Cách ứng xử “lạ lùng” của du khách người Nhật và lời xin lỗi đáng suy ngẫm

(Dân trí) - Dù là nạn nhân bị người lái xích lô “chặt chém” 2,9 triệu đồng cho cuốc xe khoảng 5 phút nhưng du khách người Nhật vẫn liên tục nói lời xin lỗi và nhận sai về mình. Cách hành xử nhân văn, vị tha của người đàn ông này khiến nhiều người Việt không khỏi suy nghĩ.

Thông tin cụ ông Oki Toshiyuki (83 tuổi) đến từ Nhật bị người lái xích lô “chặt chém” 2,9 triệu cho một cuốc xe khoảng 5 phút khi đi du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đã khiến dư luận dậy sóng.

Cụ thể, khi đi dạo quanh khu vực chợ Bến Thành, cụ Oki Toshiyuki đã thuê một người đàn chở xích lô về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng.

Khi tới nơi cụ Oki Toshiyuki trả cho người đàn ông 500 ngàn đồng, tuy nhiên anh này tỏ ý đòi thêm. Dù vậy, khi du khách người Nhật chưa kịp rút thêm tiền thì đã bị người đàn ông này thò tay vào bóp lấy thêm các tờ tiền mệnh giá 500 và 200 ngàn rồi bỏ đi.

Cách ứng xử “lạ lùng” của du khách người Nhật và lời xin lỗi đáng suy ngẫm - 1

Xích lô là một trong những trải nghiệm được nhiều du khách quốc tế yêu thích khi đến Việt Nam

Ngay sau khi câu chuyện được đăng tải, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra vụ việc. Theo đó, người lái xích lô có hành vi “xấu xí” trên là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Tại cơ quan điều tra, người này thừa nhận việc “chặt chém” du khách người Nhật và bày tỏ sự hối lỗi.

Điều đáng nói, dù là nạn nhân bị “chặt chém” nhưng từ đầu đến cuối du khách người Nhật liên tục nói lời xin lỗi và nhận sai về mình. “Lỗi là tại tôi không hỏi giá trước”, cụ ông Oki Toshiyuki nói. Khi biết gia cảnh khó khăn của người lái xích lô, du khách này cũng không muốn lấy lại số tiền đã mất và vẫn tin rằng, người đàn ông trên có lý do khó nói nên mới phải hành động như vậy.

Cách ứng xử “lạ lùng” của du khách người Nhật và lời xin lỗi đáng suy ngẫm - 2

Ngay sau khi câu chuyện được đăng tải, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra vụ việc. Trong ảnh là trích xuất camera người lái xích lô chở du khách người Nhật

Câu chuyện thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Ngoài việc bức xúc, bất bình trước hành vi xấu xí của người lái xích lô, cách cư xử đầy tính nhân văn, vị tha của du khách người Nhật cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Lâu nay, với người Nhật xin lỗi được xem là văn hóa, nó thể hiện đức tính khiêm tốn của con người. Trong mỗi một vụ việc xảy ra, dù nguyên nhân do ai, nhưng ban đầu người Nhật vẫn cúi đầu, nhận lỗi về mình. Việc xin lỗi chưa hẳn là việc nhận mình sai mà cho thấy thái độ tích cực, cầu tiến, có ý thức trách nhiệm. Họ quan niệm: “Để cái sai xảy ra, lỗi trước hết là do bản thân”.

Còn người Việt chúng ta thì dường như không ít người lại rất kiệm lời xin lỗi. Trước mỗi một tình huống, câu đầu tiên không phải là: “Tôi xin lỗi” mà sẽ tìm lý do để đổ lỗi, biện bạch.

Đi đường, vô tình va quệt vào nhau, dù lý do đến từ mình nhưng đầu tiên vẫn phải là “hung hăng” chửi bới. Đến công sở muộn, sẵn sàng “đổ tội” cho hàng tá lý do khách quan từ: tắc đường, hỏng xe đến thời tiết xấu… Từ những việc nhỏ xảy ra trong đời sống hàng ngày cho đến những việc lớn hơn, rất ít người dám thẳng thắn thừa nhận lỗi của bản thân, đứng ra nhận trách nhiệm.

Thực tế, lời xin lỗi không làm cho bản thân chúng ta thấp kém đi mà nó cho thấy sự cầu thị, trách nhiệm và tôn trọng người khác. Một người biết đứng ra nhận lỗi, chắc chắn sẽ là một người có trách nhiệm, nghiêm túc và biết sửa sai với công việc. Khi chúng ta vô tình mắc lỗi, việc hành xử đúng mực, cầu thị, biết nói lời xin lỗi, sửa đổi chắc chắn sẽ nhận được sự bao dung, tha thứ từ người khác. Đây cũng là nét văn hóa và cư xử cơ bản của một đất nước văn minh.

Quay trở lại câu chuyện của du khách người Nhật xin lỗi người lái xích lô có hành vi “chặt chém” rõ ràng đã khiến nhiều người Việt tự cảm thấy xấu hổ, suy nghĩ.

Đã bao nhiêu lần, chúng ta phạm sai lầm mà dũng cảm đứng ra nhận lỗi? Bao nhiêu lần chúng ta thử đặt mình vào vị trí của người khác để có cái nhìn bao dung, cảm thông với cái sai của người khác?

Riêng bạn, lời xin lỗi bạn nói ra gần đây nhất là từ khi nào?

Hà Trang