Bạn có đang phớt lờ những vấn đề của con mình?

(Dân trí) - Chúng ta cần phải giúp trẻ tự hoàn thiện mình bằng cách trải qua những thử thách trong cuộc sống. Do đó, làm hộ trẻ mọi điều không giúp được trẻ khi chúng bước vào đời. Bất kể vấn đề gì, hãy dạy chúng cách làm và trẻ phải tự học lấy để “thành người”.

Khi con trẻ gặp vấn đề, là cha mẹ, chúng ta đều cảm thấy rất khó chịu và mong muốn tìm cách giải quyết. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể giải quyết được vấn đề và đôi khi, chính chúng ta còn lờ đi vấn đề đang xảy ra với con mình.

Dưới đây là một vài dấu hiệu cho thấy bạn đang chối bỏ các vấn đề con cái mình gặp phải.

Người thân thường xuyên nói đến những vấn đề của con mình

Khi phải nghe đi nghe lại một chủ đề nào đó về con cái mình, bạn có xu hướng nghĩ ngay “là con bạn đang có vấn đề”. Tuy nhiên nếu bản thân bạn cố lảng tránh chủ đề đó và vẫn khăng khăng rằng con mình ở nhà vẫn rất ngoan thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang chối bỏ vấn đề mà con mình có khả năng gặp phải.

Bạn có đang phớt lờ những vấn đề của con mình? - 1

Chẳng hạn, mẹ chồng bạn nhận thấy con bạn có vẻ ích kỷ với bạn bè và bạn đưa ra đủ thứ biện hộ cũng như không quan tâm lắm đến vấn đề này dù mẹ chồng có nhắc lại bao nhiêu lần đi nữa.

Trong trường hợp này, lời của mẹ chồng bạn có thể là sai nhưng chính bạn cũng đang lờ đi vấn đề của con mình. Cách tốt nhất là biết lắng nghe ý kiến của người khác và dám nhìn nhận những vấn đề mà cháu nhà bạn đang gặp phải để có thể giúp con giải quyết triệt để những vấn đề đó.

Thầy cô giáo phàn nàn về con của bạn

Có phải giáo viên chủ nhiệm thường hay phàn nàn về cách cư xử hay học lực của con bạn? Sau khi nghe những lời phàn nàn ấy bạn thường mắng cháu nhưng thực sự bạn không bỏ thời gian để tìm hiểu cặn kẽ xem con mình gặp phải những vấn đề gì ở trường học và tự huyễn hoặc mình bằng suy nghĩ: “học sinh đứa nào chả thế”.

Bạn có đang phớt lờ những vấn đề của con mình? - 2

Việc này cực kỳ nguy hiểm vì tuổi đi học trẻ phải tiếp xúc với rất nhiều điều mới: kiến thức, bạn bè, thầy cô. Vì vậy đôi lúc con bạn gặp phải stress hay những vấn đề khó nói mà nếu để tích tụ càng lâu thì sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng

Bố mẹ sẽ làm!

Con bạn đang vật lộn với bài tập về nhà hoặc đang học để sử dụng kéo và các vật dụng đơn giản khác hay thậm chí không muốn giao tiếp với người lạ. Bạn sẽ làm bài tập giúp, cắt dán thay hoặc nói chuyện giúp cho con mình để bù vào những việc mà con làm chưa tốt. Nhưng bạn có thể làm vậy trong bao lâu?

Không dám đối diện với “tình trạng” của con mình

Khi chuyên gia, bạn bè hoặc người thân phát hiện rằng con cái bạn không hoà nhập, hay rơi vào trạng thái cảm xúc không bình thường, thậm chí có dấu hiệu tự kỷ, thay vì đối diện với những nhận xét này và tìm cách giải quyết, bạn bắt đầu lảng tránh, không tới buổi hẹn với bác sĩ hoặc các buổi nói chuyện với giáo viên để che giấu sự thật.

Câu hỏi đặt ra là: Bạn có thể che giấu sự thật này trong bao lâu và liệu nó có tốt cho con bạn?

Bạn hẳn đã biết câu trả lời.

Mỗi đứa trẻ cũng như người trưởng thành vậy, đến cuộc đời này với điểm mạnh và khuyết điểm riêng của mình. Từ chối giúp đỡ con trẻ chỉ vì không muốn để mọi người biết được con mình không bình thường là điều không thể chấp nhận được.

Minh Nhật

(tổng hợp)