Bi kịch của người phụ nữ hóa tâm thần vì không sinh được con

(Dân trí) - Trong hành trình điều trị vô sinh, hiếm muộn không ít gia đình rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, thậm chí nhiều người vợ bị ruồng rẫy, hắt hủi đến mức trầm cảm phải đi điều trị…

Gần 15 năm gắn bó với công việc điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản TW, PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi đã thực hiện chữa trị cho hàng nghìn ca, trong đó rất nhiều em bé đã chào đời nhờ được thụ tinh trong ống nghiệm.

Khác với các lĩnh vực khác, chữa trị vô sinh, hiếm muộn là một hành trình gian nan, vất vả mà đằng sau mỗi bệnh nhân đều là một nỗi niềm, câu chuyện riêng. Không ít những gia đình hàng chục năm lấy nhau, cầm cố hết sổ đỏ, tài sản trong nhà mới có được mụn con. Thậm chí nhiều người đã ngoài 50 tuổi nhưng mới lần đầu tiên được thử cảm giác làm bố, làm mẹ. Họ hạnh phúc trào nước mắt, không dám tin vào sự thật.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi cho biết, hạnh phúc nhất đối với anh là chứng kiến giây phút những em bé chào đời trong sự xúc động của các cặp vợ chồng hiếm muộn
PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi cho biết, hạnh phúc nhất đối với anh là chứng kiến giây phút những em bé chào đời trong sự xúc động của các cặp vợ chồng hiếm muộn

Niềm vui làm mẹ ở tuổi U60

Cho đến bây giờ, vị bác sỹ này vẫn không thể quên được cảm xúc vỡ òa của cặp vợ chồng gần 60 tuổi ở Lào Cai khi đón chào người con được thụ tinh trong ống nghiệm. Theo bác sỹ Hợi, đây là một trường hợp đặc biệt bởi khi tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sức khỏe sinh sản, cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi. Kể với bác sỹ, người vợ tên Hương nức nở cho biết, người con trai duy nhất của gia đình không may mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông.

Cả hai vợ chồng đã định nén nỗi đau, sống dựa vào nhau đến cuối đời, thế nhưng ở tuổi gần 60 chị Hương vẫn khao khát được làm mẹ. Niềm mong mỏi sớm có con, khiến chị chạy chữa khắp mọi nơi, dùng đủ mọi cách thậm chí không ngần ngại nhờ cả thầy cúng, uồng “bùa ngải”… nhưng vẫn không có kết quả.

“Khi đến gặp tôi, cả hai vợ chồng như đã ở đáy của sự tuyệt vọng. Sau khi khám tổng thể, tôi phát hiện chị bị suy buồng trứng. Muốn có con buộc phải xin trứng từ người khác. Rất may, trong lần đầu tiên thực hiện phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cặp vợ chồng này đã thành công. Sau 38 tuần mang thai, người vợ đã hạ sinh một bé trai nặng 3,1kg. Bế người con trên tay, cả vợ cả chồng đều nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt như lần đầu tiên được làm bố, làm mẹ”, bác sỹ Hợi xúc động nhớ lại.

Vị chuyên gia này cho biết, trong số những người đến chữa trị vô sinh, hiếm muộn không phải ca nào cũng thành công. Trong điều trị lĩnh vực này, tỷ lệ thành công chiếm khoảng hơn 60%. Vẫn còn hơn 30% y học đành “bó tay” mà không tìm được nguyên nhân…

“Có cặp vợ chồng thực hiện 8-9 lần chuyển phôi đều hỏng. Mỗi lần như vậy, họ như ngất lịm, hoảng loạn mà không chấp nhận sự thật. Thậm chí, nhiều người vợ đau đớn đến mức trầm cảm, phát điên phải đi điều trị tâm lý. Đây có lẽ là điều đau lòng nhất mà không bác sỹ nào mong muốn phải chứng kiến”, bác sỹ Hợi trầm ngâm kể.

Trầm cảm, hóa tâm thần vì tội “không biết đẻ”

Vị bác sỹ này cho biết, ông ám ảnh nhất là trường hợp của một bệnh nhân tên Hải (28 tuổi, Bắc Giang). Theo đó, chị Hải bị lạc nội mạc tử cung, tắc 2 vòi trứng. Sau 5 lần IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) và 2 lần IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không thành công, chị bị trầm cảm phải điều trị hơn năm trời ở bệnh viện tâm thần Bắc Giang.

Theo bác sỹ Hợi, điều đáng tiếc là những trường hợp như chị Hải không hiếm. Trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn nhiều cặp vợ chồng không chỉ chịu nỗi đau về bệnh tật mà còn phải gánh chịu áp lực rất lớn từ định kiến xã hội và sự soi xét của gia đình.

Nhiều người phụ nữ bị gia đình chồng hắt hủi, lên án thậm chí là ruồng bỏ vì “tội không biết đẻ”. Ngay cả những người chồng “đầu ấp, tay gối” cũng gây áp lực ly hôn với vợ nếu cuộc phẫu thuật không thành công.

Theo bác sỹ Hợi, trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn nhiều cặp vợ chồng không chỉ chịu nỗi đau về bệnh tật mà còn phải gánh chịu áp lực rất lớn từ định kiến xã hội và sự soi xét của gia đình.
Theo bác sỹ Hợi, trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn nhiều cặp vợ chồng không chỉ chịu nỗi đau về bệnh tật mà còn phải gánh chịu áp lực rất lớn từ định kiến xã hội và sự soi xét của gia đình.

Câu chuyện của chị Ngọc (28 tuổi, quê Nam Định) là một ví dụ điển hình. Chị Ngọc bị suy buồng trứng, tử cung có vách ngăn nên lấy chồng nhiều năm mà không có con. Chồng Ngọc lại là con trai trưởng trong gia đình nên áp lực rất nặng nề.

Ngọc kể với bác sỹ, mẹ chồng thường xuyên đay nghiến chuyện “cô là vợ mà không biết đẻ”, đau lòng hơn bà còn thường xuyên “xúi giục” con trai đi lấy vợ khác để sớm có con. Điều đáng buồn là ngay cả người chồng cũng dửng dưng, tỏ ra chán nản và bỏ mặc vợ tự xoay sở, điều trị với bệnh tật.

“Hai lần lên viện để điều trị, Ngọc đều phải giấu bố mẹ chồng vay lãi ngân hàng, rồi đi từ đêm để không ai biết. Lần nào gặp bác sỹ cô ấy cũng khóc, nói nếu không thành công thì cuộc đời sẽ chấm hết, hôn nhân cũng tan vỡ. Có lẽ do áp lực tâm lý quá nặng nề mà 2 lần phẫu thuật, 3 lần chuyển phôi nhưng Ngọc vẫn chưa thực hiện được khao khát làm mẹ”, bác sỹ Hợi trầm ngâm nói.

Theo bác sỹ Hợi, nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn có thể xuất phát từ người vợ hoặc người chồng hoặc do cả vợ và chồng, hoặc có khi không rõ nguyên nhân. Trong quá trình điều trị, nếu hai vợ chồng đồng lòng, kiên trì thì tỷ lệ thành công sẽ cao, ngược lại nếu rạn nứt, thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn hoặc gián đoạn.

“Đứa con là sợi dây gắn kết tình cảm giữa vợ chồng nhưng đeo đuổi mãi không thành công nên đâm ra họ chán nản quay lại dằn vặt và làm tổn thương người bạn đời của mình. Tất cả những điều này này khiến người bệnh rơi vào tâm lý hoảng loạn, thấp thỏm lo sợ dẫn đến việc chữa trị không có hiệu quả”, bác sỹ Hợi khẳng định.

Hà Trang - Hương Hồng