát và lắng nghe hơi thở nạn nhân.

- Nạn nhân không còn thở, bịt mũi nạn nhân dung miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phồng.

- Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.

- Ủ ấm chống choáng. Khi nạn nhân vào bờ mà còn tỉnh tháo hoặc sau khi xốc nước và làm hô hấp nhân tạo, nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô cho nạn nhân, dùng khăn ủ ấm và cho uống nước trà nóng hay café rồi chuyển đến cơ sở y tế.

Khôi Linh